Tài chính quốc tế

Lĩnh án phạt 4,3 tỷ USD, Binance đã thoát khỏi 'cửa tử'?

(VNF) - Việc Binance thừa nhận sai phạm và đồng ý đóng khoản phạt hơn 4 tỷ USD là một phần thỏa thuận dàn xếp với các bên liên quan trong đó có Cơ quan Chống tội phạm Tài chính và Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ. Theo giáo sư luật Yesha Yadav của Đại học Vanderbilt, thỏa thuận này có vẻ được thiết kế để mang lại cho Binance một cơ hội sống.

Lĩnh án phạt 4,3 tỷ USD, Binance đã thoát khỏi 'cửa tử'?

Binance từng được xem là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới.

“Rửa tiền quá khó, hãy đến với Binance”

Có rất ít doanh nhân trong lĩnh vực tiền điện tử gây dựng được “đế chế” giao dịch tiền điện tử với quy mô lớn như Changpeng Zhao (được biết đến với cái tên CZ) và công ty mà ông thành lập vào năm 2017, Binance.

Binance từng được xem là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, chiếm 60% khối lượng giao dịch giao ngay trên toàn cầu, theo Arcane Research. Riêng khối lượng giao dịch Bitcoin trên nền tảng này chiếm tới 90% nhờ chính sách không thu phí tiền số.

Ngay cả khi tỷ lệ đó đã giảm xuống gần 40% kể từ khi các cơ quan quản lý Mỹ tăng áp lực lên công ty bắt đầu từ tháng 6, thì cũng không có sàn giao dịch nào khác có thể sánh được với Binance. OKX có trụ sở tại Seychelles đứng thứ hai về thị phần với 5,44% và sàn giao dịch Coinbase của Mỹ đứng thứ ba với 5,37%, theo trang tin tức tiền điện tử CoinDesk.

Nhưng “ngôi vương” của Binance hiện đang lung lay sau khi đối mặt với khoản thanh toán kỷ lục 4,3 tỷ USD cho chính quyền Mỹ để giải quyết các cáo buộc hình sự.

Sau cuộc điều tra kéo dài nhiều năm, chính quyền Mỹ cho biết Binance đã cho phép những kẻ xấu tham gia vào nền tảng này, tạo điều kiện các giao dịch liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, ma túy và tài trợ khủng bố.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lưu ý rằng Binance đã làm suy yếu các biện pháp kiểm soát giám sát trừng phạt, cho phép thực hiện 1,6 triệu giao dịch tiền kỹ thuật số vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Hơn nữa, Binance không có phương thức để gắn cờ hoặc báo cáo các giao dịch có rủi ro rửa tiền và điều này sẽ “mời” tội phạm tham gia vào nền tảng, theo Bộ Tư pháp Mỹ.

Theo một nhân viên của Bộ Tư pháp Mỹ, dường như có một câu nói truyền tai rằng: “Nếu rửa tiền ma tuý quá khó, hãy đến với binance”.

CEO Changpeng Zhao ngày 21/11 đã từ chức Giám đốc điều hành thừa nhận vi phạm Luật chống Rửa tiền của Mỹ.

Zhao sẽ phải đối mặt với mức án tối đa là 18 năm tù. Vị CEO này cũng đồng ý nộp phạt hình sự 50 triệu USD và phạt dân sự 150 triệu USD.

Changpeng Zhao sẽ phải đối mặt với mức án tối đa là 18 năm tù.

“Tôi đã phạm sai lầm và tôi phải chịu trách nhiệm. Đây là điều tốt nhất cho cộng đồng của chúng tôi, cho Binance và cho chính tôi. Binance không còn là một đứa trẻ nữa. Đã đến lúc tôi để nó đi và chạy”,  Zhao đăng trên nền tảng mạng xã hội X.

Liệu Binance có bị khai tử?

Binance, giống như đối thủ cũ khét tiếng FTX, đã phát triển hoạt động kinh doanh nhanh chóng trong một ngành công nghiệp hỗn loạn và phần lớn không được kiểm soát.

“Mặc dù Binance không hoàn hảo nhưng chúng tôi đã cố gắng bảo vệ người dùng kể từ những ngày đầu khi còn là một công ty khởi nghiệp nhỏ và đã có những nỗ lực to lớn để đầu tư vào bảo mật và tuân thủ. Binance phát triển với tốc độ cực kỳ nhanh trên toàn cầu và đã đưa ra những quyết định sai lầm trong quá trình đó. Hôm nay, Binance xin chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra”, thông báo ngày 21/11 của Binance nêu rõ.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho rằng Binance đã trở thành sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới một phần là do đã thực hiện những hành vi phạm pháp và đến nay, sàn giao dịch này cũng phải chịu một trong những khoản phạt doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử đất nước.

Theo đó, Binance từ giờ sẽ phải nộp báo cáo về những hành động đáng nghi theo quy định của luật pháp, bên cạnh đó còn phải đánh giá những giao dịch đã thực hiện và báo cáo lên cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu tình nghi.

Các nhà phân tích coi việc dàn xếp này là một chiến thắng một phần cho Binance và Zhao, bởi nó vẫn để lại khối tài sản khổng lồ cho Binance và cho phép ông Zhao giữ lại cổ phần của mình tại sàn giao dịch mà ông đã thành lập năm 2017.

“Việc tránh thời gian ngồi tù cho CZ và khả năng sàn giao dịch tiếp tục hoạt động, mặc dù không có CZ làm Giám đốc điều hành, có thể là kết quả tốt nhất trước mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc chống lại Binance”, Robert Le, nhà phân tích tiền điện tử của PitchBook cho biết:

Phản ứng ban đầu của thị trường đối với tin tức Binance khá im ắng, Bitcoin chỉ giảm hơn 1% vào chiều 21/11 (theo giờ Mỹ).

Bà Yadav lưu ý rằng thỏa thuận trị giá 4,3 tỷ USD cho Binance phản ánh vị thế của nó như một tổ chức quan trọng về mặt hệ thống. “Thỏa thuận này có vẻ được thiết kế để mang lại cho Binance một cơ hội sống. Tôi nghĩ điều đó phản ánh mối lo lắng rằng nếu Binance bị khai tử, điều đó sẽ gây thêm thiệt hại cho những người nắm giữ tiền điện tử”, bà Yadav cho hay.

Xem thêm >> 'Đế chế' Binance rung chuyển: Changpeng Zhao nhận tội rửa tiền, từ chức CEO

Tin mới lên