Lỡ hẹn thoái vốn nhà nước, Hanel còn bị kiểm toán nêu hàng loạt ý kiến ngoại trừ

Việt Anh - 05/04/2021 16:12 (GMT+7)

(VNF) - Kết thúc năm 2020, Hanel vẫn chưa thoái xong vốn nhà nước mặc dù Thủ tướng đã có "deadline" theo quyết định số 908 ngày 29/6/2020. Đặc biệt hơn, không chỉ có hoạt động kinh doanh kém tích cực, Hanel còn bị kiểm toán nêu hàng loạt ý kiến loại trừ...

VNF
Lỡ hẹn thoái vốn nhà nước, Hanel còn bị kiểm toán nêu hàng loạt ý kiến ngoại trừ

Hoạt động kinh doanh kém sắc

Năm vừa qua, Công ty Cổ phần Hanel (UPCoM: HNE) ghi nhận doanh thu thuần hơn 790 tỷ đồng, giảm 6,3% so với thực hiện năm 2019.

Do mức giảm của giá vốn chậm hơn của doanh thu, lợi nhuận gộp của Hanel chỉ còn 101,8 tỷ đồng, thấp hơn 9,2%. Cùng với đó, nguồn thu tài chính cũng bị thất thu mất 7 tỷ đồng so với năm trước.

Mặc dù chi phí lãi vay được tiết giảm hơn 5 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn khó có thể bù đắp được sự gia tăng đột biến của chi phí quản lý doanh nghiệp cũng như hoạt động bán hàng, từ 105,6 tỷ đồng lên gần 130 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sự phình to này là chi phí dự phòng phải thu khó đòi (gần 24 tỷ đồng) và thuế phí (16,1 tỷ đồng).

Chưa dừng lại ở đó, hoạt động đầu tư vào công ty liên kết của Hanel cũng tỏ ra kém hiệu quả hơn so với năm trước, khiến cho khoản thu từ nguồn này giảm gần một nửa, chỉ còn 65,6 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Đồng thời, hoạt động kinh doanh khác càng thêm ảm đạm, khoản lỗ tăng thêm gấp 3 và dừng ở mức âm 3,2 tỷ đồng.

Trong bối cảnh các chi phí tăng nhanh và nguồn thu đi lùi, Hanel có lãi sau thuế 43,4 tỷ đồng, giảm hơn 68% so với thực đạt năm 2019. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) giảm từ 672 đồng xuống 174 đồng.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Hanel duy trì ở mức 3.270 tỷ đồng. Trong đó, tiền nhàn rỗi chiếm gần 369 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 307 tỷ đồng; hàng tồn kho gần 80 tỷ đồng. Còn lại, chủ yếu là khối tài sản dài hạn với chi phí xây dựng dở dang và đầu tư tài chính lần lượt ở mức 1.234 tỷ đồng, 936 tỷ đồng.

Đối ứng bên nguồn vốn, nợ phải trả thời điểm cuối 2020 ghi nhận hơn 885 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 2.384 tỷ đồng.

Hàng loạt ý kiến loại trừ

Tại báo cáo tài chính kiểm toán của Hanel, ý kiến đầu tiên mà kiểm toán đưa ra là doanh nghiệp chưa trích lập dự phòng đối với khoản phải thu gần 103 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán lâu ngày của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển N&G (N&G).

Theo đó, nếu Hanel thực hiện trích lập, chi phí quản lý năm 2020 sẽ tăng thêm 24 tỷ đồng, đồng thời, tăng chỉ tiêu dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cùng một khoản tương ứng bằng khoản phải thu trên.

Về vấn đề này, Hanel cho biết việc chưa trích lập dự phòng là do đến thời điểm hiện tại, hai doanh nghiệp vẫn chưa tìm được sự thống nhất trong việc xác nhận công nợ do Công ty N&G chỉ xác nhận công nợ đối với khoản 80 tỷ đồng tiền gốc. Hanel đã gửi đơn khởi kiện và đang chờ cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc nên chưa thể trích lập dự phòng vào báo cáo tài chính.

Kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ thứ hai về việc Hanel chưa thu thập đầy đủ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp mà Hanel đầu tư góp vốn, mà ghi nhận dựa trên các báo cáo tài chính từ năm 2019 trở về trước nên đơn vị kiểm toán chưa thể đánh giá ảnh hưởng của khoản đầu tư có tổng giá trị ghi sổ gần 23 tỷ đồng lên một số chỉ tiêu trên báo cáo tài chính 2020.

Giải trình về ý kiến này, Hanel cho biết, doanh nghiệp đã lập và phát hành báo cáo tài chính kiểm toán sớm hơn quy định bắt buộc nên những doanh nghiệp Hanel không nắm phần vốn chi phối vẫn chưa phát hành báo cáo tài chính. Vì vậy, Hanel buộc phải trích lập dự phòng theo phân tích từ báo cáo tài chính 2019 trở về trước.

Kiểm toán cũng đưa ra ý kiến loại trừ khác, đó là Hanel vẫn chưa đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển nên đơn vị không thể đánh giá được khoản dự phòng cần thiết cho chỉ tiêu này tại ngày kết thúc báo cáo tài chính (31/12/2020).

Về ý kiến nêu trên, Hanel cho rằng các dự án được đề cập đang gặp phải một số vấn tồn động, đơn cử như dự án đang chờ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện cung cấp dịch vụ; dự án đang chờ tạm dừng hoạt động và tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển giao dịch vụ; dự án đang trong giai đoạn tái cấu trúc do gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh; dự án đang gặp trở ngại do sản phẩm chưa đạt yêu cầu để được cấp pháp và đưa vào khai thác.

Tiếp đó, đối với vấn ý kiến Hanel đang ghi nhận tiền thuê đất phải nộp bổ sung năm 2018 và 2019 tại khu công nghiệp Sài Đồng B nhưng không thực hiện điều chỉnh hồi tố gần 16 tỷ đồng, Hanel cho biết do sự thay đổi trong đơn giá thuê đất nên ngày 31/3, doanh nghiệp đã nhận được thông báo điều chỉnh số tiền thuê phải nộp từ Chi cục thuế quận Long Biên và đã tiến hành nộp đầy đủ theo thông báo.

Ý kiến cuối cùng đơn vị kiểm toán đưa ra đối với báo cáo tài chính của Hanel là việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh thương mại Hanel (công ty con) chưa thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng phải thu khó đòi với số tiền cần trích lập hơn 9 tỷ đồng.

Hanel cho biết, do công ty con này đang gặp vấn đề trong việc đối chiếu công nợ vì khách hàng chỉ xác nhận nhưng không cam kết thời gian trả nợ gây khó khăn trong việc thu hồi, đặc biệt là đối với một số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nên công ty thành viên này vẫn chưa thể trích lập hợp lý khoản phải thu khó đòi trên.

Cùng chuyên mục
Tin khác