Lo sợ trừng phạt: Ấn Độ 'quay xe' từ bỏ dầu Nga qua mua hàng Mỹ

Mộc An - 19/03/2024 15:49 (GMT+7)

(VNF) - Dòng chảy dầu thô của Nga sang Ấn Độ tăng mạnh khi chiến sự tại Ukraine nổ ra và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn là nhà cung cấp lớn nhất cho quốc gia Nam Á này, nhưng các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn của Mỹ đã khiến dòng chảy này bị tắc nghẽn.

Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang trên đà tiêu thụ nhiều dầu thô của Mỹ nhất trong gần một năm sau khi việc thực thi chặt chẽ hơn các lệnh trừng phạt của Mỹ đã cản trở hoạt động thương mại với Nga và buộc các nhà chế biến phải tìm kiếm nguồn cung ở nơi khác. 

Ấn Độ tích cực nhập khẩu dầu từ Mỹ.

Các thương nhân cho biết Tập đoàn Dầu khí Bharat thuộc sở hữu nhà nước và Tập đoàn Dầu Ấn Độ, cùng với nhà máy lọc dầu tư nhân hàng đầu Reliance Industries Ltd., đã mua khoảng 7 triệu thùng dầu thô Mỹ giao vào tháng 4. Theo Kpler, đó sẽ là khối lượng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 5 năm ngoái.

Theo các thương nhân, hầu hết dầu thô Mỹ mua trong tháng này là dầu thô West Texas Middle Midland (WTI Midland) và chi phí vận chuyển đắt hơn so với các thùng dầu từ Trung Đông. Dầu Sokol của Nga, có thể so sánh với WTI Midland, bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sự gián đoạn.

Các quan chức nhà máy lọc dầu Ấn Độ giấu tên cho biết WTI Midland có thể sản xuất nhiều xăng và dầu diesel hơn. Đây đều là những loại nhiên liệu dự kiến ​​sẽ có mức tiêu thụ cao hơn trong những tháng tới do sự di chuyển của người dân tham gia bầu cử địa phương, sản xuất điện tăng và vào đợt thu hoạch mùa màng.

Ông Dylan Sim, nhà phân tích tại công ty tư vấn công nghiệp FGE cho biết: “Với những vấn đề phải đối mặt khi nhập khẩu dầu Sokol, không có gì ngạc nhiên khi các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang chuyển sang sử dụng WTI Midland của Mỹ như một giải pháp thay thế thích hợp”.

Theo ông Sim, dầu thô của Mỹ chiếm 10% lượng nhập khẩu của Ấn Độ vào năm 2021 nhưng đã giảm xuống mức thấp nhất là 4% trong hai năm qua khi Nga mở rộng thị phần.

Các loại dầu thô khác của Nga bao gồm Urals từ các cảng phía tây của quốc gia này cũng bị ảnh hưởng bởi việc thực thi lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn. Hai tàu chở dầu chở loại này đã không hoạt động ngoài khơi bờ biển Ấn Độ trong nhiều tuần nay.

Theo dữ liệu Kpler do Bloomberg tổng hợp, nhập khẩu dầu thô từ Nga của Ấn Độ vào tháng trước ở mức khoảng 40 triệu thùng - hay gần 30% tổng lượng dầu và khí ngưng tụ mua vào của cả nước. Trong suốt năm 2023, thị phần của Nga trên thị trường Ấn Độ chiếm trung bình 39%.

Theo Statista, Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, chiếm hơn 12% sản lượng dầu thô toàn cầu và ngành năng lượng được coi là huyết mạch quan trọng đối với nền kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga vào tháng 3/2022, vài tuần sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, ông nói rằng động thái này sẽ nhắm vào “huyết mạch chính” của nền kinh tế Nga.

G7, EU và Australia cũng áp đặt mức giá trần cấm các công ty bảo hiểm tài trợ và vận chuyển dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga có giá trên 60 USD/thùng.

Giá dầu lên cao nhất 4 tháng

Giá dầu thô tăng vọt lên 86 USD/thùng trong phiên 18/3, đạt mức cao nhất trong 4 tháng. Các chuyên gia trong ngành cho rằng sự gia tăng đột biến là do dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga.

Giá dầu thô tăng vọt lên 86 USD/thùng trong phiên 18/3, đạt mức cao nhất trong 4 tháng.

Giá dầu Brent chuẩn toàn cầu tương lai đã tăng 4% kể từ tuần trước, giao dịch ở mức 86 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng trên 81 USD/thùng.

Các nhà phân tích thị trường cho biết giá dầu đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 sau khi dữ liệu kinh tế vĩ mô của Trung Quốc vượt quá mong đợi, làm tăng thêm sự lạc quan về nền kinh tế Bắc Kinh.

Các nhà phân tích cũng cho rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga đã làm tăng thêm rủi ro địa chính trị, đẩy giá dầu thô tăng cao. 

Giá dầu thô tăng cũng được củng cố bởi việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ và kỳ vọng của các nhà kinh tế về thâm hụt toàn cầu trong năm nay.

OPEC+ vào tháng 10/2022 đã đồng ý cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày (tương đương 2% nguồn cung toàn cầu) cho đến cuối năm 2023. Nhóm này sau đó đã đồng ý gia hạn hạn chế đến cuối năm 2024, trong nỗ lực cân bằng thị trường. 

Xem thêm >> Thắng cử vang dội, ông Putin cảnh báo phương Tây về 'một nước Nga táo bạo hơn'

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác