Tài chính quốc tế

Loạt ông lớn ngành ô tô Trung Quốc nỗ lực ‘trấn an’ châu Âu

(VNF) - Trước những động thái cứng rắn của Liên minh châu Âu (EU) liên quan tới xe điện, các tập đoàn sản xuất ô tô Trung Quốc đã có loạt động thái nhằm xoa dịu tình hình.

Loạt ông lớn ngành ô tô Trung Quốc nỗ lực ‘trấn an’ châu Âu

Loạt tập đoàn ô tô lớn của Trung Quốc thời gian gần đây đã công bố kế hoạch mở nhà máy ở các nước EU.

Cản bước ô tô giá rẻ Trung Quốc

Năm 2022, Trung Quốc sản xuất 7 triệu phương tiện sử dụng năng lượng mới, bao gồm cả xe điện, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Theo một số báo cáo, khoảng 15% trong số này được xuất khẩu sang nước ngoài, trong đó khoảng khoảng 550.000 phương tiện đã được gửi đến châu Âu.

Trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 7 năm nay, khoảng 450.000 xe điện Trung Quốc đã được xuất khẩu sang châu Âu. Theo ước tính, thị phần của xe điện Trung Quốc tại thị trường châu Âu đạt 8% trong giai đoạn này, tăng từ mức dưới 1% của cả năm 2019.

Khi nền kinh tế châu Âu có dấu hiệu chậm lại, Ủy ban châu Âu (EC) đang tập trung vào phát triển công nghiệp và bảo vệ việc làm, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô, ngành sử dụng lao động lớn ở Đức và Pháp.

Doanh số bán hàng sụt giảm của các nhà sản xuất ô tô châu Âu ở cả châu Âu và Trung Quốc, cùng với những lo ngại về an ninh kinh tế do phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác thương mại duy nhất, đã khiến xe điện Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của Brussels.

Chính các lo ngại này đã dẫn tới quyết định mở một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với ô tô điện giá rẻ đến từ Trung Quốc.

Theo quan chức châu Âu, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã được hưởng lợi từ sự chuyển đổi toàn cầu sang xe điện, một xu hướng được ủng hộ mạnh mẽ ở EU, nơi đang tìm cách loại bỏ dần doanh số bán ô tô phát thải carbon dioxide vào năm 2035.

EU ngày càng lo ngại rằng sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc có nguy cơ làm biến dạng thị trường, gây bất lợi cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu, khiến việc làm trong một ngành quan trọng về kinh tế gặp rủi ro.

“Việc thiếu sự có đi có lại và sân chơi bình đẳng từ Trung Quốc, cùng với những thay đổi địa chính trị rộng lớn hơn, đã buộc EU phải trở nên quyết đoán hơn”, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis phát biểu tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 25/9.

Ngay sau khi EU công bố cuộc điều tra chống trợ cấp đối với ô tô điện, Bắc Kinh đã lên tiếng phủ nhận rằng giá xe điện của các nhà sản xuất ô tô của họ có liên quan đến trợ cấp.

Ông Cui Dongshu, tổng thư ký Hiệp hội xe khách Trung Quốc cho biết: “Chính phủ Trung Quốc đã chấm dứt trợ cấp cho các phương tiện sử dụng năng lượng mới vào cuối năm 2022”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 25/9 cũng lên tiếng chỉ trích cuộc điều tra, nói rằng nó sẽ "phá vỡ sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp ô tô toàn cầu".

Nỗ lực “trấn an” châu Âu

Loạt tập đoàn ô tô lớn của Trung Quốc thời gian gần đây đã công bố kế hoạch mở nhà máy ở các nước EU. Theo các chuyên gia, các tập đoàn này đang nỗ lực trấn an các nhà chức trách đang ngày càng lo lắng về làn sóng xe điện giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường.

Một giám đốc điều hành của SAIC Motor, tập đoàn ô tô lớn nhất Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, cho biết trong tháng này rằng công ty đã bắt đầu quá trình lựa chọn địa điểm cho nhà máy lắp ráp ở châu Âu.

Tại triển lãm ô tô Munich diễn ra tại Đức hồi đầu tháng 9, một lãnh đạo của BYD, nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới, cho biết công ty đang chọn địa điểm để xây một nhà máy tại châu Âu vào cuối năm nay.

Trước đó, chia sẻ với một hãng tin Đức, một trong những tập đoàn ô tô hàng đầu của Trung quốc là Great Wall Motor cho biết công ty này đang cân nhắc xây một nhà máy mới tại Đức, Hungary hoặc Cộng hòa Séc. Trong khi đó, một hãng xe khác là Chery Automobile được cho là đang đàm phán với các quan chức Anh về việc đặt một nhà máy ở đó.

Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Xin Guobin, cơ quan giám sát ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ các công ty Trung Quốc xây dựng các nhà máy tại châu Âu”.

Không chỉ các “ông lớn” trong ngành sản xuất ô tô, xu hướng tương tự đang diễn ra đối với các nhà sản xuất pin và thiết bị xe điện.

Công ty Công nghệ Contemporary Amperex Trung Quốc (gọi tắt là CATL), dẫn đầu thế giới về sản xuất pin năng lượng điện, đã khởi công một nhà máy ở Đức vào tháng 12 năm ngoái và đang xây dựng một nhà máy khác ở Hungary.

Các công ty “đồng hương” khác như Gotion High-tech và SVOLT Energy Technology được cho là đang lên kế hoạch mở cơ sở sản xuất ở Đức,

Theo các chuyên gia, những động thái như vậy có thuyết phục được EU mềm mỏng hơn hay không vẫn chưa rõ ràng. Đặc biệt, Pháp có thể thúc đẩy các biện pháp cứng rắn hơn nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của mình.

Ngoài ra, nguy cơ Bắc Kinh trả đũa Brussels bằng những hạn chế chặt chẽ hơn đối với ô tô châu Âu cũng là điều có thể xảy ra. Điều đó sẽ buộc Đức, quốc gia có nền kinh tế tương đối phụ thuộc vào Trung Quốc, vào tình thế khó khăn, có khả năng gây chia rẽ trong khối.

Xem thêm >> Hungary lại có loạt động thái ‘bất đồng’ với EU liên quan tới Nga

Tin mới lên