Tài chính quốc tế

Thương mại Nga - Trung bùng nổ, sắp lập kỷ lục mới

(VNF) - Theo dữ liệu của Cơ quan Hải quan Nga, kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc trong 8 tháng vừa qua vượt 155 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt mục tiêu 200 tỷ USD cho tới cuối năm nay.

Thương mại Nga - Trung bùng nổ, sắp lập kỷ lục mới

Nga đã giao 5,45 triệu tấn LNG trị giá hơn 3,53 tỷ USD cho Trung Quốc trong 8 tháng.

Xuất khẩu LNG tăng đột biến

Dữ liệu hải quan Trung Quốc vừa công bố cho thấy lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà Nga xuất khẩu sang Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 8 năm nay đã chứng kiến ​​mức tăng trưởng chưa từng có, lên tới 60% so với trung bình hàng năm.

Cụ thể, Nga đã giao 5,45 triệu tấn LNG trị giá hơn 3,53 tỷ USD cho Trung Quốc trong giai đoạn này, trở thành nhà cung cấp lớn thứ ba sau Qatar và Australia.   

Riêng trong tháng 8, lượng LNG Nga xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 72,4% so với tháng 7 và tăng 80,8% về trị giá, đạt 558,37 triệu USD. 

Australia vẫn là nhà cung cấp LNG hàng đầu khi xuất khẩu 15,65 triệu tấn LNG trị giá 9,44 tỷ USD sang Trung Quốc. Qatar đứng thứ hai, vận chuyển 10,76 triệu tấn LNG trị giá 6,81 tỷ USD. 

Nga đang tăng cường cung cấp LNG cho nước láng giềng phía Đông như một phần trong kế hoạch định tuyến lại hoạt động buôn bán năng lượng của mình sang các thị trường châu Á sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.  

Tuần trước, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã vận chuyển lô hàng LNG đầu tiên sang Trung Quốc thông qua Tuyến đường biển phía Bắc (NSR), đi qua Bắc Băng Dương và là tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa Đông Á và châu Âu.

Kim ngạch thương mại lập kỷ lục mới

Theo cập nhật mới nhất của Cục Hải quan Nga, thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã duy trì đà tăng trưởng nhanh chóng kể từ khi đạt mức kỷ lục vào năm 2022, với xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ kể từ đầu năm tới nay.

Theo đó, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8, thương mại song phương giữa hai nước đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 155 tỷ USD.

Cơ quan Hải quan Nga cho biết Moscow và Bắc Kinh sẽ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hải quan để thúc đẩy thương mại hơn nữa, đặc biệt ở vùng cửa khẩu Zabaikalsk – Manzhouli và Pogranichny - Suifenhe.

Nga hiện đang cung cấp cho Trung Quốc hầu hết các sản phẩm năng lượng như dầu, khí đốt, cũng như các sản phẩm tinh chế, nông sản thực phẩm và sản phẩm công nghiệp.

Về phía Trung Quốc, nước này xuất khẩu hầu hết các loại hàng hóa, bao gồm thực phẩm, điện thoại di động, điện tử, sản phẩm kỹ thuật, đồ nội thất, đồ chơi, dệt may, quần áo và giày dép... sang Nga.

Trong năm 2022, thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại là 190,3 tỷ USD. Hai quốc gia hiện đã sẵn sàng vượt mục tiêu 200 tỷ USD trong năm nay và kiên định với niềm tin rằng việc đạt được kim ngạch thương mại 250 tỷ USD hàng năm là “hoàn toàn thực tế”.

Từ bỏ đồng USD

Việc tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đã được củng cố nhờ cam kết chung trong việc thực hiện một phần đáng kể các giao dịch bằng đồng nội tệ thay vì đồng USD.

Moscow và Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD và đồng euro trong thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga và tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mới đây, ông Aleksandr Dyukov, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất dầu mỏ Gazprom Neft - một công ty con của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom, tiết lộ rằng Gazprom Neft gần như đã từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng đồng USD và đồng euro trong giao dịch dầu thô với các đối tác nước ngoài.

Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Công nghiệp TNF diễn ra tại vùng Tyumen ở Siberia, ông Dyukov cho hay hầu hết các giao dịch xuất khẩu của công ty đều được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp.

Nga đã tăng đáng kể việc sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại vào năm ngoái, loại bỏ đồng euro và USD trong giao dịch với các đối tác nước ngoài vì những loại tiền tệ này được coi là “không đáng tin cậy” do các lệnh trừng phạt.

Xem thêm >> Lo bị Trung Quốc lạm dụng, EU dựng thêm rào cản 'tự bảo vệ mình’

Tin mới lên