Ngân hàng

Lợi nhuận ngân hàng 2022: Kỳ vọng tiếp tục tăng phi mã

(VNF) - Theo kế hoạch kinh doanh sơ bộ, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của các ngân hàng dự kiến tăng trưởng trên 30% so với năm 2021, tương đương với tốc độ tăng trưởng của năm 2021 so với năm 2020.

Lợi nhuận ngân hàng 2022: Kỳ vọng tiếp tục tăng phi mã

Lợi nhuận ngân hàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục “thăng hoa”

Sự trỗi dậy của ngân hàng vừa và nhỏ

Năm 2021, bất chấp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại niêm yết vẫn tăng khoảng 33% so với năm 2020. Giá cổ phiếu ngân hàng cũng tăng mạnh, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2021, tương ứng với sự gia tăng của lợi nhuận.

Bước sang năm 2022, theo dự báo của hãng nghiên cứu FiinGroup, ngành ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20% - 25% so với năm 2021. Dự báo này dựa trên 4 giả định:

Thứ nhất, tín dụng toàn ngành dự kiến tăng 14% nhờ kinh tế hồi phục cùng gói kích thích của chính phủ. Thứ hai, tỷ lệ sinh lời NIM tiếp tục duy trì kể cả khi lãi suất huy động tăng do các ngân hàng sẽ cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Thứ ba, thu nhập phí tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi kinh tế phục hồi. Thứ tư, một số ngân hàng đã trích lập sớm trước thời hạn của Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ không phải trích lập và/hoặc có cơ hội hoàn nhập dự phòng vì một phần nợ xấu do ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ giảm áp lực trước sự hồi phục của nhiều nhóm ngành.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2022 được Ngân hàng Nhà nước công bố gần đây, 73,1% - 80,8% tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng sẽ cải thiện hơn trong quý II so với quý I, đồng thời tình hình kinh doanh cả năm 2022 cải thiện hơn so với năm 2021.

Đi sâu hơn, các TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng tiếp tục “tăng” trong quý II/2022 và cả năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Cụ thể, các TCTD dự báo huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng sẽ tăng bình quân 3,6% trong quý II/2022 và tăng 11,4% trong năm 2022; dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,8% trong quý II/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022.

Đáng chú ý, 89,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021. Chỉ có 5,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 4,9% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Thống kê đối với 21 ngân hàng thương mại cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự kiến tăng tới 32% so với năm 2021, tương đương với tốc độ tăng trưởng của năm 2021.

Gây ấn tượng nhất trong số 21 ngân hàng trên là Eximbank và VPBank khi cả 2 ngân hàng này đều dự kiến tăng trưởng gấp đôi lợi nhuận. Trước đó, trong năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Eximbank suy giảm 10%, trong khi lợi nhuận VPBank tăng trưởng 12%, đều thấp hơn trung bình ngành.

Một số ngân hàng dự kiến tăng trưởng trên 50% có thể kể đến SHB (88%), VietBank (71%) và ABBank (57%). Trong số này, SHB gây ấn tượng hơn cả vì năm 2021, nền lợi nhuận đã rất cao do tăng trưởng tới 90%. VietBank và ABBank cũng là 2 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tốt trong năm 2021, lần lượt ở mức 67% và 40% và tiếp tục dự kiến duy trì đà tích cực này trong năm 2022.

Các ngân hàng dự kiến ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 30% đến 50% bao gồm: SeABank (49%), VietCapitalBank (45%), VietABank (37%), TPBank (36%), MSB (34%) và VIB (31%). Năm 2021, VietABank và MSB từng ghi nhận lợi nhuận tăng gấp đôi, trong khi SeABank cũng tăng đến 89%, VietCapitalBank và TPBank thì tăng lần lượt 55% và 38%, đều cao hơn trung bình ngành.

Nhìn vào các ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng từ 30% trở lên, có thể thấy phần lớn là các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ, VPBank là “ông lớn” duy nhất xuất hiện trong danh sách trên. Ở năm trước đó, đa số các ngân hàng vừa và nhỏ trên cũng đạt được tăng trưởng lợi nhuận rất cao. Điều này phần nào cho thấy sự trỗi dậy của các ngân hàng vừa và nhỏ trong cuộc đua lợi nhuận trong 2 năm gần đây.

Ngân hàng lớn thận trọng khi đặt kế hoạch

Năm 2022, các ngân hàng lớn nhìn chung đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khá thận trọng so với tiềm năng. Chẳng hạn như Vietcombank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%, VietinBank tăng khoảng 15%, Techcombank tăng 16%, MB tăng 23% còn ACB tăng 25%.

Tuy nhiên, theo dự báo của Công ty Chứng khoán SSI, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của các “ông lớn” trên đều cao hơn kế hoạch.

Với Vietcombank, SSI đánh giá đây vẫn là ngân hàng có chất lượng tài sản hàng đầu và khả năng sinh lời khá trong hệ thống. Lợi nhuận đi ngang trong năm 2020 và tăng 12,4% trong năm 2021 là khá thấp do tác động từ các gói hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 và việc tích cực trích lập dự phòng trước. Sang năm 2022, SSI ước tính Vietcombank sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 19% so với năm ngoái. Ngoài ra, kế hoạch phát hành riêng lẻ nếu thành công cũng sẽ củng cố các yếu tố cơ bản của ngân hàng này.

Đối với VietinBank, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 21.500 đồng, tăng 22% so với năm ngoái nhờ tăng trưởng tín dụng khá ở mức 10% - 12%, thu nhập ngoài lãi cải thiện và áp lực trích lập dự phòng giảm. Ước tính này chưa bao gồm khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance với Manulife và lợi nhuận từ việc thoái vốn công ty con.

Lợi nhuận trước thuế của Techcombank cũng được SSI dự báo sẽ tăng mạnh hơn kế hoạch, ước đạt 27.900 tỷ đồng, tăng trưởng 20%. Dù vậy, mức tăng trưởng này cũng đã chậm lại so với năm 2021, do thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể kém sôi động hơn và NIM giảm, theo SSI.

Với MB, mức tăng trưởng lợi nhuận thực tế còn ấn tượng hơn, có thể lên đến 35% trong năm 2022 dù kế hoạch chỉ tăng 23%. Mức tăng trưởng trên được SSI cho biết là nhờ giả định tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ 25,6% và áp lực trích lập dự phòng giảm 22%. Tỷ suất sinh lời ROE theo đó sẽ ở mức 26,3%, cao thứ hai trong ngành.

Tích cực hơn nữa là ACB, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này trong năm 2022 được dự đoán tăng tới 41% lên 16.900 tỷ đồng một phần nhờ khoản hoàn nhập lãi dự thu ngoại bảng là 600 tỷ đồng và chi phí dự phòng giảm.

“Các khoản dư nợ chịu ảnh hưởng của Covid-19 giảm 12% so với quý trước và dư nợ tái cơ cấu trực tiếp tương đối thấp (1,1 nghìn tỷ đồng tương đương 0,3% tổng dư nợ) giúp chúng tôi tự tin hơn khi tính đến các yếu tố hỗ trợ tăng đối với ước tính lợi nhuận của ACB. Trong dài hạn, chúng tôi kỳ vọng những nỗ lực của ACB trong việc đẩy mạnh số hóa, khai thác thêm các phân khúc khách hàng chiến lược mới và mở rộng tại các thành phố ở miền Bắc cũng dần gặt hái thành quả”, chuyên gia của SSI cho biết thêm.

Bên cạnh các ngân hàng trên, một “ông lớn” khác cũng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2022 là BIDV. SSI ước tính lợi nhuận trước thuế năm nay của ngân hàng này sẽ đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 42,4% so với năm ngoái chủ yếu nhờ tăng trưởng tín dụng và tiền gửi đạt lần lượt 10% và 10,4%, NIM giảm 12% so với cùng kỳ và chi phí tín dụng giảm 1,76%.

Tin mới lên