Lợi nhuận ngân hàng đi xuống: Những yếu tố bất lợi bào mòn khoản lãi nghìn tỷ

Minh Dũng - 18/10/2023 09:46 (GMT+7)

(VNF) - Lợi nhuận của nhiều ngân hàng được dự báo kém khả quan trong quý III và cả năm 2023. Giới phân tích nhận định có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận chung ngành ngân hàng năm nay khiến các ngân hàng khó có thể "lãi dày" như trước.

VNF

Lợi nhuận nhiều ngân hàng dự báo kém khả quan

Đến giữa tháng 10, một số ngân hàng đã bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với kết quả trái ngược nhau.

BacABank là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận trước thuế giảm mạnh so với cùng kỳ do nguồn thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi kém khả quan. Theo báo cáo, thu nhập lãi thuần của BacABank trong quý III chỉ đạt hơn 426 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Do hoạt động cốt lõi giảm, lợi nhuận trước thuế quý III của ngân hàng này chỉ ở mức 77 tỷ đồng, giảm hơn 72% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, BacABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 551 tỷ đồng, giảm gần 23% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý III. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ trong quý III đạt 3.076 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế VPBank riêng lẻ đạt 10.973 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ.

SSI Research vừa đưa ra đánh giá sơ bộ, ước tính kết quả kinh doanh quý III/2023 của một số ngân hàng niêm yết, với sự phân hóa sâu sắc. Có ngân hàng lợi nhuận tăng đến 63%, song cũng có ngân hàng lợi nhuận giảm tới 32%.

Theo đó, báo cáo đánh giá cao về triển vọng kết quả kinh doanh của một số ngân hàng như: ACB, VietinBank, HDBank, MBBank, Sacombank.

SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế quý III của Sacombank sẽ đạt trong khoảng từ 2.400- 2.500 tỷ đồng, tăng mạnh 57-63% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%. 

Tại VietinBank, ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý III của ngân hàng này sẽ đạt 20-22% so với cùng kỳ nhờ chi phí dự phòng giảm từ mức cao của cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận trước thuế quý III của “ông lớn” Vietcombank ước đạt khoảng 9.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ nhưng giảm 4% so với quý trước. Động lực tăng trưởng chính của Vietcombank  đến từ mảng khách hàng doanh nghiệp.

Ngân hàng Quân đội (MB) cũng được đánh giá cao khi ước tính lợi nhuận trước thuế quý III có thể đạt khoảng 7.300-7.500 tỷ đồng, tăng khoảng 16-19% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Với HDBank, ước tính lợi nhuận trước thuế quý III của ngân hàng này đạt 2.900-3.100 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng lợi nhuận từ 7-14% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ngân hàng ACB được dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý III tăng 7-12% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương khoảng 4.800-5.000 tỷ đồng. Ước tính ACB sẽ đạt 20 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, tăng 17% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận âm. Đáng chú ý, không chỉ ngân hàng nhỏ giảm lợi nhuận mà cả các ngân hàng lớn cũng nằm trong tình trạng này.

Đơn cử, lợi nhuận trước thuế quý III của BIDV giảm khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm ngoái do gánh nặng trích lập dự phòng. 

Ngân hàng MSB được dự báo lợi nhuận trước thuế quý III chỉ đạt 1.300-1.400 tỷ đồng, tương đương mức giảm từ 6-13% so với cùng kỳ. 

Dự báo lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt khoảng 5.700-5.900 tỷ đồng trong quý III, giảm 12-15% so với cùng kỳ năm ngoái.

TPBank được dự kiến lợi nhuận trước thuế quý III đạt khoảng 1.450-1.600 tỷ đồng, giảm 25-32% so với nền lợi nhuận cao của cùng kỳ năm trước.

Trước đó, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của nhiều ngân hàng cho thấy, phần lớn các ngân hàng nhỏ đều đạt lợi nhuận khá thấp, có ngân hàng giảm lợi nhuận hơn 60%, thậm chí gần 90% so với cùng kỳ.



Ngân hàng khó "lãi dày"?

Theo nhận định của giới phân tích, lợi nhuận của các ngân hàng được dự báo sẽ tăng ở mức thấp hơn trong năm 2023 và sẽ chỉ tăng nhẹ trong 1-2 năm tới. Tín dụng tăng trưởng thấp và trích lập dự phòng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn có thể tác động đến lợi nhuận ngành ngân hàng.

Chứng khoán MB (MBS) nhận định có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận chung ngành ngân hàng năm nay. Yếu tố đầu tiên là lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay có thể sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng giảm lãi suất, kéo theo mức giảm thu nhập lãi thuần. Thứ hai là tín dụng tăng trưởng thấp và tăng trích lập dự phòng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nợ xấu có thể tăng cao.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI cho hay, sở dĩ lợi nhuận của nhiều ngân hàng giảm mạnh là do khó khăn chung của nền kinh tế, dẫn đến hấp thụ dòng vốn thấp, biên lãi ròng thu hẹp và nợ xấu tăng, buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Theo kết quả kinh doanh của các ngân hàng, mặc dù đã nỗ lực kiểm soát nợ xấu với tỷ lệ dưới 3% nhằm đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng giá trị các khoản nợ xấu vẫn rất cao. Điều này cũng đã khiến cho lợi nhuận của nhiều ngân hàng, trong đó phần lớn là các ngân hàng nhỏ bị thu hẹp rất nhiều.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục chịu áp lực thời gian tới. Lãnh đạo một số nhà băng cho rằng, nhiều khả năng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quý III năm nay và có xu hướng giảm dần từ đầu năm sau.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhận định, lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2023 sẽ chịu ảnh hưởng lớn và đầu tiên do xu hướng giảm lãi suất đã kéo theo giảm biên lợi nhuận của ngành.

Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ bên vay, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 3 quý năm nay vẫn ở mức khá thấp.

Trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cho vay kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm tiếp trong khi lãi suất huy động khó có thế giảm sâu được hơn, vì e ngại người dân sẽ dịch chuyển sang đầu tư kênh khác nếu lãi suất tiền gửi giảm sâu. Điều này khiến biên lợi nhuận cho vay tại các ngân hàng sẽ tiếp tục thu hẹp.

Xu hướng giảm lãi suất cho vay trong khi nguồn vốn huy động vẫn còn nhiều khoản có lãi suất cao dẫn đến thu nhập lãi biên của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm. Đồng thời, một số vụ việc tranh chấp liên quan đến sản phẩm bảo hiểm liên kết giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng hoặc các đại lý khác, chủ yếu xảy ra đối với sản phẩm liên kết đầu tư có thể gây ảnh hưởng đến kết quả dịch vụ của các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm 2023.

Cùng chuyên mục
Tin khác