Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam gần đây chứng kiến nhiều thương vụ đầu tư trị giá hàng tỷ USD. Thương vụ lớn nhất là ThaiBev chi gần 5 tỷ USD để kiểm soát Sabeco, VinGroup nhận 1,3 tỷ USD từ GIC (Singapore) đầu tư vào VinHomes, SK Group của Hàn Quốc rót 1,5 tỷ USD vào Masan Group và Vincommerce hay KEB Hanna Bank đầu tư vào BIDV...
Ở trong nước, Tập đoàn Ô tô Trường Hải đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các mảng kinh doanh của HAGL trong thời gian ngắn. Mới đây, Masan Group và VinGroup bắt tay xây dựng một tập đoàn hàng tiêu dùng bán lẻ với việc sáp nhập hai công ty tỷ USD là MCH và VCM.
Những thương vụ M&A diễn ra mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước, giúp mở rộng quy mô hoạt động, tăng cường nguồn lực tài chính đồng thời nâng cao năng lực quản trị điều hành.
Tuy nhiên, hoạt động M&A không chỉ bao gồm các thương vụ góp vốn, thâu tóm hay sáp nhập giữa các doanh nghiệp với nhau. Ở chiều ngược lại, việc chia tách doanh nghiệp từ lâu cũng rất phổ biến tại Việt Nam và trở thành một thủ thuật tài chính quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
Trong một công thức điển hình, nhiều dự án bất động sản quy mô lớn hàng trăm triệu USD ban đầu được phê duyệt với chủ đầu tư là tập đoàn lớn hoặc một liên doanh với cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính, nhưng sau một vài lần chia tách và sáp nhập, dự án lớn trở thành nhiều dự án thành phần quy mô nhỏ hơn và do nhiều công ty khác nhau nắm giữ.
Siêu dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son (dự án Ba Son), nằm trên khu đất vàng của TP.HCM, thuộc nhà máy đóng tàu Ba Son cũ là một ví dụ cho công thức trên.
Ban đầu dự án được TP.HCM giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Thương Mại TP.HCM (Vincentra HCM) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên theo một quyết định điều chỉnh dự án vào tháng 5/2017, nhiều khu đất hỗn hợp (xây dựng chung cư, thương mại dịch vụ và văn phòng dịch vụ) đã được giao cho 6 công ty khác do chủ đầu tư Vincentra HCM thực hiện việc chia tách doanh nghiệp.
Cụ thể, 6 công ty này đã được giao hơn 32.000 m2 đất hỗ hợp thuộc các khu đất ký hiệu HH1, HH2, HH3, HH4 và HH5-1, chiếm đến 63% tổng diện tích đất hỗn hợp theo quy hoạch của dự án này.
Sau khi được giao đất, các công ty trên đều đã có những động thái thay đổi chủ sở hữu (thông qua việc sáp nhập doanh nghiệp, mua bán cổ phần) làm xuất hiện những ông chủ mới tại dự án Ba Son, dù đến này phần lớn các khu đất này vẫn để trống và chưa có dấu hiệu xây dựng theo quy hoạch.
Cụ thể, Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị Phương Nam, được giao gần 9.000 m2 (khu đất HH1) đã sáp nhập vào Công ty DPV Hà Nội. Sau đó, Thành Hưng Land, một công ty mới được thành lập trở thành chủ sở hữu của Công ty DPV Hà Nội.
Công ty Phát triển và Đầu tư kinh doanh Bình Minh đã sáp nhập vào Công ty Trường Việt Invest sau khi được giao 7.141 m2 (khu đất HH4_3). Còn hai khu HH4_1 và HH4_2 có tổng diện tích 6.167 m2 được giao cho công ty Công ty Đầu tư Phát triển và KDTM Phúc Thành. Doanh nghiệp này sau đó được sở hữu bởi Công ty Đại Phát Invest Hà Nội.
Khu đất HH3 có diện tích 2.899 m2 được giao cho Công ty Phát triển thương mại và Đô thị Nam Thanh. Sau đó doanh nghiệp này đã sáp nhập vào Công ty VIKHA REAL, thuộc sở hữu của Công ty Đầu tư Vĩnh Khải.
Tại Đồng Nai, hai dự án bất động sản lớn là Waterfront City và Aqua City cũng được chia tách ra thành các dự án nhỏ sau gần 10 năm các liên doanh chủ đầu tư dự án được thành lập.
Với dự án Waterfront City, một liên doanh với số vốn đăng ký 750 triệu USD được thành lập với tỷ lệ nắm giữ là Donacoop (30%), Công ty An Phú Long (20%) và Keppel Land (Singapore) sở hữu 50% để phát triển dự án rộng 366 ha.
Sau nhiều năm dự án không được triển khai, năm 2017 liên doanh này đã thực hiện chia tách doanh nghiệp sau khi giảm vốn điều lệ xuống còn một nửa. Keppel Land sau đó sở hữu 100% cổ phần của công ty này nhưng quy mô dự án cũng giảm một nửa so với ban đầu.
Đến đầu năm 2019, Công ty Đầu tư Nam Long công bố chi ra 2.300 tỷ đồng để sở hữu 70% vốn tại Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai để phát triển dự án Dong Nai Waterfront City rộng 170 ha.
Phần diện tích còn lại thuộc về các bên Donacoop và An Phú Long trong liên doanh hiện nay được đổi tên thành dự án Waterfront Dona (rộng 160 ha). Một phần lớn của dự án này gần đây được công ty Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley sử dụng làm tài sản bảo đảm cho việc huy động vốn bằng trái phiếu.
Tương tự, dự án Aqua City rộng 305 ha, tổng vốn đầu tư 519 triệu USD do liên doanh DonaCoop, An Phú Long và VinaCapital làm chủ đầu tư với công thức sở hữu như dự án Warterfront City.
Đến tháng 3/2017, liên doanh Công ty thành phố Aqua đã thực hiện thủ tục tách doanh nghiệp thành Công ty TNHH Thành phố Aqua Dona và Công ty Cổ phần thành phố Aqua. Sau chia tách, nhóm VinaCapital thông qua Công ty Cổ phần thành phố Aqua thực hiện dự án AquaCity rộng 110,5ha.
Giữa năm 2018, VinaCapital đã tiến hành thoái vốn khỏi dự án Aqua City, thu về khoản tiền 45,2 triệu USD. Dự án này hiện do Tập đoàn Novaland phát triển.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.