'Mảnh ghép' cuối cùng của thị trường xếp hạng tín nhiệm: 'Đại gia' nào đứng sau?
(VNF) - Với sự gia nhập của Thien Minh Rating, thị trường xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đã đạt tới số lượng cần thiết theo quy hoạch.
Thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, tính đến tháng 12/2024, đơn vị này đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đối với 5 doanh nghiệp.
Các đơn vị được cấp phép bao gồm Công ty CP Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (Saigon Ratings), Công ty CP FiinRatings (FiinRatings), Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm S&I (S&I Ratings) và Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm Thiên Minh (Thien Minh Rating).
Như vậy, so với tháng 8/2024, “làng” xếp hạng tín nhiệm có thêm một thành viên mới, đó là Thien Minh Rating.
Với sự gia nhập của Thien Minh Rating, thị trường xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đã đạt tới số lượng cần thiết về mặt số lượng theo quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Cột mốc quan trọng này được ghi nhận trước khi năm 2024 khép lại, là dấu ấn đáng nhớ trong hành trình 10 năm hình thành và phát triển của thị trường xếp hạng tín nhiệm Việt Nam.
“Đại gia” nào đứng sau Thien Minh Rating?
Thực tế, Thien Minh Rating không phải là cái tên hoàn toàn mới trên thị trường xếp hạng tín nhiệm Việt Nam. Thành lập ngày 14/8/2020, doanh nghiệp này thậm chí xuất hiện sớm hơn cả S&I Ratings và VIS Rating – hai đơn vị được cấp phép trước đó. Hiện tại, Thien Minh Rating đặt trụ sở chính tại tầng 12, tòa nhà Harec, số 4 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội và chưa trải qua lần tăng vốn nào.
Được biết, doanh nghiệp có số vốn điều lệ ban đầu là 21,5 tỷ đồng, góp bởi 2 nhà đầu tư tổ chức và 9 nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, 2 nhà đầu tư tổ chức là Công ty CP Chứng khoán Thiên Việt (15%) và Công ty CP Quản lý quỹ Thiên Việt (4,99%). Các nhà đầu tư cá nhân gồm có các ông bà Nguyễn Trung Hà (18,03%), Lê Thị Kim Tuyển (15%), Nguyễn Văn Ngọc (15%), Nguyễn Bảo Hương Duyên (7%), Ngô Minh Nhật (7%), Lê Tiến Công (6%), Đinh Thị Hoa (4,99%), Lê Như Dương (4,99%) và Hoàng Ngọc Thuận (2%).
Trong đó, ông Nguyễn Trung Hà (sinh năm 1962), cổ đông lớn nhất, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật. Ông Hà cũng là Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Chứng khoán Thiên Việt (HoSE: TVS).
Danh sách cổ đông sáng lập cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều lãnh đạo khác trong hệ sinh thái tài chính Thiên Việt, chẳng hạn như bà Đinh Thị Hoa (cựu Phó chủ tịch Chứng khoán Thiên Việt, cộng sự lâu năm của ông Hà) hay ông Ngô Minh Nhật (Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Chứng khoán Thiên Việt, Thành viên HĐQT Quản lý quỹ Thiên Việt).
Như vậy, tương tự S&I Ratings và VIS Rating, đằng sau Thien Minh Rating là bóng dáng của “đại gia” ngành tài chính.
Về Thiên Việt, khác với nhiều công ty chứng khoán “truyền thống” khác, thay vì chọn phân khúc dịch vụ môi giới và cho vay ký quỹ đầy cạnh tranh, công ty này định hướng phát triển theo mô hình “ngân hàng đầu tư chuyên biệt” (boutique merchant investment bank), tập trung vào các dịch vụ tài chính chuyên sâu, như quản lý tài sản, tư vấn M&A, phát hành riêng lẻ và IPO.
Đây là đơn vị đứng sau các thương vụ rót vốn và M&A đình đám trên thị trường vốn như: Diana – Unicharm (180 triệu USD), Momo - Warburg Pincus (100 triệu USD), CII - Metro Pacific (100 triệu USD),… Bản thân Thiên Việt cũng tỏ ra khá “mát tay” với các thương vụ đầu tư vào startup công nghệ như M Service, Momo, Finhay, MindX,…
Trong khi đó, các quỹ đầu tư do Quản lý quỹ Thiên Việt cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so. ới thị trường chung. Tháng 11 vừa qua, trong bối cảnh hầu hết các quỹ đầu tư ghi nhận hiệu suất âm, hai TVGF3 và TVGF4 của Quản lý quỹ Thiên Việt dẫn đầu nhóm tăng trưởng với mức tăng 2,3% và 2,1%.
Nói thêm về lãnh đạo cao nhất của Thien Minh Rating, ông Nguyễn Trung Hà vốn là một chiến lược gia kinh doanh “có số có má” trên thương trường. Trở về từ Đông Âu, năm 1988, ông Hà tham gia sáng lập Công ty CP Tập đoàn FPT – một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Sau 5 năm gắn bó với vị trí Giám đốc tài chính tại FPT, ông Nguyễn Trung Hà rời Tập đoàn để thử sức với lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Năm 1994, ông tham gia thành lập Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) và đảm nhiệm vị trí Giám đốc chi nhánh Hà Nội.
Năm 1998, ông tách ra bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng, khởi đầu ở lĩnh vực bất động sản với Công ty CP Đầu tư tài chính Bất động sản Togi. Năm 2007, ông Hà trở lại với lĩnh vực tài chính – ngân hàng khi sáng lập Chứng khoán Thiên Việt.
Đáng chú ý, vị doanh nhân sinh năm 1962 từng góp vốn và tham gia vào HĐQT của rất nhiều doanh nghiệp bất động sản, công nghệ, truyền thông khác nhau như Công ty CP Carbon Việt Nam, Công ty TNHH Bất động sản Hà Liên, Công ty CP Truyền thông và Giải trí Galaxy (Galaxy M&E), Công ty CP Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio), Công ty CP Mô phỏng Họa đồ, Công ty CP Quảng cáo trực tuyến 24h (chủ quản trang 24h.com.vn), Công ty CP Tìm Việc Nhanh (Timviecnhanh.com)…
Tuy nhiên, sau đó, ông Nguyễn Trung Hà đã rút dần khỏi các công ty này. Báo cáo quản trị thường niên của Chứng khoán Thiên Việt ghi nhận, tính đến ngày 30/6/2024, ngoài vai trò tại công ty chứng khoán này và Thien Minh Rating, ông Hà chỉ còn tham gia quản trị tại 2 doanh nghiệp, đó là Công ty CP Hồ Toản (Chủ tịch HĐQT) và Công ty CP Carbon Việt Nam (Thành viên HĐQT).
Với “bệ phóng” mạnh mẽ từ hệ sinh thái tài chính Thiên Việt cũng như sự dẫn dắt của doanh nhân Nguyễn Trung Hà, Thien Minh Rating được kỳ vọng sẽ cùng các thành viên còn lại trong thị trường xếp hạng tín nhiệm Việt Nam "làm nên chuyện".
Ngày 26/9/2014, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP, quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, đánh dấu sự khởi đầu của một lĩnh vực mới trong thị trường tài chính. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phải được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; các doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm thì không được phép sử dụng cụm từ “xếp hạng tín nhiệm” hoặc các cụm từ khác có nội hàm như “xếp hạng tín nhiệm” trong tên gọi.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 507/QĐ-TTg, ngày 17/4/2015, phê duyệt quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo quy hoạch, sẽ chỉ có tối đa 5 doanh nghiệp được xem xét cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhằm tăng cường tính tập trung, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo chất lượng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong bối cảnh thị trường đang trong quá trình phát triển.
Thị trường xếp hạng tín nhiệm: Hình thành thế 'tứ trụ'
- Hai “cú hích” để ngành xếp hạng tín nhiệm tăng tốc 20/10/2024 12:00
- Siết trái phiếu DN: Xếp hạng tín nhiệm gặp cảnh 'môi hở răng lạnh' 19/10/2024 09:00
- Xếp hạng tín nhiệm: Động lực để doanh nghiệp 'tự nâng cấp mình' 18/10/2024 11:30
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.