Thị trường xếp hạng tín nhiệm: Hình thành thế 'tứ trụ'

Thái Hà - 17/10/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Sau một thập kỷ hình thành và phát triển, thị trường xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đã có 4 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động, chỉ còn thiếu 1 đơn vị so với quy hoạch. Theo quan sát, mỗi doanh nghiệp lại có một cấu trúc cổ đông và mô hình hoạt động khác nhau. Điều này không chỉ tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng cho từng hãng, mà còn góp phần làm cho thị trường vừa đạt tính tập trung, vừa phong phú theo định hướng đã đề ra.

Ngày 26/9/2014, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP, quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, đánh dấu sự khởi đầu của một lĩnh vực mới trong thị trường tài chính. Không lâu sau, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 507/QĐ-TTg , ngày 17/4/2015, phê duyệt quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tiến thêm một bước trong việc định hình thị trường tín nhiệm tại Việt Nam.

Theo đó, tại Việt Nam, chỉ có tối đa 5 doanh nghiệp được xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Điều này nhằm tăng cường tính tập trung, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo chất lượng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong bối cảnh thị trường đang trong quá trình phát triển.

Sau một thập kỷ hình thành và phát triển, thị trường xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đã có 4 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động, chỉ còn thiếu 1 đơn vị so với quy hoạch

Đến nay, sau tròn 10 năm kể từ khi thị trường xếp hạng tín nhiệm chính thức được hình thành tại Việt Nam, đã có 4 doanh nghiệp được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động, đó là Công ty Cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (Saigon Ratings), Công ty Cổ phần FiinRatings (FiinRatings), Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), và Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm S&I (S&I Ratings).

Như vậy, so với quy định tối đa là 5 doanh nghiệp, thị trường xếp hạng tín nhiệm đang tiến gần đến sự hoàn thiện cần thiết. Theo quan sát, mỗi doanh nghiệp lại có một cấu trúc cổ đông và mô hình hoạt động khác nhau.

SaigonRatings và FiinRatings, với “thâm niên” hoạt động, đang nắm giữ lợi thế cạnh tranh rất lớn nhờ vào khối lượng dữ liệu phong phú cũng như mối quan hệ hợp tác với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới. Trong khi đó, hai “tân binh” VIS Rating và S&I lại nhanh chóng tạo dựng vị thế vững chắc nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các “ông lớn”, bao gồm ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán, thậm chí là cả các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Mỗi doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm có một cấu trúc cổ đông và mô hình hoạt động khác nhau

Saigon Ratings và mối liên hệ với Fitch Ratings

Về Saigon Ratings, đây là tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam (tháng 7/2017). Doanh nghiệp được thành lập ngày 30/7/2015, chưa đầy một năm sau khi Nghị định 88/2014/NĐ-CP được ban hành. Saigon Ratings đặt trụ sở tại số 78-80 Lê Văn Thiêm, khu phố Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7, TP. HCM.

Doanh nghiệp có số vốn điều lệ ban đầu là 15 tỷ đồng, được góp bởi 3 cổ đông sáng lập là Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Phát Thịnh (60%), Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Phát Thịnh (15%) và ông Phùng Xuân Minh (25%). Thời điểm đó, dù không phải cổ đông lớn nhất nhưng với cương vị Chủ tịch của cả hai pháp nhân còn lại, ông Minh là người giữ vai trò chi phối tại Saigon Ratings.

Sau này, vị đại gia liên tục gia tăng sở hữu tại Saigon Ratings khi “bơm tiền” cho doanh nghiệp tăng vốn. Theo cập nhật mới nhất trên website, ngày 25/5/2022, Saigon Ratings đã tăng vốn điều lệ lên mức 50 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ sở hữu của ông Phùng Xuân Minh đã tăng lên 77,5%. Hai cổ đông còn lại là Đầu tư Sài Gòn Phát Thịnh và Tư vấn Kinh doanh Phát Thịnh nắm lần lượt 18% và 4,5%.

Về nguồn lực và lợi thế, theo giới thiệu, Saigon Ratings là thành viên chính thức của tổ chức Hiệp hội Xếp hạng Châu Á (ACRAA). Điều này mang tới cho hãng điều kiện, cơ hội để học hỏi kinh nghiệm quản trị, quản lý vận hành và nghiệp vụ chuyên môn nhằm từng bước tiệm cận phù hợp với thông lệ hoạt động và chuẩn mực thế giới. Mặt khác, Saigon Ratings cũng nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và sự hợp tác chuyên môn cùng Fitch Learning. Đây là đơn vị đào tạo cùng hệ sinh thái với Fitch Ratings - một trong ba “ông lớn” xếp hạng tín nhiệm toàn cầu, bên cạnh Standard & Poor's (S&P) và Moody’s.

Về hoạt động, Saigon Ratings hiện cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm các tổ chức phát hành (các doanh nghiệp và định chế tài chính) và xếp hạng tín nhiệm công cụ nợ (các khoản vay, trái phiếu, công cụ nợ tài trợ dự án). Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cung cấp các dịch vụ khác như báo cáo đánh giá tín nhiệm, báo cáo phân tích biến động quỹ đầu tư và đánh giá chuyên sâu doanh nghiệp.

FiinRatings và sự hỗ trợ từ “anh cả” toàn cầu S&P Global

Xét về bề dày lịch sử, FiinRatings là hãng xếp hạng tín nhiệm có “tuổi đời” lâu nhất tại thị trường Việt Nam. Theo tìm hiểu, FiinRatings tiền thân là Công ty Cổ phần StoxPlus, thành lập tháng 3/2008, ban đầu tập trung cung cấp dữ liệu trên thị trường chứng khoán. Năm 2019, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Cổ phần FiinGroup và đến năm 2020 thì bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm.

Được Bộ Tài chính cấp phép ngày 20/3/2020, đây là doanh nghiệp thứ hai được phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường tài chính Việt Nam. Sau 2 năm “chinh chiến”, với sự tăng trưởng tích cực của thị trường này, FiinGroup đã tiến hành tái cơ cấu hoạt động khi tách các dịch vụ thông tin tài chính, thông tin tài chính và nghiên cứu sang cho công ty mẹ là Công ty Cổ phần FiinGroup Việt Nam. Tập trung vào mảng duy nhất là dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, Công ty Cổ phần FiinGroup đổi tên thành Công ty Cổ phần FiinRatings.

Theo số liệu mới nhất, FiinRatings có số vốn điều lệ là 25 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần FiinGroup Việt Nam nắm giữ tỷ lệ gần như tuyệt đối với 99,994%. Hai cổ đông còn lại là ông Nguyễn Quang Thuân và ông Nguyễn Hữu Hiệu cùng sở hữu 75 cổ phần, tương ứng 0,003% vốn.

Về nguồn lực, tương tự Saigon Ratings, FiinRatings cũng được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ phía ADB. Tuy nhiên, khác với “kình địch”, FiinRatings nhận chuyển giao các công nghệ phát triển bởi S&P Global Ratings – “anh cả” trong ngành đã có 160 năm hoạt động, lâu đời nhất trong “Big 3” xếp hạng tín nhiệm thế giới.

Về hoạt động, bên cạnh xếp hạng tín nhiệm các tổ chức phát hành và xếp hạng tín nhiệm công cụ nợ, FiinRatings còn cung cấp một số dịch vụ cho nhà đầu tư như đánh giá tín dụng doanh nghiệp, nghiên cứu tín dụng ngành và giám sát danh mục đầu tư. Năm 2023, mảng xếp hạng tín nhiệm và liên quan mang về 17,7 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm trước đó, chiếm hơn một nửa cơ cấu doanh thu.

Đáng chú ý, FiinRatings hiện đang là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được ủy quyền cung cấp dịch vụ Xác nhận Trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Trái phiếu khí hậu (CBI).

VIS Rating – sự kết hợp giữa Moody’s và các “đại gia” tài chính

Trong khi đó, VIS Rating mới gia nhập thị trường kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cách đây không lâu. Doanh nghiệp này được Bộ Tài chính cấp phép vào ngày 18/9 năm ngoái, sau gần 2 năm thành lập.

Theo tìm hiểu, VIS Rating ra đời ngày 30/11/2021, đặt trụ sở chính tại Phòng 2709, tầng 27, tháp Tây, toà nhà Lotte Center Hà Nội. Được thành lập trên dựa trên sáng kiến của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình liên doanh giữa tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s và các định chế tài chính hàng đầu Việt Nam.

VIS Rating cũng là hãng xếp hạng tín nhiệm có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hiện nay, lên đến 103,14 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ sở hữu của Moody’s Singapore Pte. Ltd. vẫn được giữ ở mức 49%, bằng thời diểm VIS Rating mới thành lập. Năm cổ đông sáng lập khác là Dragon Capital Finance Ltd, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Nam Á NamABank, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS cùng nắm 8,84% (trước đó là 10,2%). Trong khi đó, cổ đông mới là Công ty Tài chính TNHH TNEX sở hữu tỷ lệ nhỏ nhất với 6,8%.

Sự hậu thuẫn từ Moody’s - tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế với bề dày lịch sử 115 năm - mang tới cho VIS Rating những nguồn lực quan trọng, nổi bật là quyền truy cập dữ liệu toàn cầu bao gồm Moody’s CreditView và Bureau van Dijk. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn trong việc thực hiện các phân tích và nghiên cứu tín dụng chuyên sâu cho các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như các công ty tương tự trong khu vực. Chưa kể, những nhà đầu tư khác của VIS Rating cũng là những tên tuổi “có số có má” trên thị trường vốn Việt Nam.

Hiện tại, VIS Rating đang cung cấp hai loại dịch vụ chính là xếp hạng tín nhiệm và dịch vụ đánh giá và phân tích. Trong đó, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm gồm có xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành được công bố ra công chúng và xếp hạng tín nhiệm công cụ nợ dài hạn/ngắn hạn được công bố ra công chúng; dịch vụ đánh giá và phân tích gồm có đánh giá mức độ tín nhiệm giám sát thường xuyên, đánh giá mức độ tín nhiệm và đánh giá mức độ tín nhiệm cho danh mục đầu tư.

S&I Ratings và sự hiện diện của “ông trùm” chứng khoán SSI

Về S&I Ratings, “tân binh” trên thị trường xếp hạng tín nhiệm vừa được cấp phép hồi tháng 8, có liên quan đến “ông trùm” chứng khoán Nguyễn Duy Hưng. Doanh nghiệp được thành lập ngày 14/3/2022, đặt trụ sở tại số 1C Ngô Quyền, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, cùng toà nhà với Quỹ đầu tư Thành viên SSI (SSI-IMF) – một đơn vị trong hệ sinh thái SSI.

Cần biết, SSI-IMF cùng Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI là hai trong ba cổ đông sáng lập của S&I Ratings. Thời điểm mới thành lập, doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm này có vốn điều lệ là 30 tỷ đồng. Trong đó, SSI-IMF góp 25,2 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 84%, Chứng khoán SSI góp 4,5 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 15%. Cổ đông còn lại là Công ty Cổ phần Đầu tư Melchi Capital góp 300 triệu đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 1% .

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, theo thông tin S&I Ratings công bố trên website chính thức, Chứng khoán SSI đang là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu 14,99% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, còn có 3 nhà đầu tư tổ chức sở hữu vốn của S&I Ratings, bao gồm Công ty TNHH Tư vấn NDH, Công ty Cổ phần AGON và Công ty Cổ phần PALLAS, mỗi bên nắm 10%. Đáng chú ý, Tư vấn NDH là doanh nghiệp nơi ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch.

Ngoài ra, danh sách cổ đông của S&I Ratings còn có sự xuất hiện của 6 cổ đông cá nhân khác, đó là Nguyễn Thị Hà Dương (9,5%), Vũ Thị Hồng Hạnh (9,4%), Lê Tuyết Lan (9,3%), Nguyễn Việt Hà (9%), Bùi Huy Phương (9%) và Tô Minh Đức (8,81%).

Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng S&I Ratings hiện xếp thứ ba trong số bốn doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm về quy mô vốn điều lệ. Với bệ đỡ là Chứng khoán SSI – công ty chứng khoán lâu đời và lớn nhất Việt Nam, doanh nghiệp này sẽ được “thừa hưởng” không ít lợi thế về cơ sở dữ liệu tài chính, bao gồm chứng khoán, trái phiếu, các ngành, IPO, M&A và kinh tế vĩ mô.

Theo giới thiệu, S&I Ratings đang cung cấp 3 sản phẩm, bao gồm: xếp hạng tín nhiệm công cụ nợ, xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành và phân tích khả năng phục hồi sau vỡ nợ và xếp hạng tín nhiệm các sản phẩm tài chính có cấu trúc.

Có thể nói, những khác biệt nói trên đã tạo nên một bức tranh đa dạng và đầy cạnh tranh trong thị trường xếp hạng tín nhiệm, nơi mà cả những “người cũ” và “người mới” đều nỗ lực khẳng định dấu ấn riêng của mình. Sự đa dạng này không chỉ góp phần làm phong phú thêm cho thị trường mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp hóa của ngành xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Xếp hạng tín nhiệm gặp tình trạng 'con gà quả trứng', khó quy định bắt buộc

Xếp hạng tín nhiệm gặp tình trạng 'con gà quả trứng', khó quy định bắt buộc

Tài chính
(VNF) - VCCI cho rằng vấn đề xếp hạng tín nhiệm từ trước đến nay vẫn gặp tình trạng “con gà quả trứng” – khi chưa có cầu thì rất khó có cung và khi chưa có cung thì rất khó quy định bắt buộc.
Cùng chuyên mục
CEO Jensen Huang: Sứ mệnh của Nvidia là tạo ra cơ hội chứ không chạy theo xu hướng

CEO Jensen Huang: Sứ mệnh của Nvidia là tạo ra cơ hội chứ không chạy theo xu hướng

(VNF) - CEO của Nvidia Jensen Huang mới đây cho hay ông muốn tập trung vào việc tạo ra những thị trường hoàn toàn mới mà chưa ai từng nghĩ đến trước đây thay vì cạnh tranh với những doanh nghiệp khác đã thành danh.

Loạt chuyên cơ bậc nhất chở tỷ phú thế giới đổ xuống Đà Nẵng

Loạt chuyên cơ bậc nhất chở tỷ phú thế giới đổ xuống Đà Nẵng

(VNF) - Năm chuyên cơ của Gulfstream sang trọng và đắt đỏ bậc nhất thế giới mới đây đã đáp xuống sân bay Đà Nẵng khiến nhiều người kinh ngạc.

Viễn Thông Trịnh Gia Nguyễn chậm thanh toán lô trái phiếu 890 tỷ đồng

Viễn Thông Trịnh Gia Nguyễn chậm thanh toán lô trái phiếu 890 tỷ đồng

(VNF) - Công ty TNHH Viễn thông Trịnh Gia Nguyễn mới công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán lô trái Phiếu mã TrinhGiaNguyen.Bond.2020.

Ngân hàng giảm áp lực nợ xấu, chất lượng tài sản phục hồi

Ngân hàng giảm áp lực nợ xấu, chất lượng tài sản phục hồi

(VNF) - Nhiều ngân hàng có đánh giá tích cực về kế hoạch lợi nhuận năm 2024 khi chất lượng tài sản dần phục hồi do tỷ lệ hình thành nợ xấu đang có xu hướng giảm và tỷ lệ nợ xấu được kỳ vọng chạm đỉnh vào giữa quý III/2024 và quý IV/2024.

Công ty chứng khoán CV thua lỗ quý thứ 9 liên tiếp

Công ty chứng khoán CV thua lỗ quý thứ 9 liên tiếp

(VNF) - CVS - Công ty chứng khoán do M_Service nắm giữ 49% vốn, đã báo lỗ sau thuế quý III hơn 9,7 tỷ đồng, kéo dài chuỗi thua lỗ lên 9 quý liên tiếp.

BĐS công nghiệp tiếp tục nóng, du lịch nghỉ dưỡng vẫn 'chìm dưới đáy'

BĐS công nghiệp tiếp tục nóng, du lịch nghỉ dưỡng vẫn 'chìm dưới đáy'

(VNF) - Thị trường bất động sản đang dần phục hồi sau giai đoạn khó khăn, nhưng từng phân khúc vẫn đối mặt với những thách thức riêng.

Tập đoàn Phúc Sơn có Tổng giám đốc mới thay ông Hậu 'pháo'

Tập đoàn Phúc Sơn có Tổng giám đốc mới thay ông Hậu 'pháo'

(VNF) - Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đã đại hội đồng cổ đông và bầu bà Nguyễn Thị Huệ giữ chức Tổng giám đốc – người đại diện theo pháp luật mới cho công ty. Tuy nhiên, hiện các tài khoản giao dịch đứng tên công ty vẫn bị phong tỏa.

Siêu cảng 50.000 tỷ có cầu vượt biển 18km cả miền Tây trông đợi

Siêu cảng 50.000 tỷ có cầu vượt biển 18km cả miền Tây trông đợi

(VNF) - Theo quy hoạch, Cảng Trần Đề sau khi hoàn thành sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế cho toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đà Nẵng: Chung cư đắt khách, 3 tháng bán hơn 1.000 căn hộ

Đà Nẵng: Chung cư đắt khách, 3 tháng bán hơn 1.000 căn hộ

(VNF) - Tại Đà Nẵng, trong quý III/2024, tỷ lệ tiêu thụ đối với phân khúc căn hộ đạt khoảng 47% trên tổng nguồn cung sơ cấp, tương đương 1.058 căn và gấp 2,8 lần so với cùng kỳ.