Xếp hạng tín nhiệm: Động lực để doanh nghiệp 'tự nâng cấp mình'
(VNF) - Xếp hạng tín nhiệm được đánh giá là “chìa khóa” quan trọng để minh bạch hóa thông tin giữa tổ chức phát hành trái phiếu và nhà đầu tư, làm nền tảng cho sự phát triển an toàn và bền vững của thị trường tài chính.
- Thị trường xếp hạng tín nhiệm: Hình thành thế 'tứ trụ' 17/10/2024 09:30
Ngày 1/1/2024, các quy định nghiêm ngặt của Nghị định 65/2022/NĐ-CP chính thức được khôi phục, sau thời gian tạm dừng để thị trường có cơ hội tự điều chỉnh qua giai đoạn khó khăn. Theo đó, hồ sơ chào bán trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, áp dụng với những doanh nghiệp có tổng giá trị trái phiếu huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất.
Theo các chuyên gia, đây là bước tiến quan trọng nhằm đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước vào một chu kỳ mới, nơi cuộc “cách mạng” về tính minh bạch diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những quy định về xếp hạng tín nhiệm không chỉ mang lại công cụ đánh giá tin cậy cho nhà đầu tư, mà còn góp phần cải thiện cấu trúc thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy sự chuyên nghiệp trong huy động vốn dài hạn của các doanh nghiệp. Đây cũng là nền tảng để thị trường trái phiếu phát triển bền vững hơn, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.
Thước đo minh bạch
Nhìn chung, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm cho rằng hoạt động xếp hạng tín nhiệm được đánh giá là cấu phần quan trọng của thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa trải qua một cơn “khủng hoảng niềm tin” nghiêm trọng, minh bạch thông tin trở thành điều kiện tiên quyết giúp nhà đầu tư khôi phục niềm tin, vai trò của xếp hạng tín nhiệm lại càng nổi bật.
Về cơ bản, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là việc các tổ chức xếp hạng được cấp phép hoạt động sử dụng thang điểm có sẵn để đánh giá khả năng trả nợ, đánh giá rủi ro tín dụng, khả năng vỡ nợ của doanh nghiệp dựa trên các thông tin do doanh nghiệp cung cấp và các thông tin không công khai khác do tổ chức xếp hạng thu thập được.
Theo ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu của VIS Rating, để tạo ra một báo cáo xếp hạng tín nhiệm với các thông tin trực quan phục vụ nhà đầu tư, các hãng xếp hạng tín nhiệm như VIS Rating sẽ phải nghiên cứu, phân tích chuyên sâu và trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, ngân hàng.
Vị này cho hay, đây là giá trị nổi trội nhất mà hoạt động xếp hạng tín nhiệm mang lại cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Mặt khác, xếp hạng tín nhiệm cũng giúp phân loại các trái phiếu dựa trên rủi ro và mức độ đảm bảo, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lựa chọn sản phẩm phù hợp với khẩu vị rủi ro. Cùng với đó, định giá trái phiếu dựa trên xếp hạng tín nhiệm giúp nhà đầu tư xác định được giá trị thực của sản phẩm, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhấn mạnh, xếp hạng tín nhiệm sẽ là “chuẩn mực chung” cho các nhà đầu tư, giúp họ có căn cứ để so sánh và đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn. Trong quá trình theo dõi sản phẩm trái phiếu, kết quả xếp hạng tín nhiệm được cập nhật thường xuyên, là thông tin quan trọng để khách hàng có thể quản trị rủi ro hiệu quả.
Mặt khác, kết quả xếp hạng tín nhiệm cũng đóng vai trò như “kênh giám sát”, thúc đẩy ý thức thực hành minh bạch của các tổ chức phát hành. Theo bà Lê Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mặc dù chưa có quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm cho tất cả các đợt phát hành trái phiếu, nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện thực hiện đánh giá tín nhiệm.
“Điều này cho thấy ý thức về minh bạch thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu đang dần được nâng cao, đặc biệt trong giai đoạn thị trường đang tiến tới sự chuyên nghiệp và bền vững hơn”, bà Hà cho hay.
Thêm động lực “tự nâng cấp mình”
Cũng theo các chuyên gia, việc áp dụng quy định xếp hạng tín nhiệm không chỉ là bước tiến về tính minh bạch mà còn là cú hích quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh và sự chuyên nghiệp trên thị trường vốn, bởi lẽ, kết quả xếp hạng tín nhiệm tốt giúp doanh nghiệp có thêm lợi thế huy động vốn với chi phí thấp hơn, mở ra nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn có chi phí rẻ hơn.
Chia sẻ tại Hội thảo Cập nhật các biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, ngay trước thềm Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực trở lại, bà Wendy Cheong - Tổng giám đốc và Trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Moody's Investor Service phân tích: “Khi thị trường trái phiếu nội địa của Việt Nam phát triển, xếp hạng tín nhiệm sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng bằng cách giúp các công ty tiếp cận nguồn vốn mới, xây dựng chiến lược tài trợ, thể hiện sự minh bạch và duy trì niềm tin của các nhà đầu tư”.
Theo đó, hoạt động xếp hạng tín nhiệm giúp nhà phát hành truyền đạt câu chuyện tín dụng của họ tới thị trường mà không phải công bố những thông tin thuộc về bí mật kinh doanh. Một báo cáo xếp hạng tín nhiệm tốt không chỉ tạo niềm tin cho nhà đầu tư mà còn giúp họ gia tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn, mà theo ông Nguyễn Mạnh Hà thì đây là “một yếu tố quyết định đến chi phí vốn của doanh nghiệp”.
Đồng thời, kết quả xếp hạng tín nhiệm cũng mang tới sự so sánh tương đối về khả năng trả nợ giữa các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, giúp các nhà phát hành định vị được họ đang ở đâu trong con mắt của người cho vay và từ đó có thể xác định mức chi phí vay hợp lý. Điều này sẽ giúp nhiều công ty chủ động tìm kiếm cơ hội phát hành trái phiếu hơn so với việc chỉ đàm phán trực tiếp với một vài ngân hàng hoặc chủ nợ.
Mặt khác, thông qua kết quả xếp hạng, các nhà quản trị doanh nghiệp có thể nhìn thấy được bức tranh khái quát về năng lực và sức khỏe tài chính của tổ chức mình, qua đó có những điều chỉnh hợp lý trong quá trình tái cơ cấu và sử dụng các nguồn vốn, tăng cường tuân thủ các quy định pháp lý, nâng cao tính minh bạch cũng như cải thiện tình hình tài chính để củng cố hồ sơ tín dụng, đạt được mức tín nhiệm ngày càng cao hơn. Điều này thúc đẩy sự phát triển an toàn và lành mạnh của thị trường trái phiếu.
Ngoài ra, việc áp dụng quy định xếp hạng tín nhiệm khuyến khích các doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình. Việc các tổ chức phát hành phải chuẩn bị hồ sơ và thông tin một cách chi tiết và chuyên nghiệp hơn không chỉ tạo ra động lực cho các doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa quy trình làm việc và nâng cao hiệu quả quản lý mà còn góp phần tạo ra một thị trường trái phiếu bền vững hơn trong tương lai.
Xếp hạng tín nhiệm: Tránh 'minh bạch nửa vời'
Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.