Tài chính

Masan đấu CJ: Đừng nghĩ CJ thua cuộc

(VNF) - "Kẻ thua cuộc" CJ trong thương vụ đấu giá chọn nhà đầu tư chiến lược của Vissan có thật sự thua cuộc?

Masan đấu CJ: Đừng nghĩ CJ thua cuộc

Tin tức được giới đầu tư chú ý nhất trong suốt nhiều tuần qua có lẽ là việc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) tiến hành chọn nhà đầu tư chiến lược. Cuộc đấu tay ba giữa Tập đoàn CJ của Hàn Quốc và  Công ty Cổ phần Việt Pháp Sản xuất thức ăn gia súc PROCONCO (Proconco), Công ty Cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco) mà thực chất là Tập đoàn Masan trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.

Vissan: Liệu gà có đẻ trứng vàng?

Ngày 20/11/1970, tại xã Bình Hòa - tỉnh Gia Định, lò giết mổ gia súc đầu tiên đã được xây dựng, đặt nền móng cho ngành công nghiệp giết mổ gia súc hiện đại tại Việt Nam và Đông Nam Á với tên gọi "Lò sát sinh Tân Tiến đô thành". Sau bốn năm xây dựng đến ngày 18/05/1974, dự án đã hoàn thành và được đưa vào hoạt động.

Sau ngày giải phóng, chính phủ Cách mạng tiếp quản  đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), là công ty con của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), với biểu tượng "3 bông mai vàng" đã trở nên quen thuộc và khẳng định vị trí trên thị trường thực phẩm trong và ngoài nước.

Với việc phủ kín các sản phẩm của mình tại các chợ truyền thống, các hệ thống siêu thị và ngay trong các chuỗi cửa hàng thực phẩm của mình, Vissan đang là một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước hiện nay .

Vissan đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các trang trại chăn nuôi gia súc theo mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín với phương châm "Từ trang trại đến bàn ăn"(Feed – Farm – Food).

Tuy vậy, trong bản cáo bạch của mình, Vissan chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế từ 2015 đến 2018 là khoảng 100 tỷ/năm, quá nhỏ so với năng lực vốn có.  Với số tiền bỏ ra để trúng thầu 14% cổ phần của Vissan xấp xỉ 1.400 tỷ đồng, không rõ đến bao giờ Masan mới thu lại được?

Masan thắng đấu giá: Đắt, rẻ hay hợp lý?

Sau phiên IPO đầy sôi động 11,3 triệu cổ phần Vissan ra công chúng ngày 7/3, với giá trúng thầu trung bình 80.053 đồng/cổ phiếu, giới đầu tư dồn hết sự chú ý vào phiên đấu giá chọn cổ đông chiến lược.

Cuộc đua căng thẳng từ những phút đầu tiên, khi ngay trước thềm đầu giá lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Masan đã có động thái không khỏi khiến người ta nghi ngờ về việc  "gây áp lực" với CJ. Cụ thể, hai đối tác là Anco và Proconco đã đồng loạt gửi thư lên Hội đồng đấu giá muốn xin rút đơn đăng ký đấu giá và tiền cọc do hoài nghi về tính minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Vissan. 

Cuối cùng thì phiên đấu giá vẫn diễn ra vào sáng 24/3 với 3 nhà thầu là CJ, Anco và Proconco. Kết quả, Anco là công ty chiến thắng nhưng với mức giá lên tới 126.000 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm 80.100 đồng/cổ phần. Trong khi đó, mức giá mà CJ và Proconco đưa ra lần lượt là 120.000 đồng và 125.000 đồng /cổ phần.

Toàn bộ số tiền đấu giá này sẽ được chuyển về Quỹ phát triển doanh nghiệp, Vissan chỉ được giữ lại vốn điều lệ và những tài sản mà mình đang có. Nhà nước (cụ thể SATRA) vẫn nắm giữ 65% vốn và là cổ đông chi phối còn Anco, cổ đông chiến lược, là thành viên Hội đồng quản trị.

Câu hỏi đặt ra là Masan đã mua Vissan đắt hay rẻ hay hợp lý? Xét về giá tiền bỏ ra cho mỗi cổ phiếu là 126.000 đồng/cổ phần, xét về lợi nhuận sau thuế trong kế hoạch kinh doanh 100 tỷ/1 năm  cùng với số vốn là 809 tỷ thì hệ số giữa giá cổ phiếu trên lợi nhuận (P/E) khoảng 100 lần, là chỉ số quá cao cho cổ phiếu của một công ty.

Trong khi đó, để có tiếng nói hơn trong việc điều hành Vissan, Masan cần mua thêm cổ phiếu từ tổ chức và nhà đầu tư nhỏ lẻ trúng thầu trong phiên IPO trước đó để tăng quyền biểu quyết. Chưa thể đánh giá với giá này thì Masan đã mua lô cổ phần chiến lược này hợp lý hay không.

CJ không thua cuộc

Điều mà giới quan sát phiên đấu giá không khỏi băn khoăn là vì sao hai công ty con của Masan lại bỏ giá sát nhau đến thế (1.000 đồng ) và tại sao lại chọn mức giá này? Còn với mức giá 120.000 đồng/cổ phần, mặc dù CJ không trúng, nhưng họ cũng đã khiến cho Masan bỏ ra một lượng lớn tiền để trở thành cổ đông chiến lược với khoảng 1.400 tỷ đồng để sở hữu 14% vốn của Vissan.

Trước đó, trong phiên IPO ngày 7/3, một công ty con của Tập đoàn CJ – nhà đầu tư bỏ giá cao nhất 102.000 đồng/cổ phần để gom về 4.18% vốn Vissan tương ứng khoảng 3.9 triệu cổ phần trong đợt IPO này.

Đem nhân với mức giá mà Masan đã trúng thầu ngày 24/3, giá trị lô cổ phần mà CJ có đã có giá trị khoảng 491,4 tỷ, tăng gần 100 tỷ trong vòng nửa tháng. Đáng chú ý là cổ phiếu IPO được quyền giao dịch nên CJ có thể tiến hành cụ thể hóa ngay lợi nhuận của mình, rõ ràng đây là một thương vụ có lời của CJ.

Ngoài ra, CJ có thể hy vọng trong việc nắm bắt được tình hình hoạt động của một trong những đơn vị hàng đầu trong sản xuất các sản phẩm như Vissan nhờ 4.18% cổ phần của mình.

Còn Masan sẽ phải cân nhắc những lợi thế họ có được khi là cổ đông chiến lược của Vissan, có thể họ sẽ mua lại khoảng 10% cổ phần của các cá nhân trúng thầu trong đợt IPO cũng như mua lại của cán bộ nhân viên để tăng sở hữu giúp cho họ tăng tiếng nói  trong việc điều chỉnh chiến lược và điều hành Vissan hiệu quả nhằm sớm thu lại số tiền họ đã bỏ ra. Và trong cuộc đấu giá này, thắng thua hồi sau mới rõ được.

Tin mới lên