Tài chính quốc tế

'Mỏ' năng lượng 100 tỷ USD: Việt Nam nhiều lợi thế khai thác nguồn lợi lớn

(VNF) - Lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á có thể tạo ra doanh thu bền vững từ 90 tỷ - 100 tỷ USD vào năm 2030, trong đó Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế đáng kỳ vọng.

'Mỏ' năng lượng 100 tỷ USD: Việt Nam nhiều lợi thế khai thác nguồn lợi lớn

Các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than tại Đông Nam Á có thể sẽ giảm công suất khi năng lượng tái tạo "lên ngôi".

Nhận định này dựa trên nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ từ thiện Bloomberg, Quỹ ClimateWorks và tổ chức SEforALL. Lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo không chỉ giúp các quốc gia Đông Nam Á đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, giảm đáng kể lượng khí thải mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người dân nơi đây.

Nghiên cứu chỉ ra rằng các ngành công nghiệp pin quang điện mặt trời, pin và xe hai bánh chạy điện đang phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á. Lĩnh vực này dự kiến sẽ mang lại doanh thu ước tính từ 90 tỷ - 100 tỷ USD vào năm 2030 và tạo ra 6 triệu việc làm vào năm 2050.

Ngành sản xuất năng lượng tái tạo có thể sẽ mang lại lợi nhuận khủng cho ASEAN.

“Đông Nam Á, nơi có 1/4 dân số thế giới, sở hữu vị trí thuận lợi để trở thành khu vực dẫn đầu toàn cầu về sản xuất năng lượng tái tạo với môi trường kinh doanh sôi động và nguồn nhân tài dồi dào”, bà Helen Mountford, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Quỹ ClimateWorks, nói về tiềm năng của ngành công nghiệp năng lượng sạch tại khu vực Đông Nam Á.

Các quốc gia Đông Nam Á có thể đạt được nhiều mục tiêu ấn tượng trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo này, bao gồm: tăng công suất sản xuất pin mặt trời dạng mô-đun từ 70 GW lên 125 – 150 GW vào năm 2030; phát triển chuỗi giá trị sản xuất pin trong khu vực, đưa Đông Nam Á thành trung tâm xuất khẩu pin trong khu vực và trên toàn cầu; mở rộng công suất lắp ráp xe điện hai bánh (E2W) tại khu vực từ 1,4 – 1,6 triệu chiếc/năm lên khoảng 4 triệu chiếc vào năm 2030.

Theo nghiên cứu, để có thể hiện thực hóa những mục tiêu này, các quốc gia Đông Nam Á cần có các biện pháp chính sách cụ thể phù hợp với tình hình của từng nước, đơn cử như kích thích nhu cầu năng lượng tái tạo trong nước, cải thiện sự thuận tiện trong kinh doanh và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu, đảm bảo khả năng cạnh tranh về chi phí…

Các loại năng lượng tái tạo.

Các quốc gia Đông Nam Á cũng nên tăng cường hợp tác khu vực nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành năng lượng tái tạo và đáp ứng các mục tiêu net-zero. Ngoài ra, việc xây dựng lưới điện ASEAN cũng có thể giúp các nước trong khu vực triển khai hệ thống năng lượng tái tạo cao hơn thông qua thương mại điện đa phương tiện cũng như mở rộng các khu vực cân bằng lưới điện.

Ông Antha Williams thuộc Quỹ từ thiện Bloomberg, cho biết: “Đông Nam Á có tiềm năng trở thành người đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo trong chiến dịch triển khai năng lượng tái tạo toàn cầu”. Không chỉ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, sản xuất năng lượng tái tạo còn giúp các quốc gia Đông Nam Á đạt được tăng trưởng kinh tế.

“Việc tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân vào các lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo tại địa phương, tăng cường hợp tác chuỗi giá trị khu vực và tập hợp các bên liên quan chính sẽ tạo ra việc làm, tăng GDP và giúp các quốc gia Đông Nam Á đạt được các mục tiêu về khí hậu của họ”, ông nhận định.

Là một trong những quốc gia Đông Nam Á có tốc độ GDP tăng trưởng nhanh cùng nhu cầu năng lượng dự báo tăng trung bình 11%/năm, Việt Nam cũng đang sở hữu nhiều ưu thế để có thể phát triển ngành năng lượng tái tạo, theo Source of Asia.

Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành năng lượng tái tạo.

Cụ thể, Việt Nam được đánh giá là có vị trí địa lý thuận lợi với nhiều lợi thế về tự nhiên giúp ích cho sự phát triển của ngành sản xuất năng lượng tái tạo.

Trên thực tế, nước ta có đường bờ biển dài hơn 3.260km hay bức xạ mặt trời cao trung bình 1.387 – 1.534Kwh/KWp/năm tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung Bộ, phù hợp với sản xuất điện gió và điện mặt trời. Chi phí lao động và chi phí xây dựng lắp đặt rẻ hay đã có những nhà máy chuyên sản xuất tấm quang năng cũng là những lợi thế khác của Việt Nam.

Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có tiềm năng lớn để đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, khí sinh học, điện sinh khối bên cạnh các nguồn năng lượng hiện có như thủy điện, nhiệt điện than hay khí tự nhiên hóa lỏng LNG. Vào năm 2021, Việt Nam xếp thứ 31 trong danh sách các quốc gia có độ thu hút cao về các cơ hội đầu tư và triển khai trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, theo Renewable Energy Country Attractiveness Index.

Trong những năm gần đây, năng lượng tái tạo đã trở thành một trong những lĩnh vực đang được các nhà đầu tư quan tâm và ưu tiên với hàng loạt dự án khai thác điện gió, điện mặt trời… phát triển mạnh mẽ tại các khu vực ven biển miền Trung và miền Nam ước ta. 

Tuy nhiên, theo Source of Asia, Việt Nam cần xóa bỏ những rào cản về tài chính và đầu tư còn tồn đọng hay đơn giản hóa quy trình quản lý và hành chính để phát triển hơn nữa ngành sản xuất năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Tin mới lên