Thị trường

Món hàng tỷ USD mới: Việt Nam top 3 toàn cầu, Trung Quốc 'khách quen' số 1

(VNF) - Xuất khẩu sầu riêng đạt mức cao kỷ lục trong 7 tháng đầu năm 2023 và sẽ còn bùng nổ trong thời gian tới khi sầu riêng Việt Nam đang ở thế "một mình một chợ".

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu rau quả trong tháng 7/2023 đạt 404 triệu USD, giảm 38,9% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, cộng dồn 7 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này đạt 3,08 tỷ USD, tăng tới 60,5% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Xuất khẩu sầu riêng đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng chung của xuất khẩu rau củ. Theo thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,2 tỷ USD, vượt qua thanh long để đứng đầu top trái cây xuất khẩu của nước ta. Nhờ đó, sầu riêng chính thức lọt vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” của ngành nông nghiệp.

Xuất khẩu sầu riêng đạt đỉnh trong 7 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2023 với trị giá 1,99 tỷ USD, chiếm tới 65% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước. Sau Trung Quốc là Mỹ với 140,5 triệu USD, Hàn Quốc với 125,1 triệu USD và Nhật Bản với 105,6 triệu USD.

Xét riêng về sầu riêng, thị trường Trung Quốc chiếm tới 95% tổng giá trị xuất khẩu của loại trái cây này. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính ngạch. Sự tăng trưởng của xuất khẩu sầu riêng vẫn còn nhiều tiềm năng, nhất là khi nhu cầu sầu riêng của thị trường Trung Quốc còn rất lớn.

Sầu riêng Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,7 – 1,8 tỷ USD, tăng gấp 3,5 lần so với năm ngoái. Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam cũng đang có lợi thế rất lớn khi Tây Nguyên là vùng duy nhất trên thế giới còn sầu riêng để bán từ nay đến cuối năm. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam là sầu riêng Thái Lan, Phillipines và Malaysia đã đều hết vụ.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng của xuất khẩu sầu riêng cũng đang dẫn đến nhiều lo ngại. Tại khu vực Tây Nguyên, nhiều thương lái sẵn sàng thu mua sầu riêng với giá cao nhằm gom sầu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Điều này không chỉ dẫn đến rủi ro người dân “bùng kèo” với các doanh nghiệp đã liên kết trước đó để bán cho thương lái với giá cao, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, việc thu hoạch sầu riêng quá sớm hay không đúng thời vụ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sầu riêng, góp phần làm mất uy tín, hình ảnh của sầu riêng Việt Nam.

Diện tích đất trồng sầu riêng tăng mạnh mỗi năm.

Ngoài Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam cũng đang nhắm đến nhiều thị trường nước ngoài khác, trong đó có Úc, Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu.

Theo thống kê, hiện Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về diện tích trồng và sản lượng sầu riêng, chỉ đứng sau Indonesia với gần 1,4 triệu tấn/năm và Thái Lan với hơn 1,2 triệu tấn/năm. Trong giai đoạn hiện nay, bình quân diện tích trồng cây sầu riêng của VN tăng 24,5% mỗi năm. Sầu riêng của nước ta hiện được trồng ở 4 vùng chính là Tây Nguyên với hơn 47% diện tích cả nước, ĐBSCL với gần 30%, Đông Nam Bộ với gần 19% và Duyên hải Nam Trung Bộ với 4,2%.

Tin mới lên