Bất động sản

Một cơ chế mới, TP.HCM huy động được ngay 11 tỷ USD đầu tư hạ tầng

(VNF) - Giai đọan năm 2021-2025, TP. HCM sẽ huy động mọi nguồn lực, dự kiến đầu tư khoảng 266.000 tỷ đồng (tương đương 11 tỷ USD) để tạo đột phá phát triển hạ tầng theo Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua.

Cơ chế mới tạo động lực mới

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98 thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM. Đây được xem là chìa khóa quan trọng không chỉ cho TP. HCM, mà còn thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như lan tỏa cho cả nước.

Theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Nghị quyết 98 tạo cơ chế, chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay, gồm 44 cơ chế, chính sách. Trong đó có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết 54; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế đang trong quá trình trao đổi, thông qua thời gian tới mà TP. HCM được đi trước; 27 cơ chế, chính sách chỉ dành riêng cho TP. HCM và chỉ TP. HCM mới có.

Nghị quyết 98
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

 

Đáng chú ý, Nghị quyết 98 giúp phát triển hạ tầng giao thông TP tập trung vào 3 nội dung chính. Thứ nhất, TP sẽ triển khai thí điểm các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên một số tuyến đường bộ hiện hữu mà trước đó bị đình trệ do vướng mắc pháp lý.

Thứ hai, TP có cơ hội kêu gọi đầu tư dự án theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng tiền ngân sách (trả chậm) cho nhà đầu tư, điều mà trước đây thanh toán bằng quỹ đất.

Và ba là, TP sẽ được thí điểm áp dụng triển khai dự án giải phóng mặt bằng độc lập, tách riêng ra khỏi dự án giao thông và thu hồi đất theo quy hoạch TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng sức chở lớn, tốc độ nhanh). Khi đó, các khu đất có tiềm năng khai thác và phát triển sẽ tạo nguồn quỹ đất dọc theo các dự án giao thông này, trước mắt có thể kể đến như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương)…

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM (GTVT) cho hay, TP đã có sự chuẩn bị ngay khi dự thảo nghị quyết được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua. Về phía Sở Giao thônng vận tải đã chủ động bám sát kế hoạch của UBND TP để xây dựng kế hoạch triển khai. Cụ thể: để tạo đột phá chiến lược, TP sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn, tổng kinh phí dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 266.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TP khoảng 92.000 tỷ đồng và vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 174.000 tỷ đồng. Sở GTVT đã chủ động bám sát kế hoạch của UBND TP để xây dựng kế hoạch triển khai”.

Ưu tiên liên kết vùng, dự án hạ tầng trọng điểm

Theo đại diện Sở GTVT, trong tháng 6 này, TP sẽ trình HĐND TP thông qua danh mục các dự án hạ tầng để thực hiện ngay. Có khoảng 20 dự án được ưu tiên triển khai trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết mới nhằm xóa tình trạng tắc nghẽn về giao thông.

Nghị quyết 98
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM

Đối với các tuyến đường trục chính đô thị, kết nối vùng, quốc lộ đi qua địa phận TP. HCM như quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên… Quy mô đầu tư mở rộng thông qua việc thu hút được vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng từ khu vực tư nhân, thông qua hình thức BOT.

Hiện nay, Sở GTVT đã tổ chức thực hiện việc áp dụng hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu. Thực hiện rà soát, đánh giá và tham mưu, đề xuất quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính và danh sách các dự án áp dụng hợp đồng BOT đối với đầu tư, xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ đang có…

Còn theo cơ chế áp dụng mô hình TOD, Sở GTVT chủ động rà soát, xác định phạm vi vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt đô thị, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa bàn; phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất danh mục các dự án đầu tư công độc lập để khai thác quỹ đất bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.

Đại diện Sở GTVT cũng nhấn mạnh tính cấp bách của những dự án nằm trong nhóm liên kết vùng. Trong đó, nâng cấp các tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 sẽ tạo không gian phát triển đô thị cũng như xung lực mới cho TP. HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Riêng nhóm cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Bình Tiên... khi xây dựng sẽ mở ra không gian phát triển đô thị mới, kết nối ngoại thành và nội thành. Trong tương lai những trục đường này sẽ nối kết với cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 4 không chỉ tăng năng lực giao thông từ Đông sang Tây mà còn thúc đẩy phát triển hệ thống cảng biển, logistics cho TP

Tin mới lên