Một cổ phiếu tăng gấp 3 sau 7 ngày lên sàn, ‘ngoài tầm kiểm soát’ của DN

Hải Đường - 05/10/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Cổ phiếu VDG của Vạn Đạt Group đã ghi nhận mức tăng gấp 3 lần so với giá tham chiếu khi chào sàn UPCoM vào ngày 26/9 vừa qua.

Cổ phiếu VDG tăng trần 6 phiên liên tiếp

Chào sàn với giá tham chiếu 11.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 26/9, cổ phiếu VDG của Công ty Cổ phần Vạn Đạt Group (UPCoM: VDG) đã tăng kịch biên độ 40% lên mức 15.400 đồng/cổ phiếu khi kết phiên.

Đây không phải trường hợp hiếm gặp đối với một cổ phiếu khi lên sàn, tuy nhiên 1 tuần sau đó, VDG vẫn giữ vững phong độ khi liên tiếp ghi nhận thêm 5 phiên tăng trần nữa từ ngày 27/9 đến ngày 3/10, thị giá tăng gấp đôi lên 30.700 đồng/cổ phiếu.

Trong phiên sáng 4/10, VDG tiếp tục duy trì sắc tím trên bảng điện, giao dịch ở mức 35.100 đồng/cổ phiếu. Đến hết phiên chiều, VDG có phần hụt hơi khi chỉ còn ghi nhận ở mức giá 35.000 đồng/cổ phiếu (tăng 14,38%). Tính từ khi chào sàn, thị giá của VDG đã tăng gấp 3 lần.

Về thanh khoản, khối lượng giao dịch của VDG đã cải thiện rõ rệt so với phiên chào sàn. Theo đó, 4.600 cổ phiếu VDG đã khớp lệnh trong phiên 26/9, và tăng gấp 3 lần trong phiên sau đó.

Thanh khoản đặc biệt tăng mạnh trong phiên 2/10, khớp lệnh tổng cộng 39.000 đơn vị. Đến phiên 4/10, khối lượng giao dịch vẫn đạt khá cao so với phiên chào sàn ở mức 26.500 đơn vị.

So với những cổ phiếu mạnh trên thị trường, khối lượng giao dịch của VDG vẫn “chưa thấm vào đâu”. Tuy nhiên, trong số 5 triệu cổ phiếu được Vạn Đạt Group đưa lên sàn, 3 triệu đơn vị (61%) đang được nắm giữ bởi ông Trần Văn Anh (Chủ tịch HĐQT) và hơn 1,3 triệu đơn vị (27,3%) được nắm giữ bởi ông Lai A Chánh.

Như vậy, với cơ cấu cổ đông khá cô đặc, chỉ còn 585.000 cổ phiếu được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác, phần nào tạo nên rào cản cho thanh khoản của cổ phiếu này.

Sau khi lên sàn 1 tuần, việc cổ phiếu tăng trần liên tục trong 5 phiên đã khiến ban lãnh đạo doanh nghiệp phải thực hiện giải trình về biến động được cho là bất thường này.

“Giá giao dịch cổ phiếu VDG bị ảnh hưởng và chi phối trực tiếp bởi tình hình chung của thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư. Việc cổ phiếu VDG tăng trần 5 phiên liên tiếp là vấn đề ngoài tầm kiểm soát của công ty. Hiện HĐQT và ban giám đốc hiện vẫn đang nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 mà ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 đã giao phó”, đại diện Vạn Đạt Group cho biết.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp ghi nhận hơn 110 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 47% và 37,6%.

Dựa trên kết quả này, ban lãnh đạo nhận định doanh nghiệp vẫn đang sản xuất, kinh doanh bình thường, không nhận thấy bất kỳ yếu tố đột biến lớn nào ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. “Do đó, giá giao dịch cổ phiếu của doanh nghiệp hoàn toàn do yếu tố thị trường quyết định”.

Cẩn trọng với đà tăng nóng của cổ phiếu tại UPCoM

Cổ phiếu VDG hiện đang giao dịch ở hệ thống UPCoM, với biên độ 15%, lớn hơn mức 7% ở HoSE và 10% ở HNX. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho VDG có cú bứt tốc chỉ trong 1 tuần.

Biên độ giao động cao có thể tạo ra cơ hội lớn nhưng cũng có thể mang lại mất mát đáng kể khi giá cổ phiếu có thể biến động mạnh và không thể dự đoán trước, gây ra rủi ro cho nhà đầu tư. Chưa kể, những cổ phiếu trên UPCoM thường có thanh khoản thấp hơn so với các sàn chứng khoán lớn khác, làm cho việc mua bán cổ phiếu và thoát khỏi vị thế nhà đầu tư trở nên khó khăn.

Giới phân tích cho rằng nhà đầu tư nên cẩn trọng với những đà tăng nóng của các cổ phiếu tại UPCoM, bởi đây là thị trường “vàng thau lẫn lộn”, vừa có những cơ hội đầu tư tốt như BSR, ACV, MCH, VGT, FOX,…, vừa là bến đỗ của những cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc trên các sàn lớn như FLC, HAI, PVX, PXS,… Do đó việc sàng lọc cổ phiếu trở nên vô cùng quan trọng.

Theo một chuyên gia tài chính, trên hệ thống giao dịch UPCoM, nhà đầu tư chỉ nên lựa chọn các cổ phiếu có thanh khoản tốt để lướt sóng, nếu không với nền thanh khoản thấp có thể rơi vào trạng thái “mắc cạn”, thậm chí cháy tài khoản và bị bán giải chấp, đặc biệt khi chu kỳ thanh toán vẫn đang duy trì T+2,5.

Nhìn vào lợi ích khi đầu tư vào các cổ phiếu trên UPCoM, Công ty Chứng khoán Vietcap cho biết các công ty niêm yết trên sàn UPCoM thường là doanh nghiệp mới nổi, có tiềm năng tăng trưởng lớn. Điều này tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư để đầu tư vào các doanh nghiệp có triển vọng phát triển và có thể mang lại lợi nhuận cao trong tương lai.

Sàn UPCoM hoạt động dưới sự giám sát và quản lý trực tiếp từ trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. Điều này đảm bảo môi trường giao dịch công khai, minh bạch, mang lại sự an toàn và uy tín cho các nhà đầu tư. So với sàn OTC, Vietcap cho rằng sàn UPCoM được đánh giá cao hơn về tính minh bạch.

“Nhờ sự liên kết chặt chẽ với sàn HNX, nhà đầu tư có thể tiếp cận và đầu tư vào nhiều doanh nghiệp tốt thông qua cổng thông tin của sàn HNX. Quá trình giao dịch trên sàn UPCoM diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và an toàn cho cả người bán và người mua”, các chuyên gia của Vietcap cho biết.

Được biết, các doanh nghiệp lựa chọn sàn UPCoM để đánh giá mức độ tăng trưởng của cổ phiếu trước khi quyết định niêm yết trên sàn HoSE và HNX. Sàn UPCoM cung cấp một nền tảng để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nhiều nhà đầu tư và tạo đà để thực hiện việc niêm yết trên các sàn lớn sau này.

Tân binh UPCoM liên tục ‘tím trần’, từ may mặc sang BĐS và thực phẩm chức năng

Tân binh UPCoM liên tục ‘tím trần’, từ may mặc sang BĐS và thực phẩm chức năng

Doanh nghiệp
(VNF) - Cổ phiếu VDG của Vạn Đạt Group đã tăng trần 2 phiên liên tiếp, kể từ phiên chào sàn UPCoM 26/9 vừa qua. Vốn hoá tăng thêm 60%, từ 55 tỷ đồng lên hơn 88 tỷ đồng.
Cùng chuyên mục
Tin khác