Tại diễn đàn nghiên cứu Việt Nam- Nhật Bản "Cơ hội Đối tác để Việt Nam tham gia thành công vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN" diễn ra vào ngày 13/11 do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam còn bị động và có mức độ sẵn sàng hội nhập chưa cao. Doanh nghiệp chưa nhận rõ được cơ hội và thách thức, lo lắng về vấn đề cạnh tranh gia tăng từ thương mại.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng có nhiều nguyên nhân sâu xa khiến doanh nghiệp Việt Nam không quan tâm và thụ động khi hội nhập.
"Chẳng hạn Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu nhưng lại tăng thuế nội địa, tăng thu. Hay Luật về hiệp hội 10 năm vẫn không xây dựng được", ông Cung nêu dẫn chứng.
Tinh thần kinh doanh là động lực của sự phát triển và tăng trưởng kinh tế nhưng theo ông Cung, với những rào cản đó, tinh thần kinh doanh của kinh tế tư nhân đang thấp hơn nhiều so với 15 năm trước đây. Cải cách hiện nay ở Việt Nam đang cách biệt rất xa so với các nước, Việt Nam vẫn đang bước đi rất chậm chạp.
Tán thành với ý kiến trên, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng chưa bao giờ tinh thần kinh doanh lại thấp như hiện nay.
Theo bà Lan, có một nghịch lý là Việt Nam sẵn sàng giảm thuế, bỏ hàng rào thuế quan với các nước nhưng lại dựng lên các hàng rào với doanh nghiệp trong nước. Kể cả doanh nghiệp FDI cũng phải hứng chịu điều này.
"Nếu nói Việt Nam đứng thứ 2, thứ 3 về mức độ sẵn sàng trong AEC thì đó là một đánh giá mang tính hình thức nhiều hơn. Cái mà Việt Nam làm như giảm thuế, ban hành luật pháp trong AEC là có nhưng có một điều nghịch lý là Việt Nam tích cực tự do hóa với bên ngoài nhưng lại hạn chế tự do hóa bên trong", bà Lan nói.
Theo bà Lan, rào cản với doanh nghiệp trong nước được thể hiện rõ đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân Việt Nam.
"Năm nào Chính phủ cũng nói tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng thực chất không tháo được mấy nút và mà các nút càng tăng, càng chặt hơn. Thể hiện rõ nhất là thủ tục hành chính cực kỳ phức tạp, nhiêu khê, gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp.
Thuế phí là rào cản thứ hai. Ở Việt Nam rất nhiều loại thuế phí khác nhau. Như một quả trứng chịu 14 loại phí hay một con lợn cõng 51 thuế phí. Việt Nam chắc là vô địch về thứ đó", vị chuyên gia bày tỏ.
Ngoài ra, bà Lan cho rằng hiện nay môi trường kinh doanh vẫn còn bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước vẫn được bảo hộ và nhận đặc quyền do đó không quan tâm nhiều đến hội nhập, vấn đề mà khối doanh nghiệp nhà nước quan tâm là tiếp cận Nhật Bản, EU để có vốn ODA.
Doanh nghiệp FDI đã chủ động kết nối giữa Việt Nam và ASEAN. Còn doanh nghiệp tư nhân chịu sức ép lớn nhưng chưa quan tâm vì có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động nội địa, không tham gia xuất nhập khẩu nên không cảm nhận được sức ép.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa thậm chí siêu nhỏ bị mối lo trước mắt quá lớn, phải đối phó với các vấn đề môi trường kinh doanh và ám ảnh bởi những "kỷ lục" số doanh nghiệp giải thể. Ở Việt Nam còn có rất nhiều loại thuế phí khác nhau. Như một quả trứng chịu 14 loại phí hay một con lợn cõng 51 thuế phí.
"Họ lo về tồn tại hơn là cạnh tranh trong tương lai, chưa bao giờ tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp lại thấp như hiện nay. Tôi thật sự rất lo ngại, nhất là lúc Việt Nam đang hội nhập sâu rộng như thế này", bà Lan lo lắng.
Không những thế, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, khoảng cách giữa Việt Nam với các nước ASEAN đang càng ngày càng giãn ra. Nhất là các nước Campuchia, Lào đang có cải cách tốt, tốc độ tăng trưởng cao hơn. Khoảng cách giữa Việt Nam với các nước có trình độ phát triển đang rất xa. Sau 20 năm gia nhập ASEAN nhưng Việt Nam vẫn chấp nhận nằm trong nhóm ASEAN4.
Theo đó, bà Lan cho rằng, khi xác định đổi mới tư duy và nhận thức cần định vị lại, 9 nước còn lại trong khối ASEAN có tầm quan trọng như thế nào trong số 57 nước Việt Nam tham gia FTA.
"Việt Nam phải làm thế nào để biến tiềm năng thành năng lực thật sự để phát triển vì thời gian không chờ đợi ai", bà Lan nhấn mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn, Giáo sư Toshiro Nishizawa, Trường Chính sách công, Đại học Tokyo cũng cho rằng:Việt Nam đang ở trong bước ngoặt quan trọng và AEC. Bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức. Việt Nam có thể vượt qua thách thức, để đạt được mục tiêu có thể mất thời gian từ 2 đến 10 năm nhưng nếu thời gian đó vẫn không có sự thay đổi thì người dân có thể cảm thấy thất vọng, Chính phủ không được tin tưởng nữa và đây sẽ là rủi ro lớn.
"Trong cuộc đua, thà làm một con rùa còn hơn làm một con thỏ. Những nước có thể không phát triển nhanh nhưng ổn định sẽ vượt qua khủng hoảng. Đó là quan điểm của tôi về cách mà Việt Nam có thể tồn tại", ông Toshiro Nishizawa đưa ra lời khuyên.