Quốc gia châu Âu ngừng làm ăn với Gazprom, tuyên bố không bị Nga 'tống tiền'
(VNF) - Một nhà cung cấp khí đốt châu Âu đã chấm dứt hợp đồng kéo dài hàng thập kỷ với Gazprom, tập đoàn năng lượng khổng lồ của nhà nước Nga. Các nhà phân tích ca ngợi quyết định này là dấu hiệu cho thấy châu Âu đang trở nên kiên cường hơn trong việc "cai nghiện" năng lượng Nga.
Đòn giáng lên Gazprom
Tập đoàn khí đốt OMV của Áo trong tuần qua tuyên bố sẽ chấm dứt giao dịch với Gazprom do tranh chấp hợp đồng kéo dài. OMV là một trong những công ty mua khí đốt lớn và dài hạn cuối cùng của Nga.
"Đây là một diễn biến tích cực. Nga đang gặp rắc rối", nhà khoa học chính trị Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, viết trên X về sự sụp đổ của thỏa thuận.
Việc chấm dứt hợp đồng kéo dài 34 năm diễn ra sau nhiều tháng tranh cãi giữa hai công ty. Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho OMV vào tháng trước.
Chính phủ Áo, sở hữu 31,5% OMV, coi động thái này là sự thách thức trước những nỗ lực “tống tiền” của Nga đối với quốc gia này.
Thủ tướng Áo, Karl Nehammer, đã viết trên X vào ngày 11/12: "Nga muốn sử dụng năng lượng như một vũ khí chống lại chúng tôi, điều đó không hiệu quả. Áo không thể bị Nga tống tiền!". Ông nói thêm rằng Áo có nguồn cung cấp năng lượng an toàn.
Tin tức này là một đòn giáng mạnh vào Gazprom nhưng lại là một dấu hiệu thành công trên con đường khó khăn của châu Âu nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, các chuyên gia trong ngành nói với Business Insider (BI).
Ông Dmitrij Ljubinskij, đại sứ Nga tại Áo, đã phủ nhận trong một cuộc phỏng vấn với Ivzestia rằng Nga sử dụng năng lượng như một công cụ gây sức ép. Gazprom không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Thông báo của OMV đã chấm dứt một mối quan hệ đối tác lịch sử. Công ty này đã ký hợp đồng 34 năm với Gazprom vào năm 2006 để cung cấp khí đốt cho Áo, nhưng mối quan hệ tin cậy đã dần tan vỡ sau khi Nga đưa quân tới Ukraine vào năm 2022.
Tháng 3/2022, công ty tuyên bố sẽ không đầu tư vào Nga nữa, nhưng vẫn duy trì mối quan hệ cung cấp dài hạn.
Nhưng một cuộc tranh chấp hợp đồng riêng biệt kéo dài đã gieo mầm cho sự bất hòa. Một công ty con của OMV đã có một hợp đồng nhỏ hơn với Gazprom để cung cấp khí đốt cho Đức thông qua đường ống ngầm Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc).
Vào mùa hè năm 2022, Gazprom cho biết các lệnh trừng phạt mới áp đặt đã ngăn cản công ty tiếp cận các bộ phận quan trọng cần thiết để vận hành tua-bin của đường ống.
Nguồn cung khí đốt đó đã cạn kiệt rồi dừng hẳn. Đáng chú ý là nó không bao giờ khởi động lại sau cuộc tấn công vào Nord Stream vài tháng sau đó.
OMV đã đưa ra trọng tài thương mại về việc thiếu nguồn cung cho Đức và vào tháng 11 đã được bồi thường 230 triệu euro (tương đương khoảng 240 triệu USD), cộng với lãi suất và chi phí.
Công ty cho biết sẽ bù trừ khoản bồi thường này "vào khoản thanh toán mà OMV sẽ thực hiện cho Gazprom Export theo hợp đồng cung cấp khí đốt tại Áo".
Một động thái được tính toán?
Nguồn cung cấp của Gazprom cho OMV và Áo, thông qua Ukraine, có lẽ sẽ không duy trì được lâu. Ukraine từ lâu đã ám chỉ rằng họ sẽ không gia hạn thỏa thuận cho phép khí đốt của Nga đi qua đường ống của nước này, dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 1.
Ông Jack Sharples, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, nói với BI rằng OMV có thể đã để mắt đến quyết định của Ukraine, song song với tranh chấp với Gazprom, trong một thời gian và tìm sẵn các nhà cung cấp thay thế.
Ông Tom Edwards, chuyên gia lập mô hình tại công ty phân tích thị trường năng lượng Cornwall Insight, chia sẻ với BI: "Có những rủi ro đáng kể đối với việc vận chuyển do thỏa thuận vận chuyển của Ukraine kết thúc vào tháng 1, vì vậy việc hủy bỏ thỏa thuận có vẻ là một ý tưởng hay".
OMV hiện cho biết lượng khí đốt dự trữ của công ty đạt khoảng 85% và công ty có vị thế tốt để cung cấp khí đốt từ các nguồn thay thế.
Theo ông Sharples, việc Nga đưa quân tới Ukraine đã củng cố ý chí chính trị trên khắp châu Âu nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, điều mà ít ai có thể lường trước được.
Trước năm 2022, châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt tự nhiên từ Nga.
"Tôi nghĩ nếu bạn hỏi các nhà phân tích thị trường khí đốt châu Âu vào năm 2021 rằng liệu thị trường châu Âu có thể đối phó với việc mất 80% lượng khí đốt nhận được từ Gazprom thông qua đường ống không? Chúng tôi sẽ nói là không, điều đó thật khủng khiếp", ông Sharples cho hay.
Những trong những năm gần đây, châu Âu đã đầu tư nhiều hơn không chỉ vào các nhà cung cấp thay thế mà còn vào việc tích hợp hệ thống phân phối, nghĩa là châu Âu có thể ứng phó linh hoạt hơn với tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn. Một phân tích của Chatham House trong năm nay chỉ ra rằng một số mặt hàng nhập khẩu thay thế bản chất vẫn là khí đốt của Nga, nhưng được "rửa" thông qua các quốc gia thứ ba.
Và tính đến năm 2024, giá khí đốt vẫn cao hơn so với trước khi chiến sự bùng nổ tại Ukraine, ông Sharples cho biết.
Nhưng ông cũng cho biết thêm rằng thị trường đã phản ứng bằng cách giảm nhu cầu và tìm kiếm nguồn cung thay thế. "Điều thực sự xảy ra là nhu cầu khí đốt của châu Âu đã giảm 1/5 và chúng tôi đã tăng cường nhập khẩu LNG từ thị trường toàn cầu", ông Sharples cho hay.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, Gazprom đã mất một phần đáng kể doanh thu từ lĩnh vực khí đốt kể từ tháng 2/2022 và việc mất thị trường Áo sẽ tiếp tục làm giảm doanh thu đó.
Trụ cột quan trọng của nền kinh tế Nga lại bị đe dọa
- Chủ tịch Tập Cận Bình phát tín hiệu tới TT Trump: 'Đối thoại thay vì đối đầu' 14/12/2024 08:30
- Huyền thoại bóng đá Trung Quốc bị kết án 20 năm tù vì nhận hối lộ 13/12/2024 03:45
- Được ông Trump mời dự lễ nhậm chức, ông Tập có nhận lời hay không? 13/12/2024 11:24
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.