Trụ cột quan trọng của nền kinh tế Nga lại bị đe dọa

Hải Đăng - 13/12/2024 14:21 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây đã ám chỉ rằng Mỹ đang để mắt tới những hạn chế mới đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, vốn là nguồn thu chính cho ngân sách chiến sự của Điện Kremlin.

"Điều bất thường ở thời điểm này là thị trường dầu mỏ dường như được cung cấp đầy đủ. Giá tương đối thấp, nhu cầu toàn cầu giảm và nguồn cung thực sự đã tăng", bà Yellen cho hay.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu đang bị đè nặng bởi mối lo ngại về nguồn cung dồi dào, một phần là do nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu. Các nhà phân tích tại Macquarie dự báo "thặng dư lớn" vào năm tới do tăng trưởng nguồn cung ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và tăng trưởng nhu cầu "dưới xu hướng".

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết thị trường dầu mỏ toàn cầu yếu là cơ hội để thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Nga. (Ảnh AP/Patrick Semansky)

Giá dầu thô Brent tương lai quốc tế giảm 4% tính đến thời điểm hiện tại. Giá dầu thô West Texas Intermediate tương lai của Mỹ giảm 1% trong cùng kỳ.

"Vì vậy, thị trường dầu mỏ toàn cầu đang yếu đi và điều đó có thể tạo ra cơ hội để thực hiện một số hành động tiếp theo", bà Yellen cho biết.

Người đứng đầu ngành tài chính Mỹ cũng nhấn mạnh thêm rằng bà sẽ không đưa ra bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào nhưng Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép lên Điện Kremlin để chấm dứt chiến sự.

Đáp lại tin tức về các lệnh trừng phạt dầu mỏ mới tiềm tàng, người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm sẽ để lại "di sản khó khăn" trong quan hệ Mỹ - Nga, theo hãng thông tấn nhà nước TASS .

Mỹ đang thắt chặt vòng vây đối với nguồn thu năng lượng của Nga. Vào tháng 11, Mỹ đã trừng phạt Gazprombank, tổ chức tài chính lớn cuối cùng của Nga được miễn trừ khỏi các hạn chế. Ngân hàng này xử lý các giao dịch quốc tế lớn, bao gồm cả các giao dịch từ lĩnh vực dầu khí.

Những diễn biến này đánh dấu sự thay đổi so với lập trường mà Mỹ đã duy trì kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, khi Nhóm G7 và các đồng minh áp đặt mức giá trần cho dầu Nga và hạn chế khả năng tiếp cận của Nga đối với các dịch vụ bảo hiểm, môi giới và hàng hải của phương Tây.

Các biện pháp này đã cho phép thị trường năng lượng toàn cầu tiếp tục hoạt động một cách có trật tự khi ngăn ngừa cú sốc giá cả và lạm phát nhưng vẫn hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga.

Nhưng vì nguồn cung dầu toàn cầu dồi dào trong bối cảnh nhu cầu giảm nên rủi ro giá tăng đột biến sẽ thấp hơn ngay cả khi sản lượng của Nga không còn trên thị trường nữa.

Trước lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngành năng lượng, Nga đã bán phần lớn dầu của mình cho Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng, lượng xăng và sản phẩm chưng cất tồn kho đã tăng nhiều hơn dự kiến ​​vào tuần trước, làm giảm giá dầu thô.

Trong khi đó, nhóm các nhà sản xuất OPEC ngày 12/12 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu trong năm 2024 và 2025 trong tháng thứ 5 liên tiếp và với mức cắt giảm lớn nhất từ ​​trước đến nay.

Nhóm G7 và các đồng minh áp đặt mức giá trần cho dầu Nga và hạn chế khả năng tiếp cận của Nga đối với các dịch vụ bảo hiểm, môi giới và hàng hải của phương Tây.

"Việc cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu cho thấy OPEC đang rất bận rộn trong việc cố gắng cân bằng thị trường này hướng đến năm 2025", Chuyên gia John Kilduff, đối tác tại công ty đầu tư Again Capital LLC ở New York, nhận định.

OPEC+, nhóm các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ với các nhà sản xuất khác như Nga, đã hoãn kế hoạch bắt đầu tăng sản lượng vào đầu tháng này.

Nhu cầu yếu, đặc biệt là ở nước nhập khẩu hàng đầu là Trung Quốc và tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC+ là hai yếu tố dẫn đến động thái này.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư dự đoán nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng sau các kế hoạch mới nhất của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngày 9/12, Trung Quốc cho biết họ sẽ áp dụng chính sách tiền tệ "nới lỏng phù hợp" vào năm 2025, đánh dấu lần nới lỏng đầu tiên trong 14 năm qua.

"Không chắc liệu Trung Quốc có thể khởi động hoàn toàn tăng trưởng vào năm 2025 hay không. Chúng tôi tin rằng các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa của Trung Quốc sẽ là những điểm dữ liệu quan trọng cần theo dõi trong năm tới", ông Kenny Zhu, nhà phân tích nghiên cứu của Global X cho biết.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc cũng tăng lần đầu tiên trong bảy tháng vào tháng 11/2024, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Business Insider, Reuters
Đòn tấn công đầu tiên trong cuộc chiến thương mại Nga - Trung

Đòn tấn công đầu tiên trong cuộc chiến thương mại Nga - Trung

Tài chính quốc tế
(VNF) - Nga đã áp mức thuế hơn 55% đối với một bộ phận đồ nội thất của Trung Quốc khiến những người trong ngành đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc, đối tác "không giới hạn" của Nga, lại phải chịu mức thuế khắc nghiệt hơn các nhà cung cấp châu Âu.
Cùng chuyên mục
Tin khác