10 năm sau cơn sốt Flappy Bird, Việt Nam trở thành 'cường quốc sản xuất game'

Quỳnh Anh - 05/08/2023 06:34 (GMT+7)

(VNF) - Việt Nam được xếp hạng trong số 5 quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất trò chơi di động tính theo lượt tải xuống trong nửa đầu năm 2023, theo data.ai. Tuy nhiên, các nhà phát triển Việt Nam được cho là đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trên thị trường trò chơi toàn cầu khi các chính phủ áp dụng các quy định thu thập dữ liệu chặt chẽ hơn.

VNF

Một thập kỷ sau Flappy Bird

Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên thu hút sự chú ý của các game thủ toàn cầu sau khi nhà phát triển Đông Nguyễn tạo ra một ứng dụng trò chơi đơn giản nhưng gây nghiện có tên Flappy Bird. Trò chơi này đã trở thành cơn sốt toàn cầu và nổi tiếng đến mức Đông, được cho là bối rối trước sự chú ý quá lớn, đã gỡ trò chơi xuống. Thời điểm đó, Flappy Bird kiếm được khoảng 50.000 USD/ngày từ các quảng cáo.

Sự thành công bất ngờ và giản đơn từ Flappy Bird đã "kích thích" các nhà sản xuất game trong nước, và một thập kỷ sau, Việt Nam đang trên đường trở thành một "cường quốc" game thực sự.

Ngày 1/4 năm nay, khi ngày GameVerse Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, các quan chức chính phủ đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy đất nước trở thành thị trường phát triển ứng dụng giải trí "nóng" nhất trong khu vực.

Hiện tại, Việt Nam được xếp hạng trong số 5 quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất trò chơi di động tính theo lượt tải xuống trong nửa đầu năm 2023, theo data.ai. Với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh thuộc hàng cao nhất ở châu Á và khoảng một nửa dân số dưới 30 tuổi, không ngạc nhiên khi các trò chơi công nghệ "ăn nên làm ra" tại đây.

Sự thay đổi này cũng là sự thừa nhận về tiềm năng kinh tế của ngành: thị trường trò chơi di động toàn cầu ước tính sẽ vượt quá 300 tỷ USD vào năm tới, với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 7% trong những năm tới.

Những nhà sản xuất tiêu biểu

Ngành công nghiệp trò chơi trong nước được dẫn dắt bởi đội ngũ ngày càng đông các nhà phát triển trò chơi và các công ty khởi nghiệp. Một trong những "cánh chim đầu" bao gồm Amanotes, nổi tiếng với các trò chơi âm nhạc trên thiết bị di động và nhà phát hành Falcon Squad OneSoft; hay Topebox; Good Story Time.

Các hãng trò chơi hiện có mặt khắp đất nước, cạnh tranh để tạo ra bom tấn toàn cầu tiếp theo sau Flappy Bird. 

OneSoft năm ngoái là nhà xuất bản trò chơi di động lớn thứ tư thế giới về số lượt tải xuống từ App Store và Google Play, theo dữ liệu từ data.ai. Trong khi đó, Zego Studio - một nhà phát triển Việt Nam khác - xếp thứ 9 trong số các nhà xuất bản ứng dụng và trò chơi trên toàn thế giới về số lượt tải xuống trong quý IV năm ngoái.

Amanotes được biết đến nhiều nhất với các trò chơi âm nhạc Magic Tiles 3 và Tiles Hop và có 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, hầu hết trong số người dùng ở Mỹ. 

Trò chơi Magic Tiles 3 của Amanotes được xếp hạng trong số 20 trò chơi di động hàng đầu về lượt tải xuống toàn cầu vào năm ngoái, theo Sensor Tower Inc., công ty cung cấp nghiên cứu thị trường về ứng dụng di động và quảng cáo kỹ thuật số. Amanotes cho biết trò chơi đã được tải xuống hơn một tỷ lần kể từ khi phát hành vào năm 2017.

Amanotes đang thảo luận với các nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm các công ty cổ phần tư nhân và các nhà đầu tư mạo hiểm, vì họ muốn mở rộng quy mô kinh doanh.

Bill Võ, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Amanotes, cho biết mặc dù trò chơi của họ có hơn 3 tỷ lượt tải xuống, nhiều người dùng không biết quốc tịch của công ty.

“Mọi người không biết Amanotes là một công ty Việt Nam. Chúng tôi đang định vị mình là một công ty toàn cầu”, anh Võ nói.

Khôi Nguyên, người sáng lập Good Story Time, một công ty khởi nghiệp tạo ra các công cụ để phát triển trò chơi điện tử, cho biết: “Tại thành phố Hồ Chí Minh, mọi người có tinh thần "dám nghĩ dám làm" như ở Thung lũng Silicon. Các tài năng kỹ thuật ở đây khá xuất sắc". Anh Khôi chuyển từ Bay Areana về Việt Nam sau khi làm kỹ sư trưởng cho Oculus VR, được mua lại bởi Meta Platforms vào năm 2014.

Thái Thanh Liêm, giám đốc điều hành của nhà phát hành trò chơi Topebox và là một phần của thế hệ doanh nhân trò chơi thành công mới, nhớ lại sự phấn khích của những ngày đầu cách đây một thập kỷ. Anh và những người bạn của mình, những người sau này trở thành đồng sáng lập công ty, đã làm việc không mệt mỏi để tạo ra các ứng dụng trò chơi miễn phí mà sau này được tải xuống điện thoại thông minh từ Singapore đến San Francisco.

Trò chơi đầu tiên của Topebox là Sky Dancer, trong vòng một năm, đã đạt được nửa triệu lượt tải xuống và 1 triệu USD doanh thu toàn cầu, theo sau là lượt truy cập khổng lồ. Sau đó, Sky Dancer được công ty mẹ của TikTok là ByteDance phát hành tại Trung Quốc và đã được tải xuống ít nhất 50 triệu lần.

Thách thức mới, cơ hội mới

Tuy nhiên, các nhà phát triển Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trên thị trường trò chơi toàn cầu khi các chính phủ áp dụng các quy định thu thập dữ liệu chặt chẽ hơn. 

Những thay đổi này buộc các công ty trò chơi phải dành nguồn lực để tương tác trực tiếp với người chơi và khuyến khích họ cung cấp thông tin một cách tình nguyện để nhà phát triển có thể tùy chỉnh trò chơi. Điều này làm tăng thêm chi phí cho các công ty lớn và đặc biệt khó khăn cho các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn, theo ông Kelly Wong, phó chủ tịch mảng giải trí trò chơi của VNG Corp.

“Mô hình Flappy Bird sẽ không tồn tại nữa”, ông Kelly nói.

Hầu hết các trò chơi phổ biến của Việt Nam là trò chơi thông thường miễn phí có giao diện đơn giản. Mặc dù một số công ty thành công như Amanotes cũng cung cấp dịch vụ đăng ký và những công ty khác có thể sẽ thử điều chỉnh trò chơi của họ, nhưng những thay đổi như vậy sẽ gây khó khăn cho nhiều người. Ông Wong cũng cho biết việc phát triển trò chơi cho các hệ máy console như PlayStation và Xbox sẽ cần vài năm và mất hàng trăm triệu USD đầu tư.

Mặc dù vậy, các nhà phát triển Việt Nam đang tích lũy kinh nghiệm và chi phí sản xuất trò chơi điện tử kinh phí lớn có thể sẽ giảm nhờ công nghệ mới, giúp tạo ra các trò chơi phức tạp hơn, Bình Trần, đồng sáng lập Ascend Vietnam Ventures, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.

Chính phủ Việt Nam cũng đã có các động thái hỗ trợ tăng trưởng cho ngành, đơn cử như việc tạm dừng động thái đánh thuế các dịch vụ trò chơi trực tuyến để hỗ trợ các công ty trong nước.

Ngoài ra, ông Samuel Stevenin, giám đốc điều hành bộ phận nghệ thuật của Virtuos Ltd, một công ty phát triển trò chơi điện tử có ba người Việt Nam, cho biết căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng có thể mang lại lợi thế cho các nhà phát triển trò chơi Việt Nam khi các nhà xuất bản tìm kiếm các nhà phát triển bên ngoài Trung Quốc cho các dự án phức tạp hơn. 

“Điều đó đang làm cho Việt Nam — và toàn bộ Đông Nam Á — trở nên hấp dẫn hơn”, ông Samuel Stevenin nhận định.

Xem thêm >> Công nghệ tuần qua: Game online thoát thuế tiêu thụ đặc biệt?

Cùng chuyên mục
Tin khác