Xe

Mua bảo hiểm bắt buộc khi vào Việt Nam, ô tô các nước ASEAN sẽ được bồi thường thế nào?

(VNF) - Việt Nam là một trong ba quốc gia đầu tiên tham gia hệ thống ACMI. Điều này sẽ giúp thúc đẩy việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới ASEAN diễn ra một cách hiệu quả hơn.

Mua bảo hiểm bắt buộc khi vào Việt Nam, ô tô các nước ASEAN sẽ được bồi thường thế nào?

Việt Nam đã kết nối thành công vào hệ thống ACMI.

Ngày 15/11, Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN (VINABAI) chính thức thông báo về việc Việt Nam đã kết nối thành công vào hệ thống ACMI (ASEAN compulsory motor insurance system).

Theo đó, chủ xe cơ giới từ các nước ASEAN quá cảnh tại Việt Nam hay Việt Nam là nước đi đến cuối cùng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Ở chiều ngược lại, người dân Việt cũng sẽ phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới khi đi đến các quốc gia khác trong khu vực.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch VINABAI, chia sẻ: “Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống ACMI có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Bên cạnh việc khẳng định rằng xe cơ giới của ASEAN quá cảnh vào Việt Nam cần tham gia bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, việc kết nối thành công này sẽ giúp thúc đẩy việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới ASEAN, trong đó có Việt Nam, một cách hiệu quả”.

Cũng theo ông Tuấn, các chứng từ bảo hiểm sẽ phải được mang theo trên xe (bản cứng hoặc bản điện tử) để cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia kiểm tra tại biên giới. Cơ quan có thẩm quyền được giao nhiệm vụ thực thi các yêu cầu bảo hiểm có thể kiểm tra giấy chứng nhận bảo hiểm dọc theo tuyến đường được chỉ định.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, nhận định việc kết nối thành công vào hệ thống ACMI là một dấu mốc quan trọng, có thể góp phần thúc đẩy giao thương giữa các nước trong khối ASEAN.

Nếu như trước đây, việc bán bảo hiểm chỉ ở dưới hình thức bán trực tiếp thông qua giấy tờ và thường vướng nhiều rào cản về sự khác biệt trong quy định pháp luật và vị trí địa lý thì nay việc bán bảo hiểm đã được số hóa, thông qua trang website trực tuyến.

Nhờ đó, người dân ở các quốc gia khác trong khu vực ASEAN có thể mua bảo hiểm ngay tại chính đất nước của họ. Việc bán bảo hiểm thông qua hệ thống ACMI này sẽ giúp các cá nhân muốn vào Việt Nam có thể mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự một cách dễ dàng và nhanh gọn hơn, ông Hưng chia sẻ.

Liên quan đến thủ tục bồi thường đối với xe cơ giới, ông Hưng khẳng định nếu không may xảy ra sự cố, tai nạn, phía Bảo Việt sẽ giải quyết bồi thường theo đúng điều khoản, điều kiện, quy trình bồi thường các quy định trong Nghị định 67. Đồng thời, các thủ tục, quy trình bồi thường đối với xe cơ giới nước ngoài cũng sẽ được thực hiện giống như quy trình bồi thường hiện hành ở nước ta.

“Bảo Việt cam kết sẽ thực hiện bồi thường theo đúng quy trình, trình tự của pháp luật. Công ty cũng sẽ cung cấp số hotline, bố trí bộ phận trực tuyến để hỗ trợ các chủ xe không may gặp tai nạn một cách sớm nhất có thể. Trong những trường hợp bất đồng ngôn ngữ, công ty cũng sẽ có phiên dịch viên để đảm bảo quyền lợi của người dùng”, đại diện Bảo Việt cho biết.

Tuy nhiên, đại diện Bảo Việt thừa nhận ở thời điểm hiện tại, nhận thức về bảo hiểm của nhiều khách hàng vẫn chưa cao. Để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng nên nghiên cứu các điều khoản cụ thể được ban hành trong Nghị định 67 về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, thời gian tạm ứng bồi thường, thời gian giám định,….

ACMI là hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN, được sử dụng làm cơ sở dữ liệu trung tâm để các nước thành viên tham gia hệ thống cấp đơn bảo hiểm. Hệ thống này được sử dụng chính thức tại 10 quốc gia ASEAN và là một hoạt động triển khai thực hiện Nghị định thư số 5 về chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới của ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới ASEAN.

Đồng thời, ACMI sẽ hướng tới kết nối với hệ thống thông quan điện tử hàng hóa quá cảnh ASEAN (ACTS) nhằm tạo cơ chế một cửa điện tử về thủ tục hàng hóa quá cảnh, thúc đẩy thực hiện Hiệp định khung ASEAN về thuận lợi hóa hàng hóa quá cảnh ASEAN (AFAFGIT).

Tin mới lên