Thị trường

Nam Định: Kinh tế biển đóng góp hơn 25% tổng giá trị sản xuất

(VNF) - Vùng kinh tế ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định. Hàng năm, khu vực này đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Nam Định có bờ biển dài 72 km gồm 3 huyện: Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu với 80 xã, thị trấn. Các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hàng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh; các địa phương vùng ven biển luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới đóng góp quan trọng vào thành tích xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Đến nay, tại 3 huyện ven biển đã có 147 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm 58,6% số sản phẩm OCOP toàn tỉnh). Riêng sản phẩm ngao sạch còn được tỉnh hỗ trợ phát triển 500ha thành vùng nuôi ngao liên kết Lenger Farm đủ điều kiện trở thành vùng nuôi đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata (chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững trên toàn thế giới).

Kinh tế biển ở Nam Định đóng góp hơn 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển tại Nam Định những năm gần đây được quan tâm đầu tư, trong đó một số dự án lớn đã hoàn thành hoặc đang triển khai như; tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Thịnh Long, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, Khu Công nghiệp dệt may Rạng Đông… góp phần tạo diện mạo mới, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ven biển.

Dịch vụ cảng biển cũng là thế mạnh của Nam Định. Khu bến Hải Thịnh - Cửa Đáy có thể phục vụ cỡ tàu trọng tải đến 3.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Bến phao, khu neo đậu chuyển tải Ninh Cơ, vị trí vùng nước khu vực ngoài cửa Lạch Giang phục vụ chuyển tải hàng lỏng, hàng rời cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn.

Vừa qua, tỉnh Nam Định đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải bổ sung bến cảng biển chuyên dùng quy mô đến năm 2030 đáp ứng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000 tấn vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 1 giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tài nguyên du lịch vùng ven biển cũng đang được khai thác, đầu tư, phát triển thành các sản phẩm du lịch biển như: Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thuỷ; Du lịch nghỉ dưỡng tại khu du lịch nghỉ mát tắm biển Thịnh Long, Quất Lâm và Rạng Đông. Trong đó, đáng chú ý là dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái biển Quất Lâm. Theo UBND huyện Giao Thủy, điểm du lịch biển thị trấn Quất Lâm được hình thành từ năm 1997. Mỗi năm, nơi này đón hàng vạn lượt khách du lịch về tắm biển, nghỉ dưỡng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Những lợi thế trên của Nam Định giúp thu hút đầu tư vào vùng ven biển và đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Nam Định có 114 dự án đầu tư với tổng số vốn trên 125.000 tỷ đồng và 500 triệu USD. Nam Định phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh.

Nhằm phát huy tối đa thế mạnh, tiềm năng vốn có, đưa Nam Định trở thành địa phương mạnh về biển, làm giàu từ biển, Nam Định đã chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ kinh phí để các địa phương khảo sát, lập và hoàn thành các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ở cấp tỉnh, cấp xã, trong đó có quy hoạch phát triển thủy sản tập trung. 

Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định góp phần tạo diện mạo mới, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ven biển.

Đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích người dân nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế, thích hợp với khí hậu miền biển như: Ngao, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, cá bống bớp... Những loại thủy sản này được người dân lựa chọn để phát triển nhanh thành các vùng nuôi tập trung theo phương thức thâm canh, siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ cao tạo sản lượng thủy sản hàng hóa với quy mô lớn để hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng gắn với quản lý và truy xuất nguồn gốc kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Bên cạnh đó, những năm qua, Nam Định đặc biệt coi trọng phát triển tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và các loại cá đặc sản. Các vùng nuôi ngao thương phẩm của tỉnh được kiểm soát chặt chẽ đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và nguyên liệu cho nhà máy chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ ngao vào thị trường EU…

Theo định hướng chung, Nam Định quyết tâm xây dựng và phát triển các ngành kinh tế vùng ven biển toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao. Trong đó, chú trọng phát triển 4 nhóm ngành gồm: Công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản.

Ngoài ra, Nam Định xác định thu hút các dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường để tạo động lực tăng trưởng.

Tin mới lên