Nâng hạng TTCK: Cú hích mới nâng tầm hội nhập, thu hút vốn ngoại

Mai Lý - 06/04/2024 09:13 (GMT+7)

(VNF) - Nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ giúp thu hút nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mô phỏng theo các bộ chỉ số của FTSE hay MSCI, mà nhìn rộng ra còn thể hiện mức độ hội nhập sâu rộng hơn của kinh tế, sự tiến bộ và uy tín được nâng cao của thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đó giúp cải thiện năng lực thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư gián tiếp từ nước ngoài.

VNF
Ảnh minh hoạ

Hấp dẫn từ nội lực

Tờ Bloomberg mới đây đưa tin, Việt Nam là ứng cử viên hàng đầu để gia nhập hàng ngũ các thị trường mới nổi, khi nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, được công nhận là trung tâm sản xuất toàn cầu. Cùng với sự phát triển về kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã ghi nhận mức tăng hai con số trong ba năm vừa qua.

Thị trường chứng khoán hiện đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Trao đổi với VietnamFinance, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng - Học viện Ngân hàng, cho biết môi trường lãi suất thấp trong nước đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như tạo điều kiện cho việc tăng giá của các tài sản chính. Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới khả năng cao sẽ hạ lãi suất điều hành trong thời gian tới cũng sẽ góp phần thúc đẩy dòng vốn dịch chuyển sang các thị trường có mức tăng trưởng chưa quá nóng như Việt Nam.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cũng đánh giá cao về sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông nhận định thị trường hiện nay không có hiện tượng “bong bóng”, “thổi giá” như trước đây mà đã phản ánh sát hơn diễn biến nền kinh tế thực. Chỉ trong vài tháng đầu năm, mức tăng của thị trường đã gần bằng cả năm ngoái.

Trong bối cảnh triển vọng thị trường được hỗ trợ bởi không ít yếu tố tích cực như trên, Việt Nam cũng đang thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán BSC, trong tháng 3/2024, FTSE sẽ đánh giá và đến tháng 9/2024, có khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE xem xét nâng hạng chính thức.

“Chúng ta đã phải chờ đợi việc nâng hạng từ năm 2018 đến bây giờ. Tuy nhiên, so với các thị trường tương đồng đã được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam hơn cả về quy mô lẫn thanh khoản. Chính vì thế, tôi tin rằng việc nâng hạng sẽ sớm được thực hiện vào tháng 9 năm nay hoặc muộn nhất là tháng 3 năm sau”, TS Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Tuy vậy, để có thể hoàn thành mục tiêu nâng hạng, TS Cấn Văn Lực chỉ ra 2 điểm nghẽn cần giải quyết, đó là vấn đề ký quỹ trước giao dịch và vấn đề sở hữu nước ngoài. Về tiêu chí tỷ lệ sở hữu nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên rà soát lại danh mục, xem xét, xác định rõ lĩnh vực nào nhà nước nên nắm chi phối và ngành nghề nào nên thoái vốn mạnh mẽ hơn nữa để xác định rõ những lĩnh vực cần cởi mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho rằng: “Cần từng bước mở rộng và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài đối với những ngành thực sự liên quan đến an ninh, quốc phòng. Với các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính - ngân hàng, chúng ta vẫn có thể xây dựng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài cho từng tổ chức cụ thể, ví dụ như điều chỉnh tỷ lệ sở hữu để mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao”.

Cú hích hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài

Nâng hạng không chỉ giúp thu hút nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mô phỏng theo các bộ chỉ số của FTSE hay MSCI, mà nhìn rộng ra, theo TS Cấn Văn Lực, việc nâng hạng thể hiện mức độ hội nhập sâu rộng hơn của kinh tế, sự tiến bộ và uy tín được nâng cao của thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đó giúp cải thiện năng lực thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư gián tiếp từ nước ngoài.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nhận định: “Việc Việt Nam được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ làm tăng cường tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam và sẽ là cơ hội lớn để thu hút vốn ngoại”. Tuy nhiên, để có thể tận dụng tốt nguồn vốn gián tiếp này, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho rằng cơ quản quản lý cần quyết liệt, triệt để hơn trong việc nâng cao chất lượng hạ tầng của thị trường phục vụ cho quy mô giao dịch của thị trường có thể gia tăng mạnh khi nâng hạng. Đồng thời, cần có những định hướng về giảm thời gian chờ chứng khoán về tài khoản (tiến tới T+0), cũng như thay đổi các quy định về yêu cầu ký quỹ phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về phía các doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần thống nhất áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán - tài chính quốc tế IFRS theo lộ trình định hướng của Bộ Tài chính từ sau năm 2025 để có thể tương thích với thông lệ kế toán - tài chính thế giới.

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam song việc nâng hạng thị trường chứng khoán cũng dấy lên nỗi lo hệ thống tài chính Việt Nam sẽ gia tăng phụ thuộc vào nguồn vốn ngoại.

Trước quan ngại trên, ông Hùng nhận định rủi ro là có nhưng chưa phải quá lớn ở thời điểm hiện tại. Tuy vậy, để giảm thiểu rủi ro, ông Hùng kiến nghị: “Việt Nam có thể thực hiện một số giải pháp dài hạn phát triển thị trường chứng khoán như hoàn thiện quy định bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, giám sát đối với thị trường nhằm đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của thị trường. Đồng thời, chúng ta cũng cần phát huy được vai trò của nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp, dù là quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, hay là các khoản đầu tư của nhà nước hay địa phương”.

Nhìn rộng hơn, để có thể thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài một cách bền vững và hiệu quả ngoài nâng hạng thị trường chứng khoán, Việt Nam cần cải thiện sức khỏe nội tại của các doanh nghiệp trong nước.

“Ở thời điểm hiện nay, để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần tập trung cải thiện đầu tư của khu vực tư nhân và tiêu dùng trong nước vốn đã bị tổn thương trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên. Cải thiện môi trường kinh doanh cần tập trung vào việc giảm chi phí tuân thủ, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp cũng như gỡ bỏ các rào cản về mặt quy định pháp lý không cần thiết”, ông Hùng nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác