Tài chính quốc tế

NATO tính xây đường ống khí đốt từ Tây Ban Nha đến Đức nhằm giảm phụ thuộc vào Nga

(VNF) - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí nối Catalonia (Tây Ban Nha) với Pháp và Đức nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga, theo tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha.

NATO tính xây đường ống khí đốt từ Tây Ban Nha đến Đức nhằm giảm phụ thuộc vào Nga

NATO tính xây đường ống khí đôt từ Tây Ban Nha đến Đức nhằm giảm phụ thuộc vào Nga.

"Kết nối xuyên bán đảo Iberia để đưa khí đốt và khí đốt hóa lỏng (LNG) của Algeria đến trung tâm châu Âu, có thể được lưu trữ và xử lý bởi 8 nhà máy tái tạo khí đốt ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha", La Vanguardia giải thích, trích dẫn các nguồn tin giấu tên của chính phủ Tây Ban Nha.

Cấu trúc được đề xuất có thể chuyển khoảng 7 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm từ Algeria. Các nguồn tin của La Vanguardia khẳng định đề xuất này đã nằm trên "bàn làm việc" của NATO và Đức "rất quan tâm" đến dự án này.

Đây không phải là một đề xuất mới tuy nhiên đã nhiều lần bị các cơ quan quản lý của Tây Ban Nha và Pháp từ chối vì có khả năng không sinh lợi do châu Âu có kế hoạch đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này thông qua việc sử dụng năng lượng xanh.

Các báo cáo về một đường ống mới được mang ra thảo luận trở lại sau một năm châu Âu lâm vào khủng hoảng năng lượng. Giá năng lượng tại châu Âu không ngừng đạt mức kỷ lục mới đã khiến các nhà tiêu thụ điện và khí đốt lớn nhất trong khu vực chịu thiệt hại nặng nề, đồng thời đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế.

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu dự kiến sẽ trầm trọng hơn vào năm 2022 khi thời tiết được dự báo trở nên khắc nghiệt hơn và một số nhà máy điện hạt nhân hàng đầu của Pháp đang gặp sự cố buộc phải đóng cửa. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là sản xuất điện gió, lại cho hiệu quả thấp.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom mới đây tung số lượng khảo sát cho biết người tiêu dùng châu Âu đã tiêu thụ hết 40,5 tỷ m3 khí đốt, tương đương với 85% lượng khí đốt tự nhiên được cung cấp cho các cơ sở lưu trữ trong mùa Hè tới đây.

Trong khi đó, dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với công suất 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm đã hoàn thành nhưng chưa được hoạt động do chưa được cấp phép.

Dự án này có thể trở thành nạn nhân của các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra xung quanh tại biên giới Nga – Ukraine.

La Vanguardia cho biết Đức tỏ ra rất quan tâm đến dự án đường ống khí đốt từ Tây Ban Nha đến Đức trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) gọi sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt của Nga là "một trong những điểm yếu địa chiến lược của EU".

Xem thêm >> Bloomberg: Nga đã xây dựng ‘pháo đài tài chính’ đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây

Tin mới lên