Tài chính quốc tế

Nền kinh tế Trung Quốc 'sa lầy' trong cuộc khủng hoảng 4D

(VNF) - Nền kinh tế trị giá 17,67 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đang phải đối mặt với khủng hoảng 4D, bao gồm debt (nợ nần), deflation (giảm phát), de-risking (giảm thiểu rủi ro) và demographics (nhân khẩu học).

Nền kinh tế Trung Quốc 'sa lầy' trong cuộc khủng hoảng 4D

Ảnh minh họa.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 đạt 5,2%, đạt mục tiêu đề ra và vượt xa mức tăng trưởng của nhiều nước phương Tây. Tuy vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa thực sự ổn định trở lại sau những cú sốc liên tiếp, theo SCMP.

Bất động sản cùng với các lĩnh vực liên quan như xây dựng, vật liệu hay thiết bị gia dụng từng chiếm khoảng ¼ sản lượng kinh tế của Trung Quốc đã sa sút đáng kể trong những năm gần đây. Cuộc khủng hoảng nợ tại các nhà phát triển bất động sản lớn như Evergrande và Country Garden lại làm ngành trụ cột của kinh tế Trung Quốc tồi tệ hơn.

Đầu tư phát triển bất động sản của Trung Quốc đã giảm 9,6% trong năm 2023. Tổng diện tích xây dựng giảm 1,5% và tổng doanh thu giảm 6,5%, xuống còn 11,66 nghìn tỷ NDT.

Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, giá trị gia tăng của lĩnh vực bất động sản chiếm 5,8% GDP vào năm ngoái, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sa sút trong nhiều năm qua.

Căng thẳng vẫn tiếp tục khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng 4 chữ D, bao gồm debt (nợ nần), deflation (giảm phát), de-risking (giảm thiểu rủi ro) và demographics (nhân khẩu học). Nền kinh tế 17,67 nghìn tỷ USD vì thế có thể sẽ tiếp tục “sa lầy” trong năm 2024 này.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ nền kinh tế kể từ mùa hè năm ngoái, bao gồm chính sách thu hút các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài, tung trái phiếu kho bạc đặc biệt trị giá 1.000 tỷ NDT vào tháng 10/2023,…

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh, các chính sách này vẫn chưa thể chuyển hóa thành động lực tăng trưởng bền vững.

Trung Quốc đã nói rất nhiều về việc hỗ trợ các công ty tư nhân và chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Thế nhưng theo dữ liệu mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia (NBS), đầu tư tư nhân đã giảm 0,4% trong năm ngoái.

Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc đạt tổng cộng 1,1 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2023, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước đó. Vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất giảm 1,8% trong khi vốn FDI vào lĩnh vực dịch vụ giảm 13,4%. Điều này cho thấy niềm tin của lĩnh vực tư nhân tại Trung Quốc ngày càng giảm dần.

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn phải đối mặt với gánh nặng nợ nần đang khiến chính quyền địa phương và các nhà phát triển “đau đầu”.

Chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc đang bị nợ nần bủa vây. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi doanh thu từ thuế giảm và doanh số nhà đất sụt giảm mạnh.

Theo Bộ Tài chính, khoản nợ của các địa phương ở Trung Quốc đã lên tới 40,6 nghìn tỷ NDT vào cuối tháng 11/2023, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc phải đối mặt với gánh nặng nợ nần.

Tổng quy mô nợ của những phương tiện tài chính do các chính quyền địa phương phát hành (local government financing vehicle, LGFV) lên tới 55 – 65 nghìn tỷ NDT trong quý III năm ngoái, theo Mizuho Securities Asia. Theo JPMorgan, trong hai năm qua, khoảng 50 nhà phát triển đại lục đã vỡ nợ.

Phát biểu tại hội nghị tài chính cấp cao mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc đang phải đối mặt với những nhiệm vụ cấp bách trong nỗ lực giải quyết các rủi ro tài chính khác nhau. Đồng thời ông yêu cầu các cơ quan quản lý làm rõ trách nhiệm của họ và chung tay thực hiện chiến dịch giảm thiểu rủi ro của quốc gia.

“Tất cả các địa phương phải lập kế hoạch dựa trên tình hình chung, thực hiện quản lý rủi ro và duy trì sự ổn định”, ông nói.

Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 12 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước đó, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp. Áp lực giảm phát ngày càng rõ rệt hơn khi chỉ số giá sản xuất giảm tháng thứ 15 liên tiếp trong tháng 12 và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Trung Quốc có thể rơi vào vòng xoáy đình trệ giống như Nhật Bản.

Ông Yao Yang, giám đốc Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết, áp lực giảm phát bất chấp chính sách nới lỏng tiền tệ đồng nghĩa với việc Trung Quốc vẫn đang thiếu cầu vẫn nghiêm trọng.

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm mạnh.

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc cũng đang giảm nhanh chóng, với dân số giảm 2,08 triệu người xuống còn 1,4097 tỷ người vào năm 2023, cao hơn nhiều so với mức giảm 850.000 người của năm 2022.

Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm 5,6% xuống mức thấp nhất mọi thời đại vào năm 2023. Trong khi đó, khoảng 11 triệu người Trung Quốc chết vào năm 2023, đẩy tỷ lệ tử vong lên mức cao nhất trong 5 thập kỷ.

Tác động dây chuyền của việc dân số ngày càng giảm và già đi nhanh chóng khiến lợi tức nhân khẩu học giảm dần. Điều này dự kiến ​​sẽ có tác động sâu rộng đến nguồn cung lao động, tiêu dùng, lợi ích an sinh xã hội và triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong những năm tới.

Tin mới lên