Tiêu điểm

'Nếu thực sự chưa cấp bách, đừng ban hành quy định mới'

(VNF) - Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội cho rằng "Nếu thực sự chưa cấp bách, đừng ban hành quy định mới. Nếu phải ban hành quy định thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp quy định để doanh nghiệp có thời gian ổn định sức khỏe và chuẩn bị phương án tuân thủ".

'Nếu thực sự chưa cấp bách, đừng ban hành quy định mới'

Để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, các chuyên gia cho rằng cải cách thể chế quan trọng hơn chính sách tài khóa và tiền tệ ngắn hạn.

Gánh nặng chi phí của doanh nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, chính sách tài khoá hiện được doanh nghiệp đồng tình nhưng ngoài ra các phần như bảo hiểm xã hội, công đoàn… doanh nghiệp phải đóng hơn 30% cho các chi phí này là gánh nặng, làm doanh nghiệp phải sa thải bớt lao động trong bối cảnh khó khăn.

Do đó, ông Cường nhấn mạnh: "Chúng ta phải phân tích kỹ và tính đến giãn hoãn, thậm chí cắt giảm các chi phí này".

Bên cạnh đó, theo phản ánh của các chuyên gia, chi phi của DN tăng lên một phần là do có nhiều quy định không phù hợp, nhiều nơi thắt chặt quản lý một cách thái quá.

Ông Cường cho rằng: "Khi bên ngoài khó khăn chúng ta phải nới lỏng các điều kiện bên trong. Tôi cảm nhận thời gian vừa qua, trong bối cảnh thế giới bên ngoài khó bên trong cũng “thắt”. Nhiều vấn đề kiểm soát khiến doanh nghiệp không biết phải làm sao. Đúng là phải kiểm soát các quy chuẩn nhưng cần nới lỏng các vấn đề về quản lý trong một chừng mực nào đó.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chia sẻ, cần phải tiếp tục cải cách thể chế. Việc cải cách không chỉ đơn giản thủ tục hành chính mà còn hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh. Cần tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí đối với doanh nghiệp".

"Nếu thực sự chưa cấp bách, đừng ban hành quy định mới. Nếu phải ban hành quy định thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp quy định để doanh nghiệp có thời gian ổn định sức khỏe và chuẩn bị phương án tuân thủ", ông Hiếu khuyến nghị

Lập cơ quan độc lập giám sát cải cách

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: để tháo gỡ những khó khăn, mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp trong thời gian tới, cải cách thể chế là điều tiên quyết, cần có những chính sách mang tính căn cơ, lâu dài.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu khẳng định: Chúng ta phải tiếp tục cải cách thể chế bởi cải cách thể chế còn quan trọng hơn cả chính sách tài khóa và tiền tệ trong ngắn hạn,

"Đặc biệt, về lâu dài nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên. Theo kinh nghiệm thế giới, cải cách thể chế nếu chỉ xuất phát đơn lẻ, bột phát từ chính các cơ quan ban hành thể chế sẽ không hiệu quả. Để thực hiện hiệu quả, nhiều nước trên thế giới đều thành lập cơ quan độc lập có thẩm quyền thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng với chức năng giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế, được trao thẩm quyền mạnh. Trong tình hình Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới, cần nghiên cứu đề xuất thành lập cơ quan tương ứng như vậy để cải cách thể chế bền vững, hiệu quả, thường xuyên", ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Theo bà Minh trong bối cảnh hiện nay, trước mắt chúng ta phải xử lý rất nhiều câu chuyện liên quan đến thể chế. 

“Trước đó, Quốc hội đã thông qua một luật sửa 8 luật, đây là một bước tiến rất lớn. Tuy nhiên, khi nhìn nhận trên thực tế, hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề về đất đai, môi trường, xây dựng còn sự chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, những sửa đổi trước đó dường như là chưa đủ, chúng ta sẽ cần tiếp tục công tác rà soát, sửa đổi thể chế để đưa ra những đề xuất sửa đổi, hoàn thiện tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn. Luật pháp là cái nôi, là khung khổ, xương sườn của nền kinh tế, của quốc gia, nếu có sự chồng chéo, mâu thuẫn, quá trình vận hành thì sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp…”, bà Minh bày tỏ.

Tin mới lên