(VNF) - Reuters mới đây đưa tin Nga đã đề nghị mua lại trái phiếu đáo hạn vào tuần tới bằng đồng ruble. Động thái này được các nhà phân tích cho là một phương thức giúp các chủ nợ nhận được khoản thanh toán trị giá 2 tỷ USD, đồng thời giảm bớt gánh nặng trả nợ bằng đồng nội tệ của nước này.
Được biết, Bộ Tài chính Nga đưa ra đề nghị mua lại với trái phiếu châu Âu đáo hạn vào ngày 4/4 tới đây, cũng là khoản thanh toán nợ lớn nhất của Nga trong năm nay, sau các động thái của phương Tây nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này.
Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 29/3, Bộ Tài chính Nga cho biết trái phiếu, được phát hành vào năm 2012, sẽ được mua lại với giá tương đương 100% giá trị danh nghĩa của chúng.
Việc mua lại trái phiếu sẽ làm giảm quy mô tổng thể của trái phiếu đang lưu hành khi nó đáo hạn vào ngày 4/4.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu số tiền chính phủ Nga dùng để mua lại trái phiếu có bị hạn chế không, và điều gì sẽ xảy ra nếu các chủ nợ không đồng ý đấu thầu số trái phiếu đang nắm giữ.
Bộ Tài chính Nga không cung cấp thông tin về các chủ nợ nắm giữ trái phiếu châu Âu sắp tới hạn, tuy nhiên, theo dữ liệu của Refinitiv, các nhà quản lý tài sản lớn như Brandywine, Axa, Morgan Stanley Investment Management, BlackRock là những chủ nợ của đợt đáo hạn này.
Theo điều khoản phát hành của trái phiếu, việc hoàn trả phải được thực hiện bằng USD, không có điều khoản thanh toán bằng các loại tiền tệ thay thế. Trái phiếu có thời gian ân hạn 30 ngày. Việc hoàn trả khi đáo hạn bằng đồng ruble có thể làm dấy lên viễn cảnh vỡ nợ một lần nữa với Nga.
Theo giới phân tích và đầu tư, động thái đề nghị mua lại trái phiếu được đưa ra để thăm dò xem liệu các chủ nợ có chấp nhận đồng ruble trong bối cảnh Moscow bị hạn chế thanh toán bằng đồng USD hay không.
"Đây là một đề nghị chào mua, chưa phải là quyết định cuối cùng rằng những trái phiếu này sẽ được thanh toán bằng đồng ruble. Có lẽ, các nhà chức trách Nga muốn đánh giá mức độ sẵn sàng chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble của các nhà đầu tư?" Nhà phân tích tín dụng Himanshu Porwal của Seaport Global nghi vấn.
Trong khi đó, Tim Ash của BlueBay Asset Management cho rằng biết động thái này là một phần trong chiến dịch của ngân hàng trung ương và Bộ tài chính Nga "nhằm chống vỡ nợ và ổn định thị trường cũng như đồng ruble".
Kaan Nazli, giám đốc đầu tư tại Neuberger Berman, cho biết: "Hiện tại, tất cả mọi người, cả ở trong và ngoài Nga, đều muốn USD, vì vậy tôi cho rằng chỉ những chủ nợ trong nước và các ngân hàng địa phương có vấn đề với các lệnh trừng phạt mới sử dụng hoạt động này".
Ông Nazli cũng khẳng định chưa từng thấy một vụ mua lại nào chuyển đổi đồng tiền hoàn trả, lưu ý thêm rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không hứng thú với đề nghị của Nga vì đồng ruble "không còn là một loại tiền tệ có thể chuyển đổi được nữa."
Trong một diễn biến liên quan, ngày 29/3, Bộ Tài chính Nga thông báo đã thanh toán đầy đủ cho một trái phiếu châu Âu năm 2035 trị giá 102 triệu USD. Đây là khoản thanh toán thứ 3 của Moscow từ sau khi bị phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt khiến một phần dự trữ ngoại hối khổng lồ của nước này bị đóng băng.
Ngoài khoản đáo hạn 2 tỷ USD sắp đến hạn, Nga cũng sẽ phải thanh toán 84 triệu USD cho một trái phiếu năm 2042 vào cùng ngày 4/4. Lần thanh toán sau đó của Nga là vào ngày 31/3, khi khoản thanh toán 447 triệu USD đến hạn.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone