Nga phá thế cô lập, đón hơn 20 nguyên thủ dự hội nghị thượng đỉnh BRICS

Vy Ba - 22/10/2024 17:28 (GMT+7)

(VNF) - Nga đã mời hàng chục nhà lãnh đạo thế giới, cùng với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS+ nhằm chứng tỏ rằng Moscow không bị cô lập trên trường quốc tế vì chiến sự ở Ukraine.

Nga phá thế cô lập

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày của nhóm BRICS mới mở rộng sẽ khai mạc vào ngày 22/10 (theo giờ địa phương) tại thành phố Kazan ở phía tây nam nước Nga.

Theo truyền thông địa phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón các lãnh đạo đến từ 36 nước, trong đó có 22 nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo 6 tổ chức quốc tế như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tham dự hội nghị.

Thủ tướng Ấn Độ Modi được chào đón bằng bánh khi đến sân bay Kazan (Ảnh: Maksim Blinov/REUTERS)

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức kể từ khi nhóm BRICS mở rộng vào năm 2023 và cũng là cơ hội để Điện Kremlin chứng minh rằng bất kỳ sự cô lập chính trị nào đối với Nga trong bối cảnh nước này đưa quân tới Ukraine sẽ không vượt quá biên giới NATO.

Các đối tác quốc tế lớn của Nga như nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh, đây là cuộc gặp quốc tế lớn nhất do Nga tổ chức kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra vào năm 2022.

Trước khi khởi hành đến Kazan, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khẳng định rằng Ấn Độ "rất coi trọng BRICS".

"Tôi mong muốn được thảo luận sâu rộng về nhiều chủ đề khác nhau. Tôi cũng mong muốn được gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo khác nhau ở đó", ông Modi nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Kazan vào sáng 22/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lâm Kiện phát biểu tại cuộc họp báo rằng hội nghị thượng đỉnh năm nay đánh dấu "sự khởi đầu cho sự hợp tác lớn hơn giữa BRICS".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Kazan ngày 22/10 (Ảnh: Alexei Danichev/REUTERS)

Người phát ngôn nói thêm rằng ông Tập sẽ có "cuộc trao đổi sâu rộng" về quan điểm với các nhà lãnh đạo khác về "bối cảnh quốc tế, hợp tác thực tế của BRICS, sự phát triển của cơ chế BRICS và các vấn đề quan trọng mà các bên cùng quan tâm".

"Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các bên khác để phấn đấu vì sự phát triển ổn định và bền vững của hợp tác BRICS, mở ra kỷ nguyên mới cho Nam Bán cầu tìm kiếm sức mạnh thông qua sự đoàn kết và cùng nhau thúc đẩy hòa bình và phát triển thế giới", ông nói.

95% thương mại của Nga hiện không dùng USD

Phát biểu trong cuộc họp báo trước trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Tổng thống Nga Putin đã chỉ trích lệnh trừng phạt của Mỹ hạn chế quyền tiếp cận của Nga đối với đồng USD, lưu ý rằng những hành động này đang gây ra sự dịch chuyển toàn cầu khỏi đồng tiền Mỹ.

“Tất cả các quốc gia trên thế giới hiện đang cân nhắc liệu có nên sử dụng đồng USD hay không nếu Mỹ hạn chế việc sử dụng đồng USD như một đơn vị thanh toán quốc tế phổ biến vì những cân nhắc chính trị”, ông Putin phát biểu trong cuộc họp báo của BRICS.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS tại Moscow, Nga, ngày 18/10/2024. (Ảnh: AP/Alexander Zemlianichenko)

“Khối lượng sử dụng USD đang giảm dần từng chút một trong thanh toán và dự trữ”, ông Putin mô tả, đồng thời nói thêm rằng ngay cả các đồng minh truyền thống của Mỹ cũng đang giảm dự trữ USD của họ do hậu quả này.

Nhà lãnh đạo Nga cũng chỉ ra Trung Quốc là một quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt. “Những gì đang xảy ra với Trung Quốc là lệnh trừng phạt này nối tiếp lệnh trừng phạt khác. Và điều này không liên quan đến chính trị, điều này liên quan đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc và nỗ lực cản trở sự tăng trưởng này bằng nhiều lệnh trừng phạt khác nhau, có động cơ chính trị”, ông Putin nhấn mạnh.

Tổng thống Nga cho hay những hạn chế này đã khiến Nga chuyển 95% hoạt động giao dịch với các đối tác nước ngoài sang các loại tiền tệ quốc gia.

“Về mặt tài chính, chúng tôi không từ bỏ đồng USD như một loại tiền tệ phổ biến, chúng tôi đã bị từ chối sử dụng nó. Nhưng hiện nay 95% hoạt động thương mại nước ngoài của Nga đang được thực hiện với các đối tác của chúng tôi bằng tiền tệ quốc gia", ông Putin cho hay.

Người đứng đầu Điện Kremlin bác bỏ dự báo của phương Tây rằng nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ do hậu quả của việc từ bỏ đồng USD.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS vào cuối tuần trước, ông Putin đã thảo luận về ảnh hưởng kinh tế toàn cầu ngày càng tăng của các quốc gia BRICS.

Theo ông Putin, các nước BRICS đã đóng góp hơn 40% vào tăng trưởng GDP toàn cầu trong những thập kỷ gần đây, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình dự kiến ​​là 4% trong năm nay, so với chỉ 1,7% của các nước G7.

Ông cũng lưu ý rằng các nước BRICS thống trị các thị trường chính như năng lượng, kim loại và thực phẩm, những thị trường thiết yếu cho sự phát triển toàn cầu bền vững.

Hơn nữa, cơ quan báo chí của Điện Kremlin ngày 21/10 tiết lộ rằng Nga và Iran đã chuyển sang sử dụng tiền tệ quốc gia cho hơn 96% các khoản thanh toán chung.

Theo DW
BRICS kiểm soát hơn 21% dự trữ vàng của thế giới, Nga – Trung chiếm phần lớn

BRICS kiểm soát hơn 21% dự trữ vàng của thế giới, Nga – Trung chiếm phần lớn

Tài chính quốc tế
(VNF) - Một báo cáo gần đây từ Hội đồng Vàng Thế giới tiết lộ rằng các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) nắm giữ hơn 21% dự trữ vàng của thế giới. Kho dự trữ đáng kể này thể hiện sức mạnh kinh tế đang gia tăng và ảnh hưởng của các nền kinh tế mới nổi này.
Cùng chuyên mục
Tin khác