Tài chính quốc tế

Nga xuất khẩu mạnh khí đốt sang châu Âu, LNG sang châu Á

(VNF) - Nga vẫn thu được nguồn tiền lớn từ xuất khẩu khí đốt qua đường ống tới châu Âu và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tới châu Á do nhu cầu tăng cao trên khắp các lục địa trong bối cảnh nắng nóng kéo dài.

Nga xuất khẩu mạnh khí đốt sang châu Âu, LNG sang châu Á

Gazprom đã cung cấp khoảng 2,7 tỷ mét khối khí đốt (Bcm) cho châu Âu (ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ) trong tháng 7.

Theo tập đoàn thông tin năng lượng (Energy Intelligence Group) của Mỹ, tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom đã cung cấp khoảng 2,7 tỷ mét khối khí đốt (Bcm) cho châu Âu (ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ) trong tháng 7, tăng 34% so với tháng 6, và là mức cao nhất trong 11 tháng.

Gazprom đã ngừng vận chuyển khí đốt qua tuyến Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) vào cuối tháng 8 năm ngoái và tiếp tục chỉ sử dụng hai tuyến đường ống dẫn khí tới châu Âu, một là đường ống quá cảnh qua Ukraine và đường ống Turk Stream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ).

Sở dĩ xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu trong tháng 7 đã chạm đỉnh trong vòng 11 tháng là nhờ sự gia tăng mạnh của dòng chảy Turk Stream cung cấp cho phía Nam và phía Đông của châu Âu. Sự gia tăng một phần do đợt nắng nóng kéo dài đã thúc đẩy nhu cầu hạ nhiệt ở miền Nam và miền Trung châu Âu.

Trong khi dòng chảy qua Ukraine chỉ tăng 3,9% trong tháng trước, thì xuất khẩu qua Turk Stream đã tăng 82% trong cùng thời điểm và tăng 5% trong năm lên khoảng 1,4 tỷ mét khối khí (Bcm).

Cụ thể, dòng chảy khí đốt qua Turk Stream sang Hungary và Hy Lạp cũng ghi nhận mức cao kỷ lục, lần lượt là 67% (đạt 620 triệu mét khối khí mỗi ngày - MMcm) và 94% (khoảng 190 triệu MMcm) so với tháng trước.

Chỉ tính riêng ngày 1/8, công suất vận chuyển khí đốt sang châu Âu của Turk Stream cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục 50,9 MMcm/ngày, theo dữ liệu truyền tải.

Bên cạnh đó, Nga cũng tăng cường xuất khẩu LNG sang châu Á trong bối cảnh nhiều khu vực ở Bắc Á trong những tuần gần đây vật lộn với những đợt nắng nóng, trong đó Hàn Quốc lần đầu tiên nâng cảnh báo thời tiết nóng lên cao nhất trong 4 năm khi nhiều khu vực ở nước này có nhiệt độ trên 38 độ C.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặt biệt tại Ukraine, nhiều quốc gia phương Tây đã chung tay trừng phạt Moscow bằng cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga. Tuy nhiên thời tiết năng nóng kéo dài và khô hạn buộc các nước trong khu vực phải đảm bảo có đủ than và khí đốt để duy trì nguồn điện. Lúc này, nguồn năng lượng của Nga trở thành lựa chọn khả dĩ.

Nhà máy Yamal của tập đoàn Novatek của Nga đã cung cấp 650.000 tấn tấn LNG cho châu Á vào tháng trước, tăng từ mức 370.000 tấn trong tháng 6.

Xem thêm >> Vẫn bám trụ ở Nga, doanh nghiệp phương Tây đang chơi ‘canh bạc đầy rủi ro’

Tin mới lên