Ngân hàng nói phải bù lỗ vài trăm tỷ mỗi năm trước khi tăng phí SMS

Quang Thắng - 21/02/2022 21:25 (GMT+7)

Giải thích quyết định điều chỉnh cách tính phí dịch vụ SMS Banking, các ngân hàng cho biết đang phải bù lỗ trong hoạt động này vì các nhà mạng thu cước tin nhắn SMS quá cao.

VNF
Các ngân hàng cho biết đang phải bù lỗ dịch vụ SMS Banking cho các khách hàng. Ảnh: Duy Hiệu.

Ngân hàng đã phát đi thông báo điều chỉnh phí dịch vụ tin nhắn biến động số dư (SMS Banking) từ cuối năm 2021, nhưng đến kỳ thanh toán phí dịch vụ tháng 1/2022 vừa qua, nhiều khách hàng có tài khoản thanh toán tại Vietcombank và BIDV mới biết tới chính sách thu phí mới này.

Trong đó, thay vì thu phí cố định 5.000-10.000 đồng/tháng (chưa bao gồm VAT) như trước, các nhà băng này đều điều chỉnh thu phí dịch vụ SMS Banking theo số lượng tin nhắn khách hàng nhận mỗi tháng.

Cụ thể, Vietcombank thay đổi từ mức cố định 10.000 đồng/tháng thành 10.000 đồng nếu nhận dưới 20 SMS; từ 20 đến dưới 50 SMS tính phí 25.000 đồng; từ 50 đến dưới 100 SMS tính 50.000 đồng và từ 100 SMS trở lên tính 70.000 đồng.

Tương tự, BIDV thay đổi biểu phí từ mức 9.000 đồng/tháng cố định thành 9.000 đồng với 0-15 SMS; 30.000 đồng với 16-50 SMS; 55.000 đồng với 51-100 SMS và 70.000 đồng với 101 SMS trở lên.

Tạm tính theo biểu phí trên, các ngân hàng dự thu khoảng 875 đồng/SMS gửi về cho khách hàng.

Thực tế, mức thu này đã tăng mạnh so với biểu phí trước đó, nhưng chỉ tương đương so với số tiền ngân hàng phải trả cho các nhà mạng khi thực hiện gửi tin nhắn Brandname.

Theo tìm hiểu, trước khi thông báo điều chỉnh cách tính phí dịch vụ SMS Banking kể trên, các ngân hàng đã nhiều lần cho biết đang phải bù lỗ dịch vụ này.

Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), giá cước các nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng hiện cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường.

Trong đó, MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/SMS giao dịch tài chính; 500 đồng/SMS quảng cáo chăm sóc khách hàng. Tương tự, Viettel thu 500 đồng/SMS (không phân biệt loại tin nhắn), và từ năm 2019, nhà mạng này đã nâng giá cước lên 785 đồng/SMS đối với tin nhắn giao dịch tài chính.

Trong khi đó, với khách hàng cá nhân, Viettel hiện thu 100-300 đồng/SMS, Vinaphone thu 99-350 đồng/SMS, Mobifone thu 200-350 đồng/SMS.

Ước tính, một ngân hàng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15-20 triệu SMS, trong khi ngân hàng tầm trung trở lên là 50-80 triệu SMS mỗi tháng. Tạm tính theo giá kể trên, một ngân hàng quy mô nhỏ sẽ phải trả cho doanh nghiệp viễn thông 7,5-9 tỷ đồng/tháng, trong khi số phải trả của ngân hàng tầm trung trở lên là 25-40 tỷ đồng.

Theo phân tích từ các nhà băng, trong cơ cấu thu từ khách hàng, phí SMS Banking (trước điều chỉnh) ở mức thấp 5.000-10.000 đồng (chưa bao gồm VAT) và chỉ thu 1 lần mỗi tháng. Thậm chí, nhiều ngân hàng đang áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng.

Với mỗi giao dịch chuyển tiền/thanh toán, ngân hàng đều cần gửi ít nhất 2 tin nhắn cho khách hàng (mã OTP và biến động số dư sau giao dịch).

Theo đó, một ngân hàng miễn phí cho khách đang phải chi trả và chịu lỗ phí tin nhắn bình quân 1.640 đồng/giao dịch thanh toán. Bình quân, mỗi khách hàng có 15-20 giao dịch/tháng, tương đương 25-30 SMS/tháng, tiêu tốn khoảng 20.000-25.000 đồng/tháng phí tin nhắn của ngân hàng.

Như tại BIDV, lượng SMS gửi khách hàng tại đây tăng liên tục qua các năm (365,58 triệu tin năm 2017; 473,62 triệu tin năm 2018 và 635,48 triệu tin năm 2019). Riêng 5 tháng đầu năm 2020 là 320,38 triệu SMS.

Ước tính, tổng giai đoạn 2017 đến 5 tháng đầu năm 2020, ngân hàng này gửi xấp xỉ 1,9 tỷ SMS tới khách hàng, tiêu tốn gần 1.200 tỷ đồng chi phí. Trong năm 2020 trước đó, nhà băng này ước tính bù lỗ khoảng 500 tỷ đồng cho dịch vụ này, mức bù lỗ các năm trước đó cũng lên tới vài trăm tỷ.

Theo thống kê của VNBA, với số lượng tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động lên tới cả trăm đơn vị, chi phí viễn thông cả hệ thống ngân hàng trả cho các nhà mạng lên tới vài nghìn tỷ/tháng.

Theo Zingnews
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.