Ngân hàng siết cho vay, doanh nghiệp sẽ tăng phát hành trái phiếu lấy tiền phục hồi sau dịch?
Thanh Long -
28/05/2020 10:16 (GMT+7)
(VNF) - Mirae Asset cho rằng các doanh nghiệp sẽ cần vay vốn để hồi phục sau dịch. Lựa chọn sẽ là tăng phát hành trái phiếu do ngân hàng đang thắt chặt điều kiện cho vay.
Theo tổng kết của Công ty Chứng khoán Mirae Asset trong báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp công bố mới đây, 4 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp đã phát hành hơn 60.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2019.
So với 4 tháng đầu năm 2019, đã có nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực mới phát hành trái phiếu như Hàng gia dụng, Thực phẩm, đồ uống, Năng lượng và Bán lẻ. Nhìn chung, một số nhóm ngành như Ngân hàng, Bất động sản vẫn là các nhóm các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu lớn trên thị trường.
Doanh nghiệp chưa niêm yết vẫn là nhóm phát hành trái phiếu chính. Dù vậy, so với cùng kỳ năm 2019, tổng giá trị phát hành của các doanh nghiệp chưa niêm yết giảm 16,4%, trong khi giá trị phát hành của doanh nghiệp niêm yết tăng 27,8%.
Kỳ hạn phát hành bình quân ở mức 5 năm. Ngành Tiện ích là ngành có kỳ hạn trái phiếu bình quân cao nhất, lên đến 12,23 năm, kỳ hạn dài cũng thể hiện tính chất dài hạn của các dự án trong lĩnh vực này, chủ yếu là các dự án phát triển nguồn điện.
Mức lãi suất trung bình của các ngành phổ biến ở quanh vùng 10%. Mức lãi suất bình quân thấp nhất thuộc về ngành Ngân hàng với mức trung bình 7,1%. Ngoài ra, ngành Bán lẻ và Vật liệu cũng có mức lãi suất bình quân tương đối thấp so với thị trường chung, lần lượt ở mức 8% và 9%. Mức lãi suất cao nhất ghi nhận được trong 4 tháng đầu năm là 13%/năm.
"Chúng tôi nhận thấy phần bù rủi ro cho trái phiếu doanh nghiệp gia tăng, đặc biệt là đối với các nhóm ngành như Dịch vụ tài chính, Bất động sản, Hàng hóa chủ chốt, Du lịch khách sạn, Thực phẩm đồ uống", nhóm chuyên gia của Mirae Asset nhận định.
Theo Mirae Asset, trong 4 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp đều chậm lại do tác động của dịch Covid-19. Do đó, nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp cũng hạn chế. Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quy mô phát hành trong 4 tháng đầu năm 2020 tương đương lượng phát hành trong cùng kỳ 2019.
Nhu cầu vay vốn thấp cũng được phản ánh qua bức tranh tín dụng ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức thấp nhất trong nhiều trở lại đây, 4 tháng đầu năm chỉ tăng 1,42% so với cuối năm 2019.
Mirae Asset dự báo doanh nghiệp sẽ cần vay vốn để hồi phục sau dịch. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tăng phát hành trái phiếu do ngân hàng đang thắt chặt điều kiện cho vay.
Lý giải thêm, nhóm chuyên gia cho biết nhìn chung, một doanh nghiệp có nhu cầu về vốn sẽ có thể tiếp cận qua: vay vốn ngân hàng, huy động trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu. "Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại, chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tăng huy động vốn qua kênh trái phiếu", Mirae Asset cho hay.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán này quan sát thấy có sự dịch chuyển từ thị trường vốn sang thị trường nợ. Theo đó, tỷ trọng huy động vốn từ kênh trái phiếu so với tổng vốn huy động từ cả hai thị trường tăng đáng kể từ mức 2% năm 2013 lên 64,6% năm 2019, lên mức 83,7% trong 4 tháng đầu năm 2020.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.