Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Lãi suất trái phiếu chính phủ xuống đáy 2 năm, TPBank tăng vốn lên 10.717 tỷ

(VNF) - Sacombank công bố kết quả kinh doanh quý III/2020; lãi suất trái phiếu chính phủ xuống mức thấp nhất 2 năm; lãi suất vay mua nhà về mặt bằng thấp nhất 10 năm; TPBank chốt phương án tăng vốn lên gần 10.717 tỷ đồng… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: Lãi suất trái phiếu chính phủ xuống đáy 2 năm, TPBank tăng vốn lên 10.717 tỷ

TPBank chốt phương án tăng vốn lên gần 10.717 tỷ đồng là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần vừa qua.

9 tháng vượt khó của Sacombank

Lũy kế 9 tháng năm 2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đạt lợi nhuận trước thuế 2.325 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét riêng quý III, lợi nhuận trước thuế giảm 13%.

Giảm lợi nhuận trong bối cảnh đặc biệt của dịch Covid-19, nhất là đối với một ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu như Sacombank, không phải là điều gây ngạc nhiên. Thậm chí, so với kế hoạch lợi nhuận cả năm giảm 20%, mức giảm 6,6% trong 9 tháng cho thấy ngân hàng này đang làm tốt hơn kế hoạch.

Trên thực tế, lợi nhuận của ngân hàng này sụt giảm là do gia tăng mạnh trích lập dự phòng chứ không phải do hoạt động kinh doanh cốt lõi đi xuống.

Lượng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong 9 tháng là 2.852 tỷ đồng, tăng tới 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý III, lượng trích lập tăng gấp đôi. Cùng với đó, Sacombank cũng gia tăng chi phí dự phòng các khoản phải thu thêm 10%, lên 394 tỷ đồng.

Việc gia tăng mạnh trích lập dự phòng giúp ngân hàng này tạo thêm nguồn lực để xử lý nợ xấu nói riêng và tài sản xấu nói chung.

Ước tính cho thấy tỷ lệ nợ xấu của Sacombank (bao gồm nợ xấu nội bảng và giá trị trái phiếu chưa dự phòng tại VAMC) đã giảm từ mức 10,88% thời điểm cuối năm 2019 xuống mức 9,67% thời điểm cuối tháng 9/2020. Nếu không tính đến yếu tố trích lập dự phòng, hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn tăng trưởng tốt.

>>> Xem thêm: 9 tháng vượt khó của Sacombank

Lãi suất trái phiếu chính phủ xuống mức thấp nhất 2 năm

Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức gọi thầu tại 4 loại kỳ hạn: 5 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm. Khối lượng gọi thầu cho 4 loại kỳ hạn trên lần lượt ở mức 2.000 tỷ, 4.000 tỷ, 1.500 tỷ và 1.500 tỷ đồng.

BVSC nhận định mặc dù tỷ lệ trúng thầu đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm trong 2 tuần gần đây, khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành sau gần 10 tháng đã đạt tới 99% kế hoạch của năm 2020. Diễn biến này cho thấy nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ của KBNN vẫn còn lớn.

Theo BVSC, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2020 dự báo sẽ cao hơn kế hoạch đề ra (đạt khoảng 5% GDP so với kế hoạch ở mức 3,4% GDP), nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ của KBNN trong quý cuối năm được dự báo vẫn còn rất lớn.

Cùng với đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng mặc dù đang ở trạng thái dồi dào nhưng có thể sẽ dần bớt dư thừa khi tín dụng tăng tốc trong quý cuối năm.

Trên cơ sở đó, chuyên gia của BVSC cho rằng khối lượng trái phiếu chính phủ được phát hành sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao nhưng đà giảm của lãi suất trúng thầu có thể sẽ chững lại trong các tháng cuối năm.

>>> Xem thêm: Lãi suất trái phiếu chính phủ xuống mức thấp nhất 2 năm: Hiện tượng ngắn hạn?

“Quân bài cũ” đằng sau lợi nhuận vạn tỷ của Techcombank giữa dịch Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhu cầu vay vốn, Techcombank đã sử dụng "quân bài cũ" để gia tăng hiệu suất sinh lời: tập trung vào tăng trưởng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp.

Thống kê cho thấy 9 tháng năm nay, dư nợ tín dụng của Techcombank đã tăng 9,17%, trong đó dư nợ cho vay gần như giữ nguyên, tăng trưởng chủ yếu đến từ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp với mức tăng lên tới 79%.

Chỉ riêng nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán (chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp) đã đem về cho ngân hàng này tới 893 tỷ đồng lãi thuần trong 9 tháng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng 556 tỷ đồng.

Việc tăng mạnh dư nợ trái phiếu doanh nghiệp không chỉ đem lại lợi ích trong hiện tại mà sẽ là động lực quan trọng giúp Techcombank duy trì tăng trưởng cao trong thời gian tới, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của nền kinh tế chưa biết khi nào mới phục hồi.

>>> Xem thêm: 'Quân bài cũ' đằng sau lợi nhuận vạn tỷ của Techcombank giữa dịch Covid-19

Lãi suất vay mua nhà về mặt bằng thấp nhất 10 năm

SHB đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mua nhà đất từ 7,5%/năm xuống còn 6,5%/năm. HDBank nâng thời hạn vay mua và sửa nhà lên đến 35 năm, ân hạn gốc đến 12 tháng. 

Hai ngân hàng Standard Chartered và UOB đang có mức lãi suất cho vay mua nhà trong thời gian ưu đãi ở mức 6,48%/năm. Tỷ lệ cho vay tối đa tại hai ngân hàng này đều lên đến 75%/năm. Thời hạn cho vay tối đa tại Standard Chartered Bank là 25 năm và ở UOB là 15 năm.

Hong Leong Bank cũng đang triển khai lãi suất cho vay mua nhà ở mức tương đối thấp 6,75%/năm, tỉ lệ cho vay tối đa lên đến 80% giá trị bất động sản. Kỳ hạn vay tối đa tại ngân hàng này là 20 năm, phí phạt 3% khi trả trước hạn.

Nhóm các ngân hàng khác có lãi suất ưu đãi khá hấp dẫn như: VPBank lãi suất 6,9%/năm, MSB lãi suất 6,99%/năm, TPBank và Woori Bank cùng áp dụng lãi suất 7%/năm trong tháng 10.

Một số ngân hàng khác như MSB, VIB, Bac A Bank tối đa 90%. Ngân hàng OCB và Sacombank cho vay tối đa lên đến 100% giá trị bất động sản, tuy nhiên lãi suất áp dụng tại hai ngân hàng này lại khá cao.

Sacombank và Eximbank đang có mức lãi suất ưu đãi  là 11,5%/năm. Lãi suất sau ưu đãi của Eximbank được tính bằng lãi suất tiết kiệm 24 tháng + 3,5%; Sacombank được tính bằng lãi suất tiết kiệm 13 tháng + 4,7%.

Sau thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay được tính theo mức lãi suất cơ sở (hoặc lãi suất huy động) cộng thêm biên độ 3-4%/năm tùy vào mỗi ngân hàng.

>>> Xem thêm: Lãi suất vay mua nhà về mặt bằng thấp nhất 10 năm

TPBank chốt phương án tăng vốn lên gần 10.717 tỷ đồng

HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HoSE: TPB) đã thông qua các nội dung nhằm triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2020 của ngân hàng đã được ĐHĐCĐ thông qua tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-TPB.ĐHĐCĐ ngày 20/10/2020.

Theo phương án tăng vốn điều lệ năm 2020 của TPBank đã được ĐHĐCĐ thông qua, mức vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ gần 8.566 tỷ đồng lên gần 10.717 tỷ đồng. Việc tăng vốn được chia thành hai đợt.

Cụ thể, trong đợt 1, TPBank sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.811 tỷ đồng thông qua phát hành thêm hơn 181 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, ngân hàng phát hành hơn 163 triệu cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức theo tỉ lệ 20%. Đồng thời, phát hành gần 18 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỉ lệ chia 2,18%.

Trong đợt 2, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm gần 340 tỷ đồng thông qua phát hành khoảng 34 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2020 của TPBank (ESOP), tương ứng tỉ lệ phát hành là 4,16%.

>>> Xem thêm: TPBank chốt phương án tăng vốn lên gần 10.717 tỷ đồng

Chuyển động đáng chú ý ở VIB: Ồ ạt tuyển dụng

Chốt 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt 7.845 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tiền đề để ngân hàng này đưa ra một quyết định táo bạo giữa dịch Covid-19: ồ ạt tuyển dụng nhân viên.

Thống kê cho thấy 9 tháng năm nay, VIB đã tuyển ròng thêm thêm 1.480 nhân viên, tương đương tăng 21% so với đầu năm.

Có 3 nguyên nhân dẫn đến quyết định này. Một là áp lực tăng trưởng cho vay. VIB là một trong những ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dư nợ cho vay cao nhất trong những năm gần đây. Sở dĩ có chuyện này là bởi năm 2019, VIB được "ưu ái" cấp hạn mức tín dụng cao do hoàn thành sớm các chuẩn Basel II. Tăng trưởng cho vay cao là động lực chính giúp VIB đạt được tăng trưởng lợi nhuận cao trong những năm qua.

Thứ hai, dư địa nâng biên lợi nhuận cho vay của VIB không còn nhiều do tỷ trọng cho vay trung và dài hạn trong tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này hiện đã quá cao (đạt đỉnh vào năm 2018 với 84,9%, giảm nhẹ xuống 83,4% vào năm 2019 và tiếp tục giảm xuống 80,5% kết thúc 9 tháng năm nay); trong khi đó, tỷ trọng cho vay cá nhân cũng đã ở mức rất cao, lên tới trên 82%.

Thông thường, cho vay kỳ hạn càng dài lãi suất càng cao vì rủi ro cao. Cùng với đó, cho vay cá nhân cũng thường có lãi suất bình quân cao hơn cho vay tổ chức kinh tế.

Thứ ba là áp lực trích lập dự phòng. Được biết, chi phí dự phòng của VIB ở mức khá thấp, trong 9 tháng năm nay chỉ chiếm khoảng 14% lợi nhuận thuần. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng ở mức thấp so với các ngân hàng khác, chỉ trên 48%, trong khi ở nhiều ngân hàng, tỷ lệ này từ khoảng 70% trở nên, một số trên 100%, cao nhất là Vietcombank với 251%.

>>> Xem thêm: Chuyển động đáng chú ý ở VIB

Lợi nhuận ngân hàng quốc doanh: Những lựa chọn khác biệt

9 tháng năm 2020, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chọn cho mình chiến lược hy sinh tăng trưởng lợi nhuận để gia tăng "bộ đệm" dự phòng nợ xấu.

Tính toán cho thấy nếu ngân hàng này dùng nguồn dự phòng để xóa toàn bộ nợ xấu hiện tại, đưa tỷ lệ nợ xấu về 0%, thì nguồn dự phòng vẫn còn dư ra tới hơn 9.000 tỷ đồng và về lý thuyết, có thể hoàn nhập dự phòng để tăng lợi nhuận thêm hơn 9.000 tỷ đồng mà vẫn giữ được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp cực đoan là 0%.

Tuy nhiên, Vietcombank lại bất ngờ chấp nhận suy giảm lợi nhuận, dành nguồn lực để gia tăng dự phòng.

Bên cạnh mục đích gia tăng dự phòng nhằm có nguồn lực xử lý nợ xấu trong và sau dịch Covid-19, nhất là thời điểm Thông tư 01/2020/TT-NHNN hết hiệu lực, thì Vietcombank nhiều khả năng còn có mục đích khác: trữ "lương khô" để gia tăng lợi nhuận khi ngân hàng cần gia tăng tỷ lệ an toàn vốn.

Trái ngược với Vietcombank, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng năm 2020 lên đến 23%, đạt 10.364 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu tại VAMC) ước tính ở mức 74%, giảm đáng kể so với mức 83% cuối năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu ước tính tăng nhẹ, từ 2,49% lên 2,59%.

Như vậy, có thể thấy lựa chọn của VietinBank là hy sinh "bộ đệm" dự phòng nợ xấu cũng như tỷ lệ nợ xấu để đạt được tăng trưởng lợi nhuận cao.

Lựa chọn của VietinBank là có lý do. Tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng này đang ở mức thấp, do đó chưa thể áp dụng theo chuẩn Basel II. Áp lực tăng vốn là nguyên nhân quan trọng khiến VietinBank phải đẩy lợi nhuận lên mức cao, vốn tự có theo đó cũng sẽ được gia tăng mạnh mẽ, nhờ vậy có thể cải thiện tỷ lệ an toàn vốn.

Với BIDV, ngân hàng này ở thế "trung dung". Tỷ lệ an toàn vốn ở mức trung bình (cuối năm 2019 ở mức 8,74%) khiến ngân hàng này không quá áp lực trong việc gia tăng lợi nhuận. 9 tháng năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.062 tỷ đồng.

Không chạy theo tăng trưởng lợi nhuận, BIDV dành nhiều nguồn lực để gia tăng dự phòng, đồng thời dùng dự phòng để xử lý nợ xấu. Vì thế mà tình hình nợ xấu của BIDV trong 9 tháng năm nay diễn biến theo chiều hướng tích cực. Cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu tại VAMC) là 2,56%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 72%. Đến hết tháng 9/2020, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,97% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu được nâng lên 87%.

Có thể thấy, mức độ an toàn vốn ảnh hưởng lớn đến việc "điều tiết" lợi nhuận và nợ xấu ở các ngân hàng quốc doanh.

>>> Xem thêm: Lợi nhuận ngân hàng quốc doanh: Những lựa chọn khác biệt

Tin mới lên