Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) đạt 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 71,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động tăng 52,1% so với cùng kỳ, đạt 18,1 nghìn tỷ đồng
Thu nhập từ lãi đạt 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 56,0% so với cùng kỳ năm trước, dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM) đạt 5,6% (so với mức 4,5% trong 12 tháng kết thúc tại thời điểm 30/6/2020).
Đáng chú ý, dịch vụ bảo hiểm tăng trưởng 60,1% về doanh thu khai thác mới (APE). Phí bảo hiểm tăng 48,1% so với cùng kỳ dù việc tư vấn trực tiếp cho khách hàng chịu ảnh hưởng từ cuối quý II do các thành phố lớn thực hiện gia tăng các biện pháp giãn cách xã hội, kiểm soát dịch bẹnh Covid-19.
Tính đến cuối quý II năm 2021, tổng tài sản của Techcombank đạt 504,3 nghìn tỷ đồng, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 14,7% tính từ đầu năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng tại ngày 30/06/2021 đạt 353,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với đầu năm. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 39,1%, cao hơn mức 33,9% vào cuối năm 2020.
Ngân hàng cũng duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối quý theo Basel II đạt 15,2%, cao hơn yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II.
Tại thời điểm 30/6/2021, tỷ lệ nợ xấu đạt mức 0,4%, thấp hơn mức 0,9% tại quý II/2020 và duy trì mức 0,4% đã công bố cuối quý I/2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm cuối quý II/2021 là 259%, tăng so với mức 171% tại thời điểm cuối năm 2020, và 109% tại thời điểm 30/6/2020.
>>> Xem thêm: Techcombank công bố kết quả kinh doanh 6 tháng, tiếp tục dẫn đầu về CASA
Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản hợp nhất của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, UPCoM: KLB) đạt 60.328 tỷ đồng, tăng 5,32% so với cùng kỳ, hoàn thành 90,31% kế hoạch; tổng nguồn vốn huy động đạt 54.155 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, hoàn thành 91,17% kế hoạch; tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 36.188 tỷ đồng, tăng 4,24% so với cùng kỳ, hoàn thành 81,14% kế hoạch; tỷ lệ nợ xấu theo quy định là 1,08%.
6 tháng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Kienlongbank đạt 805,7 tỷ đồng, tăng 409,26% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 80,57% kế hoạch năm 2021.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021, Kienlongbank đã thông qua một số chỉ tiêu kinh doanh cả năm. Theo đó, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản hợp nhất 66.800 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động là 59.400 tỷ đồng; tổng dư nợ cấp tín dụng là 44.600 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu của năm 2021 là 1.000 tỷ đồng.
Kienlongbank cũng cho hay sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản lý rủi ro; gia tăng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng; nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, đẩy mạnh phát triển ngân hàng số theo định hướng chiến lược của Kienlongbank giai đoạn 2021 – 2025.
>>> Xem thêm: Kienlongbank báo lãi 6 tháng đạt gần 806 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái
Báo cáo tài chính quý II/2021 cho thấy lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank lên đến 11.530 tỷ đồng, gấp 2,75 lần cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank vượt lợi nhuận hợp nhất là bởi trong nửa đầu năm nay, ngân hàng mẹ VPBank đã thu về 3.600 tỷ đồng lợi nhuận chuyển về từ FE Credit, trong khi cùng kỳ năm ngoái không có nguồn thu này.
Tuy vậy, nếu trừ đi nguồn thu này thì ngân hàng mẹ VPBank vẫn ghi nhận tới 7.930 tỷ đồng lợi nhuận, tăng tới 89% so với mức lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2020 và cao hơn nhiều mức tăng 37,2% của lợi nhuận hợp nhất, dù mức tăng 37,2% cũng đã là rất mạnh.
Thu nhập lãi thuần của ngân hàng mẹ VPBank tăng mạnh 42% so với nửa đầu năm 2020, đạt 9.755 tỷ đồng, nhờ vào việc doanh thu mảng tín dụng tiếp tục tăng và đặc biệt là chi phí huy động giảm mạnh.
Tính đến hết 6 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ VPBank đạt 249.560 tỷ đồng, tăng gần 13% so với đầu năm, tương đương tăng 28.616 tỷ đồng.
Bên cạnh mảng tín dụng, các hoạt động phi tín dụng cũng đem về nguồn thu lớn. Nửa đầu năm, mảng dịch vụ đem về cho ngân hàng mẹ VPBank 1.836 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 28%.
Mặc dù mảng mua bán chứng khoán kinh doanh không còn ghi nhận lãi thuần tốt như cùng kỳ năm ngoái (chỉ đạt 6,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ là 235 tỷ đồng) nhưng bù lại, mảng mua bán chứng khoán đầu tư lại đem về tới 1.639 tỷ đồng lãi thuần, gấp 2,66 lần cùng kỳ, tương đương tăng 1.023 tỷ đồng.
Ngoài ra, các hoạt động khác còn đem về cho ngân hàng mẹ VPBank 975 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 54%.
Chốt bán niên 2021, tổng thu nhập hoạt động của VPBank đạt 17.789 tỷ đồng, tăng trưởng 82%.
Trừ đi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank vẫn tăng gấp 2,75 lần, lên 11.530 tỷ đồng, như đã đề cập phía trên.
>>> Xem thêm: Lợi nhuận bán niên VPBank nhìn từ báo cáo tài chính ngân hàng mẹ
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, HoSE: LPB) đạt gần 14.300 tỷ đồng, trong đó tín dụng bán lẻ tiếp tục tăng tốt. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể, xuống mức thấp hơn cuối năm 2020. Cùng với đó, huy động vốn thị trường 1 vượt 221.500 tỷ đồng. Các chỉ tiêu kinh doanh khác của ngân hàng cũng đạt kết quả khả quan.
Lợi nhuận trước thuế bán niên của ngân hàng đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Như vậy, so với chỉ tiêu lợi nhuận 3.200 tỷ đồng của cả năm, ngân hàng đã hoàn thành gần 2/3 kế hoạch.
Trong kỳ, thu thuần dịch vụ, cho vay và kinh doanh ngoại hối là 3 nhân tố chính góp phần mang lại mức tăng trưởng tốt về lợi nhuận của ngân hàng. Trong thời gian qua, cơ cấu thu nhập của LienVietPostBank chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa nguồn thu, tăng tỷ trọng thu ngoài lãi, giảm thiểu sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng. Nhờ đó, thu thuần dịch vụ tăng 86% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, thu phí hoa hồng bảo hiểm tăng gần 90%.
Năm 2021, LienVietPostBank dự kiến tổng tài sản đạt 282.600 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2020; huy động vốn từ thị trường 1 dự kiến tăng 15%, đạt 237.770 tỷ đồng.
Tín dụng thị trường 1 lên kế hoạch tăng 20% lên 213.020 tỷ đồng; thu thuần dịch vụ đạt 880 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 32% so với mức thực hiện năm 2020. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 10%.
>>> Xem thêm: LienVietPostBank lãi trước thuế hơn 2.000 tỷ đồng, hoàn thành gần 2/3 kế hoạch năm
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, với thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mảng kinh doanh trọng yếu khác của MB cũng tăng trưởng khá tốt. Ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ dịch vụ quý II đạt 1.029 tỷ đồng, tăng gần 9% cùng kỳ; tổng thu nhập từ hoạt động đạt hơn 8.924 tỷ đồng, tăng gần 36% cùng kỳ.
Khấu trừ khoản chi phí hoạt động tăng 25% so với cùng kỳ, kết thúc quý II, ngân hàng báo lãi trước thuế hợp nhất hơn 3.400 tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần đạt hơn 12.500 tỷ đồng, lãi thuần từ dịch vụ đạt 2.095 tỷ đồng, tổng thu nhập từ hoạt động đạt gần 18.120 tỷ đồng, lần lượt tăng 34%, 24% và 40% so với nửa đầu năm 2020.
MB báo lãi trước thuế 7.990 tỷ đồng trong giai đoạn này, tăng tới 56% cùng kỳ.
Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của MB là hơn 523.000 tỷ đồng, tăng 5,6% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt dư nợ hơn 325.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm.
Chỉ tiêu chứng khoán đầu tư lẫn chứng khoán kinh doanh ở MB đều tăng mạnh, trong đó chứng khoán đầu tư tăng 10% với tổng dư nợ hơn 110.000 tỷ đồng còn chứng khoán kinh doanh tăng 40% lên hơn 4.200 tỷ.
Huy động vốn khách hàng tăng 10,3% đạt hơn 343.000 tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá tăng 4% lên trên 52.000 tỷ đồng.
>>> Xem thêm: MB báo lãi quý II tăng 16% lên hơn 3.400 tỷ đồng
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 vừa được Ngân hàng TMCP Bản Việt (HoSE: BVB) công bố cho thấy riêng trong quý vừa qua, lợi nhuận của ngân hàng này đạt 185 tỷ đồng, gấp tới hơn 13 lần quý II/2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Bản Việt đạt lợi nhuận trước thuế 337 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến mức tăng vọt về lợi nhuận này là do sự cải thiện ở mảng tín dụng. 6 tháng đầu năm nay, mảng này đem về cho Ngân hàng Bản Việt 738 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 223 tỷ đồng, tương đương tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, 2 yếu tố dẫn đến mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần ấn tượng này là doanh thu mảng tín dụng tăng 5% lên 2.267 tỷ đồng, phần lớn nhờ vào việc dư nợ cho vay khách hàng tăng tới 11,4% chỉ trong nửa đầu năm và chi phí huy động giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 116 tỷ đồng, xuống 1.528 tỷ đồng.
Nguyên nhân thứ hai giúp lợi nhuận của Ngân hàng Bản Việt tăng vọt là nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh, từ 188 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái xuống gần 71 tỷ đồng nửa đầu năm nay.
Nhờ 2 nguyên nhân trên mà dẫu cho lãi thuần ở các mảng phi tín dụng đi ngang so với cùng kỳ , ở mức 142 tỷ đồng (trong đó, lãi thuần từ dịch vụ và hoạt động khác tăng nhưng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư giảm), thêm vào đó, chi phí hoạt động tăng 16% (tương đương tăng gần 65 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Bản Việt vẫn tăng vọt gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
>>> Xem thêm: Bóc tách nguyên nhân lợi nhuận Ngân hàng Bản Việt tăng vọt hơn 5 lần trong nửa đầu năm
Số liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến cuối tháng 5/2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,03 triệu tỷ đồng, tăng 3,26% so với cuối năm ngoái. Song song, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,27 triệu tỷ đồng, tăng 2,6%.
Trước đó, trong 4 tháng đầu năm nay, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 2,05%, trong khi tiền gửi của dân cư tăng 2,34%.
Như vậy, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã bứt phá rất mạnh trong tháng 5. Tính ra chỉ riêng trong tháng này, các tổ chức kinh tế đã gửi thêm ròng tới 59.121 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, chiếm 4/5 lượng tiền gửi thêm ròng vào hệ thống trong tháng.
Việc các tổ chức kinh tế "dồn dập" gửi tiền vào ngân hàng càng gây ấn tượng mạnh nếu nhìn lại số liệu 2 tháng đầu năm nay, khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng giảm tới 3,32% (trong khi đó, tiền gửi của dân cư tăng 2,37%). Vị thế đã hoàn toàn đảo chiều vào cuối tháng 5/2021 khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn nhiều tiền gửi của dân cư.
Bên cạnh việc doanh nghiệp "dồn dập" gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, còn một nguyên nhân nữa gây ra hiện tượng "lạ" trên là việc người dân không mấy mặn mà vào việc gửi tiền ngân hàng. Mức tăng trưởng tiền gửi 2,6% của dân cư trong 5 tháng đầu năm 2021 là mức thấp kỷ lục so với cùng kỳ giai đoạn từ năm 2015 đến nay.
Với các tổ chức kinh tế, mức tăng tiền gửi 3,26% trong 5 tháng đầu năm 2021 là cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2015 đến nay. Điều này đặt ra khả năng các doanh nghiệp đang "bật chế độ" phòng thủ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là rủi ro gián đoạn kinh doanh.
>>> Xem thêm: Doanh nghiệp 'dồn dập' gửi tiền vào ngân hàng
Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) thông báo, ngày 30/8 tới, ngân hàng này sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%. Trước đó, ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 2/8.
Như vậy, trong đợt chia cổ tức năm 2020 sắp tới, cổ đông sở hữu 4 cổ phiếu OCB sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới. Với gần 1,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính OCB sẽ phát hành thêm gần 274 triệu cổ phiếu, tổng giá trị theo mệnh giá là gần 2.740 tỷ đồng.
Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 10.959 tỷ đồng lên gần 13.700 tỷ đồng. Năm 2021, đại hội cổ đông thường niên 2021 của OCB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên đến 14.450 tỷ đồng, tương đương mức tăng 32%.
Hoạt động tăng vốn dự kiến diễn ra qua ba hình thức, ngoài việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, nhà băng này có kế hoạch phát hành gần 5 triệu cổ phiếu ESOP và chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
>>> Xem thêm: OCB chốt danh sách nhận cổ tức 25% bằng cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, UPCoM: VAB) vừa công bố về công văn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Rạng Đông tại VietABank.
Theo đó, NHNN chấp thuận đề nghị của VietABank về việc chuyển nhượng hơn 32,6 triệu cổ phiếu VAB, tương đương 7,35% vốn của ngân hàng này do Rạng Đông sở hữu.
Tạm tính theo thị giá của VAB, giá trị chuyển nhượng của số lượng cổ phiếu trên có thể lên tới 745 tỷ đồng.
NHNN cho biết trong trường hợp phát sinh bên nhận chuyển nhượng trở thành cổ đông lớn của VietABank hoặc bên nhận chuyển nhượng là cổ đông lớn của VietABank, hay là nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng này phải có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, NHNN cũng lưu ý về việc VietABank phối hợp với Rạng Đông thông tin đầy đủ tới các nhà đầu tư nhận chuyện nhượng cổ phần phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của cổ đông theo đúng quy định, cổ đông phải “chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp phát của nguồn vốn nhận chuyển nhượng cổ phần tại VietABank, không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để nhận chuyển nhượng cổ phần của VietABank, không được góp vốn, mua cổ phần của VietABank dưới tên cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật”.
Được biết, ngoài Rạng Đông, cổ đông lớn khác của VietABank là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương với tỷ lệ sở hữu là 12,21%.
Xem thêm: NHNN chấp thuận cho cổ đông lớn của VietABank chuyển nhượng hơn 32 triệu cổ phiếu VAB
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.