Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Loạt nhà băng lớn báo lãi 9 tháng tăng trưởng 2 chữ số

(VNF) - VPBank, MB, Vietcombank và Sacombank đồng loạt công bố lợi nhuận 9 tháng với mức tăng trưởng 2 chữ số là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: Loạt nhà băng lớn báo lãi 9 tháng tăng trưởng 2 chữ số

MB báo lãi 9 tháng tăng 46%, đạt hơn 11.880 tỷ, nợ nhóm 5 giảm mạnh là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

MB báo lãi 9 tháng tăng 46%, đạt hơn 11.880 tỷ, nợ nhóm 5 giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB), thu nhập lãi thuần quý III đạt hơn 6.515 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020.

Các hoạt động ngoài lãi đều ghi nhận tăng trưởng mạnh. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 26%, đạt hơn 926 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và nhóm hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, góp vốn, đầu tư dài hạn lần lượt tăng gấp 2 lần và gấp 2,6 lần, tương ứng đạt 356 tỷ đồng và 407 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý III, MB tăng trích lập dự phòng gấp đôi cùng kỳ năm 2020, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 1.778 tỷ đồng.

Ngân hàng này báo lãi trước thuế hơn 3.898 tỷ đồng, tăng 29% so với mức thực hiện trong quý III/2020.

Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần tăng 31% so với cùng kỳ, đạt hơn 19.029 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng vẫn ghi nhận tăng mạnh ở mức 44%, đạt hơn 6.081.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sau 9 tháng đạt hơn 11.884 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 46% và hoàn thành 90% kế hoạch cả năm. 

>>> Xem thêm: MB báo lãi 9 tháng tăng 46%, đạt hơn 11.880 tỷ, nợ nhóm 5 giảm mạnh

Sacombank báo lãi sau thuế hơn 2.550 tỷ sau 9 tháng, tăng 38% so với cùng kỳ

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với lợi nhuận trước thuế sụt giảm so với cùng kỳ khi lãi từ hoạt động dịch vụ giảm mạnh.

Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ trong quý III của ngân hàng giảm tới 53% so với cùng kỳ, chỉ đạt 589 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng kém khả quan, chỉ đạt 150 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động khác giảm 89% xuống còn 39 tỷ đồng.

Thu nhập lãi thuần quý III/2021 đạt 3.313 tỷ đồng, tăng 9,1%. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đạt 68 tỷ đồng, tăng 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động trong quý của Sacombank đạt 4.198 tỷ đồng, giảm 12,7%. Ngân hàng cũng kiểm soát chi phí hoạt động, giảm 7,7% xuống 2.424 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí dự phòng của Sacombank giảm 26,2% xuống 950 tỷ đồng. Dù đã giảm mạnh chi phí dự phòng, lợi nhuận quý III/2021 của ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng âm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 3.249 tỷ đồng, tăng 39,7%. Lãi sau thuế đạt 2.553 tỷ đồng, tăng 38,4%.

>>> Xem thêm: Sacombank báo lãi sau thuế hơn 2.550 tỷ sau 9 tháng, tăng 38% so với cùng kỳ

Lợi nhuận 9 tháng của Vietcombank tăng 21% nhờ chi phí trả lãi tiền gửi giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 công bố mới đây của Vietcombank, mặc dù dư nợ cho vay của ngân hàng tăng tới 11,5% lũy kế 9 tháng, cao hơn đáng kể trung bình ngành (khoảng trên 7%) nhưng thu nhập lãi từ cho vay chỉ tăng 5,6% so với 9 tháng cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng 2.361 tỷ đồng, đạt 44.214 tỷ đồng.

Mặc dù nguồn thu từ hoạt động cho vay - cũng là nguồn thu chính của ngân hàng - tăng khá chậm, một phần do giảm lãi suất cho vay, nhưng kết thúc 9 tháng năm 2021, Vietcombank vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận lên đến 21%, tương đương tăng 3.346 tỷ đồng, lên 19.311 tỷ đồng.

Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay được "doãng rộng" là nguyên nhân quan trọng nhất giúp thúc đẩy lợi nhuận của Vietcombank. Bên cạnh đó, lượng tiền gửi không kỳ hạn (nguồn vốn có lãi suất rất thấp) của ngân hàng này tăng khá mạnh, lũy kế 9 tháng tăng 13%, nâng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng tăng từ 29,7% lên 31,3%. Hai điều này giúp chi phí trả lãi tiền gửi của Vietcombank giảm mạnh từ 24.800 tỷ đồng 9 tháng năm ngoái xuống 19.769 tỷ đồng năm nay, tức là giảm tới 5.031 tỷ đồng, tương đương giảm 20%.

Chi phí trả lãi tiền gửi giảm mạnh đã giúp cân bằng lại sự gia tăng đáng kể của chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, lần lượt tăng 1.910 tỷ đồng (tương đương tăng 15%) và tăng 1.979 tỷ đồng (tương đương tăng 33%).

>>> Xem thêm: Lợi nhuận 9 tháng của Vietcombank tăng 21% nhờ chi phí trả lãi tiền gửi giảm mạnh

VPBank báo lãi trước thuế 9 tháng tăng 24,9%

Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của ngân hàng đạt 33.231 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cũng kỳ năm trước.

Thu nhập phí thuần từ hoạt động dịch vụ hợp nhất đạt 2.863 tỷ đồng, tăng 23,2% so với một năm trước đó. Bằng cách đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thông qua công cụ số hóa, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất trong 3 quý vừa qua đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 73,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính từ đầu năm đến cuối tháng 9, chi phí hoạt động hợp nhất của VPBank đã giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số CIR hợp nhất ở mức 23,7%. Các chỉ số hiệu quả ROA, ROE hợp nhất lần lượt đạt 2,8% và 21,6%.

Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank đạt hơn 11.736 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ. Riêng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 10.872 tỷ đồng, tăng 75,2% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 9, tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt hơn 349 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 8,1% so với cuối năm 2020, trong đó tại ngân hàng riêng lẻ tăng 11,6%. 

Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 02 của ngân hàng riêng lẻ được kiểm soát ở mức 1,78% tại 30/9/2021.

>>> Xem thêm: VPBank báo lãi trước thuế 9 tháng tăng 24,9%

Nam A Bank: Lãi 9 tháng tăng gấp 3,7 lần, vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm

Thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, UPCoM: NAB) đạt hơn 889 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 74%, đạt 45,5 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt gần 3,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 900 triệu đồng.

Ngược lại với 2 hoạt động ngoài lãi trên, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm hơn nửa so với cùng kỳ còn gần 7 tỷ đồng.

Nam A Bank tăng trích lập dự phòng 39% so với cùng kỳ, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt hơn 115 tỷ đồng.

Chốt quý III, ngân hàng báo lãi trước thuế 349 tỷ đồng, tăng gần 87% so với mức thực hiện quý III/2020.

Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần và lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank lần lượt đạt 2.988 tỷ đồng và 1.422 tỷ đồng, tương ứng tăng 71% và tăng gấp 3,7 lần cùng kỳ năm 2020.

>>> Xem thêm: Nam A Bank: Lãi 9 tháng tăng gấp 3,7 lần, vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm

VPBank và SMBC tiếp tục ký thỏa thuận khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD

Chiều 27/10/2021, lễ ký kết thỏa thuận khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD kỳ hạn 2 năm giữa Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã diễn ra.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, VPBank và SMBC đã đạt được thỏa thuận ký kết khoản vay hợp vốn cùng sự tham gia của 4 ngân hàng quốc tế là CTBC Bank, Hua Nan Commercial Bank, State Bank of India, First Commercial Bank với tư cách là các bên đồng cho vay.

Được biết, toàn bộ gói hỗ trợ tài chính quốc tế này sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho VPBank nhằm tăng cường nội lực, mở rộng kinh doanh và tiếp tục cho vay mới đối với những khách hàng gặp khó khăn gián đoạn dòng tiền bởi đại dịch Covid-19.

Như vậy, trong vòng một tuần, VPBank nhận liên tiếp 2 khoản vay hợp vốn cùng có sự tham gia của SMBC với tổng giá trị 300 triệu USD.

>>> Xem thêm: VPBank và SMBC tiếp tục ký thỏa thuận khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD

Cam kết giảm lãi hơn 20.000 tỷ đồng, đến nay 16 ngân hàng đã giảm bao nhiêu?

Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo về kết quả thực hiện giảm lãi suất cho vay theo cam kết của 16 ngân hàng thương mại.

Theo đó, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/9/2021 của 16 ngân hàng là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết. Trong đó, 4 ông lớn gồm: Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank đều giảm tiền lãi cho khách ở mức từ 1.400 tỷ đồng trở lên.

Cụ thể, tại Agribank, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.885 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,27 triệu tỷ đồng cho trên 3,18 triệu khách hàng.

Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng của Vietcombank là 1.975 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,07 triệu tỷ đồng cho 239.384 khách hàng.

Trong danh sách, BIDV có tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.901 tỷ đồng; tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,08 triệu tỷ đồng cho 365.429 khách hàng.

VietinBank đã giảm cho khách hàng tổng số tiền lãi là 1.417 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,22 triệu tỷ đồng cho 533.392 khách hàng.

Tại các ngân hàng thương mại cổ phần còn lại khác, số tiền lãi đã giảm vào khoảng từ 602 tỷ đồng trở xuống.

>>> Xem thêm: Cam kết giảm lãi hơn 20.000 tỷ đồng, đến nay 16 ngân hàng đã giảm bao nhiêu?

Tin mới lên