Ngân hàng tuần qua: Loạt nhà băng tiến hành ĐHCĐ, Kienlongbank báo lãi quý I hơn 700 tỷ đồng

A Lan - 25/04/2021 08:26 (GMT+7)

(VNF) - Loạt nhà băng tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên; Kienlongbank báo lãi quý I hơn 700 tỷ đồng; Dragon Capital mua xong gần 9 triệu cổ phiếu ACB; lợi nhuận quý I của Vietbank giảm 46%;…là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

VNF
Kienlongbank báo lãi quý I hơn 700 tỷ, xử lý xong các khoản vay liên quan đến cổ phiếu STB là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Kienlongbank báo lãi quý I hơn 700 tỷ, xử lý xong các khoản vay liên quan đến cổ phiếu STB

Thu nhập lãi thuần quý I của Kienlongbank đạt hơn 915 tỷ đồng, cao gấp 3 lần mức thực hiện trong quý I năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối biến động trái chiều, lần lượt tăng 100% và giảm 42%, tương ứng đạt gần 38,8 tỷ đồng và 5 tỷ đồng.

Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư mang về gần 32 tỷ đồng lãi thuần, trong khi cùng kỳ năm 2020 không hề phát sinh lợi nhuận. Chi phí hoạt động của Kienlongbank tăng nhẹ 1% lên hơn 260 tỷ đồng, ngược lại chi phí dự phòng rủi ro giảm một nửa về 34 tỷ đồng.

Sau 3 tháng đầu năm 2021, Kienlongbank ghi nhận hơn 700 tỷ đồng lãi trước thuế, cao gấp 12,3 lần cùng kỳ năm 2020.

Theo giải trình của Kienlongbank, việc lợi nhuận tăng đột biến trong quý I có nguyên nhân chủ yếu do ngân hàng này đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản đảm bảo, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản cho vay có tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), theo phương án cơ cấu lại Kienlongbank gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Tính đến cuối quý I/2021, tổng nợ xấu của Kienlongbank là gần 560 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay là 1,56%, trong khi cuối quý I/2020 là 5,42%.

Tổng tài sản của Kienlongbank tại báo cáo tài chính quý I đạt hơn 61.942 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm cuối năm 2020. Tiền gửi của khách hàng và cho vay khách tăng lần lượt ở mức 14% và 3%, tương ứng đạt gần 47.738 tỷ đồng và 32.741 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: Kienlongbank báo lãi quý I hơn 700 tỷ, xử lý xong các khoản vay liên quan đến cổ phiếu STB

Dragon Capital mua xong gần 9 triệu cổ phiếu ACB

Trong thời gian từ ngày 19/3 đến ngày 16/4, Norges Bank đã mua vào hơn 8,56 triệu cổ phiếu ACB trong tổng số 10 triệu đơn vị đăng ký mua trước đó.

Đồng thời, Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (SSMIT) cũng mua xong 368.000 cổ phiếu ACB trong tổng số 500.000 đơn vị đăng ký mua. Như vậy, tổng số lượng cổ phiếu mà nhóm quỹ Dragon Capital đã mua vào thông qua các quỹ thành viên là gần 9 triệu đơn vị. 

Cả 2 quỹ Norges Bank và SSMIT đều cho biết nguyên nhân không thực hiện mua hết số lượng cổ phiếu ACB đã đăng ký là do tỷ lệ sở hữu cổ phiếu ACB của nhà đầu tư ngoại không còn.

Sau 2 giao dịch trên, Norges Bank nâng tỷ lệ sở hữu tại ACB lên 0,396%, còn SSMIT nâng tỷ lệ sở hữu lên 0,017%.

Chiếu theo thị giá của ACB trong khoảng thời gian 2 giao dịch này diễn ra, ước tính số tiền mà nhóm Dragon Capital đã chi để gom gần 9 triệu cổ phiếu ACB là khoảng 300 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: Dragon Capital mua xong gần 9 triệu cổ phiếu ACB

Vietbank báo lãi quý I giảm 46%, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,87%

Thu nhập lãi thuần của Vietbank trong quý I/2021 đạt hơn 237 tỷ đồng, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2020.

Trừ hoạt động dịch ghi nhận lãi thuần tăng gần 96% lên hơn 20 tỷ đồng, lãi thuần các hoạt động khác đều có xu hướng sụt giảm.

Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm 24% so với quý I/2020, đạt 120,8 tỷ đồng. Tương tự, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác cũng lần lượt giảm 24,7% và 58%, tương ứng đạt 9,5 tỷ đồng và 27 tỷ đồng.

Trong khi thu nhập từ hoạt động chính và phần lớn thu nhập ngoài lãi đều giảm thì chi phí hoạt động của Vietbank trong quý I lại tăng thêm 12,6%, đạt giá trị hơn 294 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngân hàng này được hoàn nhập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hơn 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái phải trích lập gần 30 tỷ đồng.

Sau 3 tháng đầu năm 2021, Vietbank báo lãi lũy kế trước thuế giảm 46% so với quý I/2020, đạt hơn 124 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: Vietbank báo lãi quý I giảm 46%, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,87%

ĐHCĐ Vietcombank: Lợi nhuận quý I hơn 8.000 tỷ đồng

Sáng 23/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Năm 2021, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 11% lên khoảng 25.580 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 25.000 tỷ đồng nhưng có điều chỉnh theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.

Chia sẻ tại đại hội, Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho hay kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 11% được xây dựng dựa trên tình hình thực tế và tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính. Ông Dũng nhấn mạnh năm nào ngân hàng cũng vượt kế hoạch đề ra.

Tiết lộ về kết quả kinh doanh quý I/2021, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết ước tính ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 8.000 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020), bao gồm khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance với đối tác FWD.

Ông Thành cho hay tầm nhìn đến năm 2025, lợi nhuận Vietcombank sẽ đạt 2 tỷ USD, trong đó hoạt động bán lẻ góp 1 tỷ USD.

Đáng chú ý, ngân hàng tự tin sẽ tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành ngân hàng trong 2, 3 năm tới, đưa tổng tài sản ngân hàng lên thứ hai toàn ngành.

>>> Xem thêm: ĐHCĐ Vietcombank: Lợi nhuận quý I hơn 8.000 tỷ đồng

ĐHCĐ Sacombank: 'Hy vọng năm 2022 hoặc đầu năm 2023 có thể chia cổ tức'

Tại ĐHCĐ thường niên của Sacombank, báo cáo cổ đông về kết quả hoạt động của quý I/2021, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, CEO của Sacombank, cho biết tổng tài sản tính đến cuối tháng 3 đã tăng trên 3,5%, cho vay tăng 5,8%, thu dịch vụ đạt trên 1.200 tỷ đồng.

Lợi nhuận ngân hàng quý I hoàn thành 25% kế hoạch cả năm. Sau 4 tháng đầu năm, bà Diễm cho biết Sacombank đã xử lý được 2.280 tỷ đồng nợ xấu.

Bà Diễm cho hay với việc nguồn lợi nhuận giữ lại đang ở mức cao trên 6.000 tỷ đồng, Sacombank đang trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ.

Tại đại hội, nhiều cổ đông của Sacombank cũng bày tỏ mong muốn sớm được chia cổ tức. Ngoài ra, cổ đông cũng đặt vấn đề liệu ngân hàng này sẽ có cổ đông chiến lược trong tương lai hay không.

Ông Dương Công Minh, chủ tịch Sacombank cho biết ngân hàng này đang thực hiện tái cơ cấu và khi tái cơ cấu thành công, trở về trạng thái bình thường thì có thể xin Ngân hàng Nhà nước việc chia cổ tức hay việc có cổ đông chiến lược mới.

“Chúng ta hy vọng rằng năm 2022 hoặc đầu năm 2023 có thể chia cổ tức được”, ông Dương Công Minh trả lời cổ đông tại đại hội.

Về vấn đề liên quan đến khu công nghiệp Phong Phú, chủ tịch Dương Công Minh cho biết hiện Sacombank đang xử lý nợ và tiến hành đấu giá. Tuy nhiên, vì các cổ đông của khu nghiệp Phong Phú có những lùm xùm về việc mua bán, thậm chí kiện tụng nên UBND TP. HCM đề nghị tạm ngưng để giải quyết dứt điểm lùm xùm.

Sacombank cũng bày tỏ hy vọng trong năm 2021 sẽ giải quyết xong khoản nợ liên quan đến khu công nghiệp này.

>>> Xem thêm: ĐHCĐ Sacombank: 'Hy vọng năm 2022 hoặc đầu năm 2023 có thể chia cổ tức'

ĐHCĐ SHB: Có 2-3 đối tác lớn muốn mua cổ phần SHBFC, thương vụ dự kiến hoàn tất trong năm nay

Liên quan đến việc tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài cho SHB, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết hiện chưa thể khẳng định sẽ chốt được cổ đông chiến lược trong năm nay. "Các cổ đông chiến lược nước ngoài vào SHB đương nhiên sẽ có điều kiện ràng buộc về năng lực, về thời hạn nắm giữ cổ phần, giá bán cũng sẽ không thể thấp hơn giá bình quân trên sàn trong một số lượng phiên nhất định", ông Hiển nói.

Về vấn đề thoái vốn tại Công ty Tài chính Ngân hàng SHB (SHBFC), ông Hiển cho biết ngân hàng đã lựa chọn được 2, 3 đối tác lớn và dự kiến năm 2021 sẽ thoái vốn thành công.

Liên quan đến tiến độ xây dựng trụ sở SHB, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết ngân hàng đang chờ các cơ quan quản lý có thẩm quyền chấp thuận chiều cao dự án. "Đất đó là đất vàng, nếu xây thấp tầng thì rất uổng phí. Dự án cũng sẽ là điểm nhấn của trung tâm TP. Hà Nội", ông Hiển chia sẻ.

Theo người đứng đầu SHB, chiều cao của dự án dù không quá cao nhưng cũng cao hơn thông lệ, phù hợp với cảnh quan tuyến phố Lý Thường Kiệt. "Các dự án của cơ quan lớn khác thường có chiều cao 10-14 tầng. SHB sẽ cố gắng đạt được chiều cao tối đa", ông Hiển cho hay.

Về kế hoạch lợi nhuận năm 2021 tăng "khủng" 78% nếu chưa tăng vốn và 87% nếu tăng vốn thành công trong năm, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết một trong những nguyên nhân quan trọng là do SHB đã hoàn thành toàn bộ trích lập dự phòng nợ tồn đọng, nợ xấu sau sáp nhập Habubank, nhờ đó biên lãi thuần NIM sẽ tăng lên, trích lập dự phòng giảm, từ đó hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận.

>>> Xem thêm: ĐHCĐ SHB: Có 2-3 đối tác lớn muốn mua cổ phần SHBFC, thương vụ dự kiến hoàn tất trong năm nay

ĐHCĐ TPBank: 'Bất cứ thời điểm nào ngân hàng cũng có thể chia cổ tức'

Chia sẻ tại đại hội về vấn đề tăng trưởng tín dụng, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng rất nghiêm ngặt. TPBank mặc dù là ngân hàng quy mô nhỏ nhưng năm 2020 vẫn được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 31% nhờ đạt được các chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel II và xếp hạng điểm CAMELS từ NHNN.

Ông Hưng tiết lộ tại thời điểm cuối quý I, hạn mức tín dụng TPBank được cấp cũng ở mức chung của toàn ngành, tuy vậy cũng là mức gần như cao nhất thị trường.

Tổng giám đốc TPBank cho biết ngân hàng phải tăng vốn để tạo tiền đề tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Ông Hưng cho hay hiện nay, kể cả nếu NHNN không đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng thì với lượng vốn tự có hiện tại, TPBank cũng chỉ có thể tăng trưởng tín dụng tối đa khoảng 40%, nếu tăng cao hơn thì ngân hàng sẽ không đáp ứng được một số chỉ tiêu quản lý rủi ro.

Về công nghệ, tổng giám đốc Nguyễn Hưng tiết lộ: “Mỗi năm TPBank đầu tư khoảng 400-500 tỷ đồng cho ngân hàng số, chưa kể chi phí vận hành".

Đánh giá về ngân hàng số TPBank, Phó Chủ tịch Đỗ Anh Tú tự tin khẳng định: "Ngân hàng số TPBank đang đi trước các ngân hàng số khác hơn 1 năm".

Về kế hoạch không chia cổ tức trong năm nay, người đứng đầu TPBank cho biết cá nhân ông cũng rất muốn chia nhưng ngân hàng hiện đang cần vốn đầu tư một số hạng mục, chẳng hạn như mua công ty tài chính. Tuy nhiên, ông Phú cho biết bất cứ thời điểm nào cũng có thể chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng bởi lợi nhuận giữ lại hiện nay khá lớn, tính đến cuối năm 2020 khoảng 6.000 tỷ đồng và cuối năm 2021 khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Tùy tình hình, ngân hàng sẽ tính toán lại việc chia cổ tức trong năm nay.

>>> Xem thêm: ĐHCĐ TPBank: 'Bất cứ thời điểm nào ngân hàng cũng có thể chia cổ tức'

ĐHCĐ Techcombank: Năm 2025, ngân hàng sẽ đạt 20 tỷ USD vốn hóa nhờ lợi nhuận tăng 23-25%/năm

Chia sẻ tại đại hội, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho hay tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của thị trường là 22% trong khi của Techcombank là 46%. Vì vậy, biên lãi thuần NIM của Techcombank rất cao nhưng không phải do lãi suất cho vay cao mà do chi phí thấp, điều này cho phép ngân hàng không cần cho vay lĩnh vực rủi ro cao mà vẫn đạt được lợi nhuận cao.

Tổng giám đốc Jens Lottner cho biết thêm mục tiêu của Techcombank là đạt tỷ lệ CASA 55% vào năm 2025.

Chủ tịch Techcombank cho hay ngân hàng đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 12%, nếu được phép ngân hàng sẽ tăng trưởng cao hơn. Do đó, mức tăng trưởng lợi nhuận kế hoạch 25,3% trong năm 2021 cũng là trên quan điểm thận trọng dựa theo kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12%, đồng nghĩa mức tăng lợi nhuận thực tế năm nay có thể cao hơn kế hoạch.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc làm thế nào đạt được mục tiêu 20 tỷ USD giá trị vốn hóa vào năm 2025, Tổng giám đốc Techcombank cho biết ngân hàng có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận mỗi năm khoảng 23-25%. Dựa trên tỷ lệ P/E hiện tại thì trong 5 năm tới, Techcombank hoàn toàn có thể đạt được mức vốn hóa 20 tỷ USD.

Một số cổ đông đặt câu hỏi về hợp tác giữa Techcombank với Masan, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết việc hợp tác cung cấp dịch vụ ngân hàng tại các cửa hàng tiện lợi VinMart+ của Masan mới chỉ là ý tưởng sơ khởi, Techcombank và Masan đang làm việc với nhau và đang xin phép NHNN. Phía NHNN đang có quan điểm rằng hình thức hợp tác này còn mới, cần phải nghiên cứu thêm.

>>> Xem thêm: ĐHCĐ Techcombank: Năm 2025, ngân hàng sẽ đạt 20 tỷ USD vốn hóa nhờ lợi nhuận tăng 23-25%/năm

 

Cùng chuyên mục
Tin khác