Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Loạt nhà băng tổ chức đại hội cổ đông thường niên

(VNF) - Trong tuần qua, SHB, SeABank, Sacombank, Techcombank, đều đồng loạt tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2022.

Ngân hàng tuần qua: Loạt nhà băng tổ chức đại hội cổ đông thường niên

Techcombank đã tổ chức thành công ĐHCĐ trong tuần qua

VPBank: Lãi quý I tăng gấp 3 lần, vốn chủ sở hữu vượt 95.000 tỷ đồng

Kết thúc quý I, thu nhập lãi thuần của VPBank đạt 9.887 tỷ đồng, tăng 8,42% so với cùng kỳ năm 2021.

Lãi thuần hợp nhất từ hoạt động dịch vụ tăng 26,5%, đạt hơn 1.249 tỷ đồng. Tỷ lệ này ở ngân hàng mẹ ghi nhận mức tăng tương ứng gần 30% và tại FE Credit là 4,8% so với cùng kỳ.

Khác với hoạt động dịch vụ, 3 hoạt động ngoài lãi khác đều có kết quả kém sắc. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm 31% so với quý I/2021, đạt hơn 171 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán kinh doanh đều ghi nhận lỗ lần lượt 83 tỷ đồng và 66 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là lỗ 43,5 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.

Dù các hoạt động ngoài lãi của VPBank có kết quả trái chiều trong quý I, tổng thu nhập hoạt động vẫn đạt mức tăng “khủng”, gấp 9 lần cùng kỳ, tương đương giá trị hơn 7.110 tỷ đồng nhờ ghi nhận khoản thu nhập hoạt động khác hơn 7.436 tỷ đồng.

Chốt quý I, VPBank báo lãi trước thuế ở tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 11.146 tỷ đồng, hoàn thành 37,6% kế hoạch cả năm. Đây là mức lợi nhuận cao nhất theo quý mà ngân hàng này từng đạt được từ trước tới nay.

>>> Xem thêm: VPBank: Lãi quý I tăng gấp 3 lần, vốn chủ sở hữu vượt 95.000 tỷ đồng

SHB: Gánh nặng trích lập dự phòng giảm 3.000 tỷ đồng

ĐHCĐ thường niên năm 2022 của SHB đã diễn ra vào chiều 20/4/2022, thông qua nhiều nội dung quan trọng mà HĐQT ngân hàng trình cổ đông.

Theo đó, kế hoạch kinh doanh năm 2022 được đại hội phê duyệt với mức lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 11.686 tỷ đồng, tăng mạnh 87% so với mức thực hiện năm 2021.

Tổng dư nợ tín dụng theo kế hoạch tăng 14,4%, đạt 421.715 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới mức 1,3%. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến tăng 9,8% lên mức 504.539 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo SHB, chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận 87% là hoàn toàn có cơ sở vì ngân hàng này đã tăng trích lập dự phòng trong năm 2021, qua đó xử lý xong nợ xấu ở VAMC. Gánh nặng trích lập năm 2022 sẽ giảm mạnh khoảng 3.000 tỷ đồng so với năm ngoái, tạo đà tăng trưởng lợi nhuận cho SHB.

ĐHCĐ SHB đã thông qua kế hoạch chào bán tối đa 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trả lời cổ đông về xác suất thành công của kế hoạch này, ông Đỗ Quang Hiển cho biết chỉ có thể đưa ra được tỷ lệ 50:50. Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ rằng các đối tác chiến lược nước ngoài đã quan tấm tới SHB trong nhiều năm trở lại đây, nhưng ngân hàng này muốn lựa chọn để tìm được đối tác trong trung và dài hạn.

Tại đại hội, ban lãnh đạo SHB cho biết dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng chiếm 6,75% tổng dư nợ. Trái phiếu bất động sản SHB đang nắm giữ đạt giá trị 4.100 tỷ đồng, trong tổng số 6.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (tính tới cuối năm 2021).

Theo đại diện ngân hàng, các trái phiếu này về pháp lý đều tốt và hiệu quả, đối tượng phát hành là các doanh nghiệp, dự án có tài chính và thanh khoản tốt.

“Tôi khẳng định các khoản đầu tư trái phiếu của SHB là an toàn tuyệt đối và thanh khoản cao”, ông Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh.

>>> Xem thêm: SHB: Gánh nặng trích lập dự phòng giảm 3.000 tỷ đồng

VietinBank bán khoản nợ 215 tỷ của Công ty TNHH Phát triển Thương mại Việt Phát

VietinBank chi nhánh Ngô Quyền mới đây đã thông báo bán khoản nợ có tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Phát triển Thương mại Việt Phát để xử lý, thu hồi nợ vay.

Dư nợ của công ty này tại VietinBank tính đến ngày 31/3/2022 là hơn 215 tỷ đồng, không bao gồm các khoản lãi và phí.

Tài sản đảm bảo bao gồm 9 căn chung cư tại số 93 Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Tổng giá trị tài sản theo định giá khi cho vay là 43,22 tỷ đồng.

Cùng với đó là 1 căn hộ chung cư tại khu đô thị Vinhomes Times City, 1 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 6+8 ngách 199/8 Phú Viên, tổ 1, phường Bồ Đề, quận Long Biên, lần lượt có giá trị là 3,16 tỷ đồng và 10,7 tỷ đồng.

Ngoài bất động sản, khoản nợ còn được đảm bảo bằng 1 xe ô tô 4 chỗ, nhãn hiệu Landrover, 1 xe ô tô 34 nhãn hiệu Tracomeco với giá trị lần lượt 7,6 tỷ đồng và 2,6 tỷ đồng; hàng tồn kho luân chuyển của bên vay hình thành từ vốn vay VietinBank với nguyên giá theo sổ sách là 277 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: VietinBank bán khoản nợ 215 tỷ của Công ty TNHH Phát triển Thương mại Việt Phát

ĐHCĐ thường niên năm 2022 của SeABank tổ chức ngày 21/4 vừa qua

ĐHĐCĐ: SeABank thông qua phát hành 321 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 22.690 tỷ

ĐHCĐ thường niên năm 2022 của SeABank tổ chức ngày 21/4 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng.

ĐHCĐ của SeABank phê duyệt kế hoạch kinh doanh năm 2022. Mục tiêu tổng tài sản dự kiến tăng 10%, huy động tăng ròng 22.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 16% so với cuối năm 2021.

Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng dự kiến tối đa 17%, phụ thuộc vào chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, tương đương tăng trưởng ròng 24.000 tỷ đồng so với năm 2021. SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 4.866,6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Một nội dung quan trọng khác được ĐHĐCĐ SeABank thông qua là kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua các hoạt động: phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên của SeABank năm 2022 (ESOP) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Về vấn đề nhân sự, đại hội thông qua việc bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập là ông Mathew Nevil Welch - thạc sỹ quản trị kinh doanh trường Kinh doanh Harvard (Mỹ).

>>> Xem thêm: ĐHĐCĐ: SeABank thông qua phát hành 321 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 22.690 tỷ

Chủ tịch Sacombank: Thu hồi nợ FLC vì dư luận, mong sớm xử lý xong 32,5% cổ phần liên quan VAMC

Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 22/4/2022, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Sacombank, cho biết nếu loại trừ tất cả các khoản phân bổ dự phòng, trích dự thu theo đề án tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lợi nhuận của Sacombank lên tới 13.000 tỷ đồng trong năm 2021, ngang ngửa một số ngân hàng tư nhân lớn.

4 tháng đầu năm nay, bà Diễm cho biết Sacombank đã tăng trưởng huy động trên 7%, tăng trưởng dư nợ cho vay 6,7% (trong hạn mức 7% đang được NHNN giao). Đáng chú ý, Sacombank cũng đã thu hồi được trên 11.500 tỷ đồng tài sản có vấn đề, thực thu gần 6.500 tỷ đồng, về cơ bản đã vượt kế hoạch cả năm và sẽ trình đại hội cổ đông nâng mục tiêu xử lý tài sản có vấn đề lên 15.000 tỷ đồng.

Đối với vấn đề cho vay nhóm doanh nghiệp liên quan Tập đoàn FLC (chủ tịch tập đoàn này là ông Trịnh Văn Quyết đã bị bắt cuối tháng 3/2022), bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết hiện nay dư nợ của FLC và Bamboo Airways vào khoảng trên 5.000 tỷ đồng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu và các dự án bất động sản ở Hà Nội, Quảng Ninh...

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho hay dư nợ của Sacombank với riêng FLC là khoảng 3.200 tỷ đồng và ngân hàng đã thu hồi 2.600 tỷ đồng.

"FLC thực ra là một khoản vay rất tốt nhưng vì dư luận nên chúng tôi đã làm việc với FLC để thu hồi lại và họ cũng hợp tác. Hiện nay, chúng tôi đã thu được 2.600 tỷ đồng, còn 600 tỷ đồng còn lại sẽ hoàn trả trong vòng 1 tháng tới", ông Minh thông tin.

>>> Xem thêm: Chủ tịch Sacombank: Thu hồi nợ FLC vì dư luận, mong sớm xử lý xong 32,5% cổ phần liên quan VAMC

BIDV lên kế hoạch lợi nhuận tăng 50%, phát hành tối đa 35.000 tỷ đồng trái phiếu

Năm 2022, BIDV lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 20.600 tỷ đồng, tăng 50% so với mức thực hiện năm 2021. Huy động vốn dự kiến phù hợp với việc sử dụng vốn và cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng, mục tiêu tăng trưởng ở mức 13%, tương ứng đạt hơn 1.705 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 12,5%, đạt 1.539 tỷ đồng, đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu theo kế hoạch duy trì ở mức dưới 1,5% trong năm 2022.

Cùng với đó, BIDV cũng phê duyệt phương án phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ trong năm 2022 để tăng quy mô hoạt động của ngân hàng, tạo thêm kênh thu hút vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của khách hàng.

Tổng giá trị phát hành tối đa theo mệnh giá là 35.000 tỷ đồng. Loại hình trái phiếu là không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm.

Đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của Luật Chứng khoán, bao gồm các tổ chức (cả tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Kỳ hạn của các trái phiếu này là 1-5 năm, sẽ được phát hành trong tối đa 35 đợt, dự kiến thực hiện trong năm 2022.

>>> Xem thêm: BIDV lên kế hoạch lợi nhuận tăng 50%, phát hành tối đa 35.000 tỷ đồng trái phiếu

ĐHCĐ Techcombank: Chưa cần thiết chia cổ tức, sẽ IPO TCBS nếu cần vốn

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2022, một trong những vấn đề được nhiều cổ đông Techcombank quan tâm là rủi ro trên thị trường trái phiếu cũng như thị trường bất động sản, sau những sự kiện thao túng thị trường, lừa đảo chiếm đoạt tài sản "rúng động" gần đây; trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Techcombank có mức độ tập trung cao vào trái phiếu và bất động sản.

Trấn an cổ đông, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh nhấn mạnh không ai nói rằng sẽ hạn chế phát triển thị trường vốn và những vấn đề xảy ra thời gian qua chỉ là thiểu số. "Khi đầu tư vào trái phiếu, ngân hàng thẩm định như một khoản vay trung, dài hạn và đương nhiên sẽ được quản trị rủi ro đầy đủ để đảm bảo việc trả nợ của khách hàng", lãnh đạo Techcombank nói. Việc làm lành mạnh thị trường trái phiếu là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức làm việc chuyên nghiệp như Techcombank.

Liên quan đến việc nắm giữ trái phiếu, phía Techcombank cho biết ngoài việc nắm giữ trong trung, dài hạn, ngân hàng cũng muốn tạo cơ hội để phân phối trái phiếu đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ và doanh nghiệp để cùng nhau phát triển thị trường vốn.

Về vấn đề chia cổ tức, Chủ tịch Techcombank nêu quan điểm nhất quán rằng ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu nếu cần thiết, tuy nhiên hiện nay chưa cần thiết và nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu còn phải chịu thuế thu nhập cá nhân 5%. Ngoài ra, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không liên quan gì đến diễn biến giá cổ phiếu.

Đối với kế hoạch IPO Công ty Chứng khoán Kỹ Thương Việt Nam (TCBS), ông Hồ Hùng Anh cho biết có rất nhiều đối tác quan tâm, vấn đề chỉ là có bán hay không (ngân hàng có cần vốn không) và nếu bán thì bán với giá bao nhiêu.

>>> Xem thêm: ĐHCĐ Techcombank: Chưa cần thiết chia cổ tức, sẽ IPO TCBS nếu cần vốn

Từ khoá: VPBank, SHB, SeABank, Techcombank, BIDV,
Tin mới lên