Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: OCB chào sàn, Vietcombank đặt kế hoạch tăng trưởng ‘siêu thận trọng’

(VNF) - Chuyển động đặc biệt ở Techcombank trong một năm đặc biệt; kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận “siêu thận trọng của Vietcombank; OCB chào sàn HoSE; Sacombank giảm dự phòng để gia tăng lợi nhuận;… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: OCB chào sàn, Vietcombank đặt kế hoạch tăng trưởng ‘siêu thận trọng’

OCB chào sàn HoSE là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 'siêu thận trọng' của Vietcombank

Tại hội nghị triển khai hoạt động kinh doanh năm 2021 diễn ra cách đây khoảng 2 tuần, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) cho biết kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng năm 2021 là 12%.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 công bố mới đây, có thể thấy kế hoạch này của Vietcombank là "siêu thận trọng".

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến mức tăng trưởng mạnh trong quý IV/2020 là việc Vietcombank ghi nhận một phần phí trả trước từ hãng bảo hiểm FWD theo hợp đồng hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền (bancassurance). Đây sẽ là lực đẩy quan trọng cho lợi nhuận của Vietcombank trong năm 2021.

Thứ hai, chất lượng các khoản cho vay trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không xấu như dự báo.

Thứ ba, trích lập dự phòng không còn tạo áp lực. Trong năm 2020, Vietcombank đã trích lập dự phòng rủi ro một cách khá cực đoan. Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cả năm là 9.916 tỷ đồng, nhưng nếu loại bỏ đi khoản hoàn nhập dự phòng rủi ro 2.000 tỷ đồng đối với khoản cho vay các tổ chức tín dụng thì tổng chi phí trích lập dự phòng lên đến gần 12.000 tỷ đồng.

Những yếu tố trên, cùng với các biện pháp thúc đẩy kinh doanh trong năm 2021, có thể nhìn nhận kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 12% là "siêu thận trọng" trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong tầm kiểm soát.

>>> Xem thêm: Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 'siêu thận trọng' của Vietcombank

Yuanta: Sacombank giảm dự phòng để gia tăng lợi nhuận là điều đáng ngại

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý cuối năm đạt 837 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2019.

Mảng tín dụng ghi nhận thu nhập lãi thuần 3 nghìn tỷ đồng, tăng tới 70% so với cùng kỳ. Biên lãi thuần NIM trên tổng tài sản bình quân đạt 2,47% trong quý, tăng 0,89 điểm% so với cùng kỳ, chủ yếu là do chi phí huy động vốn giảm nhẹ.

Tổng thu nhập hoạt động của Sacombank đạt trên 5 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2020, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng mạnh 53% lên gần 4 nghìn tỷ đồng (chủ yếu do chi phí dự phòng phải thu tăng gấp 7 lần).

Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chỉ đạt 64 tỷ đồng trong quý (giảm 86% so với cùng kỳ) đã giúp lợi nhuận sau thuế của Sacombank tăng mạnh 57%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Sacombank thời điểm cuối quý IV/2020 là 1,7%. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ xấu chưa dự phòng tại VAMC, con số vào khoảng 8%.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc Sacombank giảm dự phòng để gia tăng lợi nhuận là điều đáng ngại.

"Lợi nhuận quý IV/2020 chủ yếu đến từ việc giảm trích lập dự phòng. Ban lãnh đạo đã làm tốt khi giảm một nửa tài sản không sinh lời tính theo tỷ lệ phần trăm trong ba năm qua, nhưng nhiệm vụ này vẫn chưa kết thúc và có thể sẽ bị tác động kép bởi Covid-19", chuyên gia của Yuanta Việt Nam bình luận.

>>> Xem thêm: Yuanta: Sacombank giảm dự phòng để gia tăng lợi nhuận là điều đáng ngại

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: 'Từng bước tự do hóa giao dịch vốn tại Việt Nam một cách thận trọng'

Chiều 27/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đọc tham luận về các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trong bài tham luận, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh tới 8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong giai đoạn 2021-2025, chiến lược 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ nhất, tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. 

Thứ hai, thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyển quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay sang quan hệ mua bán ngoại tệ để tiếp tục giảm tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế; triển khai lộ trình từng bước tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam một cách thận trọng, phù hợp.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; mở rộng tín dụng theo hướng  tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. 

Thứ năm, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam. 

Thứ sáu, thực hiện tốt chương trình cải cách thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng văn hoá công sở, văn hoá doanh nghiệp, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh hoạt động thông tin tín dụng để nâng cao độ phủ và duy trì điểm chiều sâu thông tin tín dụng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành thực hiện các giải pháp góp phần nâng cao Chỉ số tiếp cận tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ bảy, chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai công tác truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao sự minh bạch hóa thông tin, đáp ứng yêu cầu hoạt động thông tin của NHNN và thực hiện các cam kết quốc tế.

Cuối cùng, hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, trong đó trọng tâm là tổng kết, nghiên cứu khả năng sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng chống rửa tiền tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, tăng cường thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng.

>>> Xem thêm: Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: 'Từng bước tự do hóa giao dịch vốn tại Việt Nam một cách thận trọng'

Chào sàn HoSE, cổ phiếu OCB giảm gần 20%

Sáng 28/1, hơn 1 tỷ cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông đã được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). So với giá chào sàn là 22.900 đồng/cổ phiếu, OCB kết phiên ở mức 18.400 đồng/cổ phiếu, tức giảm gần 20%.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết: “Việc niêm yết cổ phiếu trên HoSE sẽ giúp ngân hàng huy động vốn, đảm bảo năng lực tài chính cho quá trình phát triển nhanh trong giai đoạn tăng trưởng mới với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, tổng tài sản và vốn điều lệ từ 20-25%/năm trong giai đoạn 2021-2025”.

Là mã cổ phiếu ngân hàng đầu tiên niêm yết mới trên HoSE trong năm 2021, cổ phiếu OCB nhận được rất nhiều kì vọng của giới tài chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng loạt nhà đầu tư bán tháo, VN-Index vừa "bốc hơi" hơn 70 điểm phiên sáng nay, cổ phiếu OCB cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng.

Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 22.900 đồng/cổ phiếu và biên động dao động giá là 20%, cổ phiếu OCB kết phiên giao dịch sáng 28/1 ở mức 18.400 đồng/cổ phiếu, tức giảm gần 20%. Khối lượng khớp lệnh là hơn 6,2 triệu đơn vị. Tạm tính theo thị giá này, vốn hóa thị trường của OCB đạt hơn 20.000 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: Chào sàn HoSE, cổ phiếu OCB giảm gần 20%

Chuyển động đặc biệt ở Techcombank trong một năm đặc biệt

2020 là một năm đặc biệt với nhân loại, với nền kinh tế toàn cầu nói chung và với ngành ngân hàng, với Techcombank nói riêng.

Đầu tiên phải kể đến việc tăng trưởng tín dụng "đi bằng hai chân". Cấu phần dư nợ tín dụng chủ yếu bao gồm 2 thành phần chính: dư nợ cho vay và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp.

Trên thực tế ở các ngân hàng khác, đa phần tăng trưởng dư nợ tín dụng đến từ tăng trưởng dư nợ cho vay. Tuy nhiên từ lâu, Techcombank đã là một ngân hàng tham gia sâu vào quá trình phân phối trái phiếu doanh nghiệp nên tỷ trọng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trong tổng dư nợ tín dụng thuộc hàng lớn nhất hệ thống ngân hàng. 

Năm 2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Techcombank đã đồng đều hơn, khi dư nợ cho vay tăng khoảng 20% (chủ yếu tăng trong quý IV) còn dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng khoảng trên 50%. Chốt năm, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 23%.

Điểm đặc biệt thứ hai là sự biến đổi trong chiến lược trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2020, Techcombank đã đồng loạt gia tăng trích lập dự phòng rủi to tín dụng, song song với đó là mạnh tay dùng nguồn dự phòng xóa nợ xấu.

Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm vừa qua của Techcombank ở mức 2.611 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm 2019. Trong năm, ngân hàng này đã dùng tới 3.363 tỷ đồng dự phòng để xử lý nợ xấu, so với mức vỏn vẹn 256 tỷ đồng của năm 2019.

Kết quả là tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,3% cuối năm 2019 xuống 0,5% cuối năm 2020. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng tương ứng từ 95% lên 171%.

>>> Xem thêm: Chuyển động đặc biệt ở Techcombank trong một năm đặc biệt

Tin mới lên