Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Thống đốc yêu cầu tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất, tiền gửi không kỳ hạn tăng

(VNF) - Thống đốc NHNN yêu cầu tạo điều kiện giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất; không mạnh tay trích lập dự phòng, ngân hàng vẫn lãi đậm mùa Covid-19; tiền gửi không kỳ hạn của người dân trong tài khoản ngân hàng tăng mạnh trở lại... là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: Thống đốc yêu cầu tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất, tiền gửi không kỳ hạn tăng

Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phải tạo điều kiện giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất

Thống đốc: 6 tháng cuối năm, cần tạo điều kiện giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành văn bản số 5596 /NHNN-VP gửi các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Thống đốc yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2020, việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phải bám sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, đảm bảo thanh khoản thị trường, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ ổn định và tạo điều kiện giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất.

Người đứng đầu ngành ngân hàng đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN, bảo đảm phù hợp thực tiễn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, TCTD tháo gỡ khó khăn, khôi phục kinh tế. Tập trung chỉ đạo các TCTD triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất, phí... quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Đáng chú ý, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các TCTD, đặc biệt là công ty tài chính tiêu dùng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)... triển khai mạnh mẽ các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật.

>>> Xem thêm: Thống đốc: 6 tháng cuối năm, cần tạo điều kiện giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất

Kinh doanh mùa Covid-19: Không mạnh tay trích lập dự phòng, ngân hàng vẫn lãi đậm

Mặc dù nguồn thu từ mảng tín dụng tăng trưởng khá chậm nhưng nhờ thúc đẩy nguồn thu phi tín dụng, cùng với đó là kiểm soát chặt chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (chưa tính dự phòng) của các ngân hàng vẫn tăng trưởng khá tốt trong nửa đầu năm 2020, bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Cụ thể, thống kê đối với 28 ngân hàng thương mại (*) cho thấy nửa đầu năm 2020, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 105.000 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Cùng với đó, mức tăng chi phí dự phòng trong nửa đầu năm dù cao hơn mức tăng lợi nhuận thuần nhưng không thực sự tăng mạnh. Lợi nhuận trước thuế (lợi nhuận thuần sau khi trừ đi chi phí dự phòng) vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao.

Nhìn chung, các ngân hàng đang không muốn hy sinh lợi nhuận để gia tăng "bộ đệm" dự phòng nợ xấu bất chấp dịch Covid-19 khiến bối cảnh kinh doanh trở nên đầy rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ tổn thất lớn trong tương lai.

Mặc dù vậy, vẫn có một số ngân hàng chọn cách đi an toàn: hy sinh tăng trưởng lợi nhuận để gia tăng "bộ đệm" dự phòng.

Một số ngân hàng có chi phí dự phòng tăng trưởng mạnh là Vietcombank, MB và ACB, với mức tăng lần lượt là 21%, 40% và 457%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank lại giảm 3%, MB và ACB đều chỉ tăng 5%.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng như Techcombank và TPBank dù tăng mạnh chi phí dự phòng nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng tốt do lợi nhuận thuần vốn dĩ đã tăng cao.

(*) 28 ngân hàng thương mại bao gồm: ABBank, ACB, BacABank, BIDV, Eximbank, HDBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, MB, MSB, NamABank, NCB, OCB, PGBank, Sacombank, Saigonbank, SCB, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, VietABank, VietBank, Viet Capital Bank, Vietcombank, VietinBank, VPBank.

>>> Xem thêm: Không mạnh tay trích lập dự phòng, ngân hàng vẫn lãi đậm mùa Covid-19

Tiền gửi không kỳ hạn của người dân trong tài khoản ngân hàng tăng mạnh trở lại

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến cuối quý II/2020, toàn hệ thống ngân hàng có gần 524.000 tỷ đồng tiền gửi thanh toán của cá nhân trong tài khoản ngân hàng.

Tính toán cho thấy, trong quý II/2020, tổng tiền gửi thanh toán của cá nhân đã tăng tới gần 47.300 tỷ đồng.

Lượng tiền gửi thanh toán của cá nhân tăng mạnh trở lại trong quý II là chỉ báo cho thấy mức độ sẵn sàng chi tiêu đã phục hồi rõ rệt.

Diễn biến này cũng có lợi cho hệ thống ngân hàng bởi tiền gửi thanh toán có lãi suất rất thấp. Càng nhiều tiền gửi thanh toán, chi phí vốn của ngân hàng càng thấp.

Xu hướng chi tiêu tăng trở lại thể hiện khá rõ khi nhìn vào số liệu giao dịch thanh toán nội địa. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, trong quý II/2020, số lượng giao dịch được thanh toán bằng thẻ ngân hàng là hơn 171 triệu món với giá trị giao dịch trên 399.000 tỷ đồng.

>>> Xem thêm: Tiền gửi không kỳ hạn của người dân trong tài khoản ngân hàng tăng mạnh trở lại

Nhiều ngân hàng ngoại rót vốn vào doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam

Ngày 11/8, IFC - thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới đã công bố sẽ cung cấp khoản vay trị giá 70 triệu USD cho Công ty Cổ phần Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần (ITL Corp) của Việt Nam.

Tương tự, Công ty Cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang LGG sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân cũng vừa nhận được khoản giải ngân từ gói tài chính toàn cầu trị giá 1 tỷ USD của ngân hàng Standard Chartered, nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Cũng nằm trong nhóm ngân hàng ngoại hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) – Ngân hàng HSBC Việt Nam đã trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên phát hành trái phiếu tổng trị giá 600 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam.

Số tiền từ đợt phát hành sẽ được Ngân hàng HSBC Việt Nam sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động của ngân hàng, đa dạng hóa nguồn vốn tiền đồng, nhằm phục vụ cho việc tăng trưởng kinh doanh bền vững của ngân hàng trong thời gian sắp tới.

>>> Xem thêm: Nhiều ngân hàng ngoại rót vốn vào doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam

Viện kiểm sát nhân dân TP. HCM kháng nghị tăng hình phạt với bị cáo Trầm Bê

Viện kiểm sát nhân dân TP. HCM đã ký quyết định kháng nghị, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam) cùng một số bị cáo khác nguyên là cán bộ, nhân viên của ngân hàng này.

Theo kháng nghị, mức án mà tòa án sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang (nguyên Phó tổng giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Phương Nam) cùng các đồng phạm là không tương xứng với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội.

Đối với Trầm Viết Trung, Viện kiểm sát nhận định bị cáo này phạm lỗi cố ý, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, căn cứ theo nghị quyết của hội đồng thẩm phán thì bị cáo không được hưởng án treo.

>>> Xem thêm: Viện kiểm sát nhân dân TP. HCM kháng nghị tăng hình phạt với bị cáo Trầm Bê

Tin mới lên