Ngân sách trung ương rót thêm 3.220 tỷ vào Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
(VNF) - Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được bổ sung thêm 3.220 tỷ đồng tiền vốn từ ngân sách trung ương. Dự kiến dự án sẽ hoàn vốn 22 năm 5 tháng, sớm hơn nửa năm so với phương án trước đó.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh do UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án. Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 568 là nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP.
Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài 93,35km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng.
Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được triển khai theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m đối với các đoạn phức tạp.
Ban đầu, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, được Bộ Giao thông vận tải lập quy hoạch có chiều dài 144 km, có tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Đây là dự án rất khó về yếu tố kỹ thuật bởi địa hình hiểm trở, đặc biệt là suất đầu tư rất lớn, lưu lượng thấp dẫn đến bài toán hoàn vốn khó khăn. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.
Do đó, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23km chiều dài tuyến xuống còn 121km.
Trên cơ sở tính toán về phương án tài chính và sự phù hợp với tính khả thi để có thể thu xếp vốn nhưng đảm bảo tiết kiệm tối đa cho ngân sách nhà nước, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách nhà nước tham gia khoảng 9.800 tỷ đồng (chiếm 69,38% tổng mức đầu tư), tăng khoảng 3.220 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương.
Còn lại, vốn do nhà đầu tư huy động: 4.325,41 tỷ đồng (chiếm 30,62% tổng mức đầu tư), bao gồm: vốn chủ sở hữu, vốn vay, vốn huy động khác.
Đề xuất trên đã được sự chấp thuận của Quốc hội tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023.
Trước đó, phần vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án là 6.580 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 2.500 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng.
Do thay đổi về cơ cấu nguồn vốn, vốn ngân sách nhà nước trong dự án thay đổi, do đó cần tính toán lại phương án tài chính. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật về PPP, cần phải cập nhật lại thông số đầu vào của phương án tài chính về lãi suất của phần vốn huy động và lợi nhuận của vốn chủ sở hữu.
Sau khi tính toán, thời gian thu phí hoàn vốn là 22 năm 5 tháng, thấp hơn nửa năm so với Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/01/2023.
Tại Tờ trình số 1106, UBND tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, trong đó giai đoạn 1 là từ năm 2020 - 2026; giai đoạn 2 là sau năm 2026.
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương 10.200 tỷ: Điểm tắc khiến Futa Group chưa được vay vốn
- Thủ tướng: Tăng cường chống tiêu cực, tham nhũng trong xây dựng cao tốc 07/05/2024 07:45
- Công trường xây cầu 1.500 tỷ vượt sông Đáy trên cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng 07/05/2024 07:00
- Cao tốc 19.700 tỷ do Geleximco đề xuất có diễn biến mới 05/05/2024 07:03
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.