Ngành bất động sản Trung Quốc đối mặt nhiều 'cam go'

Quỳnh Anh - 23/12/2021 15:20 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi “bom nợ” Evergrande với khoản nợ 300 tỷ USD chính thức vỡ nợ vào đầu tháng 12, ngành bất động sản vốn đang yếu kém của Trung Quốc vẫn đang đối mặt với những bất ổn tiềm tàng, chủ yếu tới từ khoản nợ trái phiếu nước ngoài khổng lồ và vấn đề lương cho công nhân.

VNF
Ngành bất động sản Trung Quốc vô cùng "cam go" sau khi Evergrande vỡ nợ.

Mặc dù sự sụp đổ của Evergrande đã được báo trước và được chính phủ Trung Quốc “o bế” hết mực để không châm ngòi cho rủi ro lan rộng tới các nhà phát triển trong ngành bất động sản, ngành nhà đất Trung Quốc vẫn không tránh khỏi bị tác động.

Do cùng mắc phải vấn đề giống như Evergrande là nợ trái phiếu nước ngoài, nên hiện tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước cũng đang “đau đầu” để trả nợ trái phiếu nước ngoài. Đặc biệt, vấn đề càng gây ra áp lực gấp bội khi số nợ phải trả trong thời gian tới lại tăng vọt, mà ngành bất động sản tại Trung Quốc lại đang ở trong giai đoạn yếu kém chưa từng có trong nhiều năm nay.

Theo Ting Lu và Jing Wang – các nhà phân tích của Nomura, các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc sẽ phải đối mặt với khoản tiền 19,8 tỷ USD trái phiếu đáo hạn ở nước ngoài trong quý I và 18,5 tỷ USD trong quý II/2022.

Thậm chí, con số 19,8 tỷ USD đáo hạn trong quý I gần như nhiều gấp đôi số tiền 10,2 tỷ USD phải trả trong quý IV/2022, chứng tỏ áp lực rất lớn mà các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt trong những tháng đầu năm mới 2022.

Theo các nhà phân tích, giả sử đồng USD giữ ổn định ở mức tương đương 6,4 NDT, tính cả số trái phiếu đáo hạn bằng đồng NDT trong nước, tổng số trái phiếu mà ngành bất động sản phải đáo hạn sẽ lên tới 210 tỷ NDT (32,9 tỷ USD) trong quý I, 209 tỷ NDT trong quý II và 191 tỷ NDT (29,84 tỷ USD) trong quý IV/2022.

Tuy nhiên, xét tới nguy cơ đồng NDT có thể bị mất giá và chi phí tài trợ ra nước ngoài tăng cao trong bối cảnh các khoản nợ tín dụng gia tăng, áp lực trả nợ bằng đồng USD cho các trái phiếu nước ngoài còn có thể lớn hơn dự kiến.

Ngoài những khoản đáo hạn trái phiếu, các doanh nghiệp trong nước còn đang đối mặt với một vấn đề khác cấp bách không kém là trả lương cho công nhân xây dựng trước Tết Nguyên đán.

Các nhà phân tích của Nomura cho biết: “Không giống như các lĩnh vực khác, lĩnh vực xây dựng trả phần lớn tiền lương và thưởng hàng năm cho công nhân nhập cư ngay trước khi kết thúc mỗi năm âm lịch. Dựa trên khảo sát sơ bộ của chúng tôi, số lượng bị hoãn này chiếm tới 2/3 lương thưởng hàng năm của công nhân”.

Ước tính, khoản tiền lương hoãn mà các nhà phát triển tư nhân đang nợ công nhân xây dựng rơi vào khoảng 1.100 tỷ NDT (172 tỷ USD).

Xét tới việc khoản tiền này phải được thanh toán cho công nhân trước Tết Nguyên đán và những quy định nghiêm khắc của pháp luật về việc trả chậm lương cho công nhân, đây chắc chắn là một áp lực không hề nhỏ với các nhà phát triển bất động sản trong nước ở thời điểm hiện tại.

Trong khi nhiều nhà phát triển bất động sản đang trong tình cảnh “nước sôi lửa bỏng”, thì hoá ra màn vỡ nợ của Evergrande lại trở thành một sự việc không mấy tồi tệ.

Bởi lẽ, sau khi “cầu cứu” chính quyền tỉnh Quảng Đông và được cử riêng một nhóm xử lý khủng hoảng xuống tập đoàn, Evergrande giờ đây không còn “quay cuồng” với núi nợ lãi trái phiếu mà đã bắt đầu quá trình tái cơ cấu nợ với sự giúp sức của chính quyền.

Trong động thái mới nhất liên quan tới tập đoàn này, chính quyền Trung Quốc cho biết đội xử lý khủng hoảng được cử xuống tập đoàn đang sử dụng các nguồn lực dồi dào và sẽ "tích cực tham gia" các cuộc gặp mặt với các chủ nợ. Tin tức này giúp cổ phiếu tập đoàn tăng 2,1% trong phiên ngày 23/12, trong khi cổ phiếu nhiều công ty cùng ngành vẫn “đỏ lửa”.

Xem thêm >> S&P chính thức tuyên bố Evergrande vỡ nợ

Theo CNBC, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác