Tài chính

Ngành thép lao dốc, bộ tứ 'ông lớn' xoay xở ra sao trong quý III/2019?

(VNF) - Nếu như Hòa Phát chấp nhận phương án hy sinh lợi nhuận để phục vụ mục tiêu tăng thị phần thì Hoa Sen lại ưu tiên lợi nhuận hơn. Trong khi đó, Thép Nam Kim hoạt động khá cầm chừng với biên lợi nhuận gộp thấp, còn Thép Pomina thì ghi nhận thua lỗ lên đến cả trăm tỷ đồng trong quý vừa qua.

Ngành thép lao dốc, bộ tứ 'ông lớn' xoay xở ra sao trong quý III/2019?

Ngành thép đang lao dốc (Ảnh minh họa)

Quý III/2019, các doanh nghiệp ngành thép tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khiến kết quả kinh doanh kém khả quan.

Trong số các doanh nghiệp ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp hiếm hoi ghi nhận doanh thu thuần quý vừa qua tăng so với cùng kỳ năm ngoái, dù mức tăng khá khiêm tốn là 6,3%.

Dù vậy, lợi nhuận trước thuế của "vua thép" vẫn giảm tới 24%, xuống còn 2.160 tỷ đồng.

Diễn biến bất lợi của giá quặng sắt là nguyên nhân quan trọng khiến giá vốn của Hòa Phát tăng đáng kể (13% trong quý III/2019), bào mòn mạnh doanh thu.

Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác là Hòa Phát chủ động giảm giá bán để kích sản lượng tiêu thụ, điều này cũng làm giá vốn tăng nhưng đồng thời giúp doanh thu tăng - một sự đánh đổi để giành thị phần nhằm chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho khối lượng thép khổng lồ từ "siêu dự án" Dung Quất.

Bên cạnh các yếu tố liên quan đến giá vốn, chi phí hoạt động tăng cao cũng là nguyên nhân lớn khiến lợi nhuận của Hòa Phát giảm mạnh.

Tính toán cho thấy, tổng chi phí hoạt động (bao gồm chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) quý III/2019 của doanh nghiệp này tăng tới 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tất cả các chi phí đều tăng mạnh: chi phí lãi vay tăng 88%, chi phí bán hàng tăng 20% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 191%.

Sự gia tăng đồng loạt các chi phí hoạt động gắn liền với mục tiêu phục vụ "siêu dự án" Dung Quất, chẳng hạn chi phí lãi vay tăng mạnh do tăng vay nợ để làm dự án, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp (chủ yếu là chi phí dịch vụ mua ngoài) tăng đáng kể để kích sản lượng tiêu thụ.

Nếu như Hòa Phát chấp nhận phương án hy sinh lợi nhuận để phục vụ mục tiêu tăng thị phần thì nhiều doanh nghiệp khác lại ưu tiên lợi nhuận hơn, tiêu biểu là Tập đoàn Hoa Sen. 

Quý III/2019, "vua tôn" ghi nhận doanh thu giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 6.349 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá vốn lại giảm tới 30% đã khiến lợi nhuận gộp tăng tới 15%, trong bối cảnh lợi nhuận gộp quý vừa qua của các doanh nghiệp ngành thép đa phần suy giảm, thậm chí giảm rất sâu (chẳng hạn như Công ty Thép Nam Kim giảm 40% hay Công ty Thép Pomina giảm tới 92%, ngay như Hòa Phát cũng giảm 17%).

Bên cạnh đó, Hoa Sen cũng tiết giảm mạnh chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay. Cụ thể, tổng chi phí hoạt động trong kỳ của tập đoàn này giảm 16%, trong đó chi phí lãi vay giảm 21%.

Ngoài ra, việc không còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc đầu cơ thép nguyên liệu cũng giúp "vua tôn" tiết kiệm khoản chi phí tài chính cả trăm tỷ đồng.

Việc giảm chi mạnh hơn hẳn giảm thu giúp Hoa Sen ghi nhận 95,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2019, khác xa mức lỗ lên đến 106 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Nếu như Hòa Phát chấp nhận phương án hy sinh lợi nhuận để phục vụ mục tiêu tăng thị phần thì Hoa Sen lại ưu tiên lợi nhuận hơn

Trong khi Hòa Phát tập trung vào tăng sản lượng, Hoa Sen tập trung cải thiện lợi nhuận thì "ông lớn" Thép Nam Kim lại đang hoạt động khá cầm chừng.

Quý vừa qua, doanh thu thuần của Thép Nam Kim giảm 12% xuống 3.068 tỷ đồng, tuy nhiên, do giá vốn diễn biến kém thuận lợi nên lợi nhuận gộp của của doanh nghiệp này giảm tới 40% xuống còn hơn 100 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp giữ ở mức rất thấp, chỉ 3%, cho thấy mức độ "mong manh" của Thép Nam Kim trước sự thay đổi của giá vốn, đặc biệt là giá nguyên vật liệu.

Mặc dù đã mạnh tay giảm chi phí hoạt động với mức giảm 30% (chủ yếu là giảm chi phí lãi vay và chi phí bán hàng) nhưng lợi nhuận trước thuế của "ông lớn" ngành thép này cũng chỉ ở mức 13 tỷ đồng, dù sở hữu lượng tài sản lên đến trên 7.600 tỷ đồng.

Bi đát hơn Thép Nam Kim là trường hợp của Thép Pomina. Doanh thu thuần của doanh nghiệp này giảm 15% trong quý vừa qua (đạt 2.966 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận gộp giảm tới 92% xuống chỉ còn vỏn vẹn 9,2 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp ở mức cực thấp, chỉ 0,3%.

Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động của "ông lớn" sở hữu tới hơn 11.000 tỷ đồng tổng tài sản này tăng tới 56% trong quý vừa qua (trong đó tăng mạnh nhất là chi phí lãi vay), đã khiến Thép Pomina lỗ tới 118 tỷ đồng, khác xa mức lãi 29 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh nhu cầu thế giới yếu cản trở việc phục hồi của giá thép, đặc biệt là thép cán nóng; giá thép dài cũng đang diễn biến kém khả quan; trong khi đó, giá nguyên vật liệu vẫn ở mức khá cao, giới chuyên gia dự báo rằng năm 2019 sẽ là một năm tái cấu trúc của các doanh nghiệp ngành thép.

Đồng thời, các nhà máy thép kém hiệu quả có thể bị đào thải khỏi ngành nếu tình trạng này kéo dài.

Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng khó khăn với 45% lượng thép xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi phòng về thương mại, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép được dự báo sẽ tập trung khai thác thị trường nội địa vốn có dư địa tăng trưởng khả quan hơn thị trường nước ngoài, tạo ra cạnh tranh gay gắt hơn.

Tin mới lên