Nghịch lý doanh nghiệp xin được chịu thuế VAT để giảm giá bán

Huyền Trang - 17/06/2024 16:00 (GMT+7)

(VNF) - Trong khi các ngành nghề khác xin được giảm thuế thì các doanh nghiệp phân bón lại xin được chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5%.

Áp thuế nhưng giá phân không tăng

Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, dự kiến trình Quốc hội xem xét tới đây, đa số các ý kiến đều ủng hộ đề xuất đưa phân bón được đưa vào diện chịu thuế Giá trị Gia tăng thay vì không chịu thuế như quy định hiện hành .

Bởi lẽ, trên thực tế với một số ngành sản xuất, việc chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) thấp ở mức độ vừa phải có lợi hơn rất nhiều so với đối tượng không chịu thuế.

Nguyên nhân là khi không chịu thuế VAT doanh nghiệp cũng không được kê khai, khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất (VAT đầu vào), gồm đầu tư, mua sắm tài sản cố định. Trong khi đó, các chi phí đầu vào đang chịu thuế VAT 7 - 8% nên nếu áp mức VAT đầu ra 5% doanh nghiệp sản xuất phân bón lại được khấu trừ 7 - 8% đầu vào kia sẽ được lợi hơn.

Áp thuế VAT 5% là người dân hưởng lợi chứ không phải giá phân tăng.

Việc có khoản chêch lệch giảm trừ ở VAT đầu vào ở mức 7 - 8% và đầu ra giúp chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm từ 2 - 3%, từ đó có cơ sở giá bán thấp hơn tăng sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc CTCP DAP –Vinachem cho hay, là một trong hai đơn vị sản xuất DAP tại Việt Nam, toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, hàng năm tính vào khoảng 7 - 8% chi phí sản xuất tăng thêm, ước tính mỗi năm mất khoảng 100 tỷ đồng, 10 năm nay thì luỹ kế lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng.

Ông Trung phân tích, khi giá thành sản xuất tăng, mà giá bán trên thị trường không điều chỉnh được, vì có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế, có điều kiện để giảm giá bán và trong nước, hàng sản xuất lại bị tăng giá thành, nên ngành sản xuất phân bón trong nước thời gian qua không làm chủ được thị trường, không chi phối được thị trường, phải theo luật chơi của phân bón nhập khẩu.

"Phân bón nhập khẩu hình thành mặt bằng chung cho giá trên thị trường, chúng tôi bắt buộc phải chấp nhận theo. Giá thành tăng lên nhưng giá bán không thể điều chỉnh theo. Đó là khó khăn lớn nhất cho Công ty, cũng là nguyên nhân khiến sản xuất – kinh doanh sụt giảm", ông Trung nói.

Theo ông, một thiệt hại lớn hơn là trong 10 năm qua, doanh nghiệp vừa chịu cạnh tranh vừa chịu tác động của Luật số 71/2014/QH13 hướng dẫn về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng dẫn tới không muốn đầu tư nâng cấp nhà máy vì không được hoàn thuế đầu vào. Trong 10 năm qua, ở Việt Nam, không nhiều doanh nghiệp phân bón đầu tư các dự án lớn.

Áp thuế, DN và nông dân hưởng lợi

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế cho biết, việc áp thuế VAT với mặt hàng phân bón sẽ khiến giá phân bón giảm đi chứ không tăng lên. Bên cạnh đó, khi không chịu thuế, chi phí sản xuất phân bón nội địa cao hơn dẫn đến giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng gây bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu.

Phải giải thích cho người nông dân và dư luận hiểu việc áp thuế VAT với mặt hàng phân bón sẽ khiến giá phân bón giảm đi chứ không tăng lên.

Mỗi năm ngành nông nghiệp tiêu thụ 11-12 triệu tấn phân bón, trong đó các sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài họ chịu thuế VAT nên được khấu trừ và giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước. Cho nên doanh nghiệp nội địa và người nông dân "thiệt đơn thiệt kép", ông Phụng nói.

Phân tích về những lợi ích khi áp dụng thuế VAT 5% với ngành phân bón, ông Phụng cho rằng có ba lợi ích rất cụ thể.

Thứ nhất là, tăng thu ngân sách đối với thuế nhập khẩu trong khi vẫn giữ mặt bằng giá bán trong nước. Đối với nông dân có cơ hội yêu cầu doanh nghiệp bán giá mới thấp hơn, yêu cầu doanh nghiệp phân bón thực hiện nguyên tắc đúng theo Luật, được khấu trừ đầu vào cần hạ mặt bằng giá bán.

Thứ hai, chúng ta đang hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tiến tới kinh tế nông nghiệp nông thôn. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư về nông thôn, việc áp thuế VAT giúp doanh nghiệp phân bón được khấu trừ kê khai thuế VAT đầu vào.

Thứ ba, có những doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng chịu thuế 5% nhưng đầu vào 10%, trước đó phân bón thuốc trừ sâu, ngành dược, thiết bị… thuế đầu ra thấp hơn đầu vào, nhà nước hoàn lại cho doanh nghiệp, tránh doanh nghiệp bị mất vốn.

“Hiện nay có gần 100.000 tỷ thuế VAT đầu vào không được khấu trừ, đang nằm ở các doanh nghiệp đang hạch toán ghi nợ vào tài khoản kế toán, thuế VAT đầu vào được khấu trừ nhưng các DN này lại không được khấu trừ, nó là một khoản mất vốn”, ông Phụng nói.

Đại diện DAP –Vinachem cũng cho rằng việc áp thuế VAT 5% sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí thuế đầu vào, dẫn tới giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

"Chúng ta đã qua rất nhiều năm không đổi mới được công nghệ, do vướng các thủ tục về luật thuế, dẫn tới hiệu quả kinh tế không có nên không đổi mới được", vị này cho hay.

Phân bón Phú Mỹ: Bí quyết cho vụ mùa bội thu ở miền Trung – Tây Nguyên

Phân bón Phú Mỹ: Bí quyết cho vụ mùa bội thu ở miền Trung – Tây Nguyên

Thị trường
(VNF) - Phân bón Phú Mỹ với mong muốn đồng hành cùng nhà vườn, đã không ngừng nghiên cứu, phát triển những sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng và cây trồng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên .
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.