Người đàn ông sở hữu khối tài sản hơn 22 tỷ đồng nhờ ‘ăn xin’

Bảo Anh - 16/12/2024 15:15 (GMT+7)

(VNF) - Ông Bharat Jain, người ăn xin giàu nhất thế giới, đã âm thầm tích góp tài sản trong suốt 40 năm thông qua việc ăn xin. Đến nay, ông đang sở hữu những bất động sản trị giá 165.075 USD và giá trị tài sản ròng lên tới hơn 880.000 USD (hơn 22 tỷ VND).

Nhắc tới “ăn xin”, thông thường, mọi người đều nghĩ tới hình ảnh những người nghèo khốn khổ với bộ quần áo cũ rách đi lại trên đường, hoặc ngồi một góc quen thuộc tại một địa điểm hàng ngày và dang rộng tay xin tiền mỗi khi có người qua lại. Thế nhưng, với một số ít những người “hành nghề ăn xin”, họ coi đây là một mô hình có thể đem lại lợi nhuận.

Ông Bharat Jain, người ăn xin được cho là giàu nhất thế giới chính là ví dụ điển hình cho “công việc” này. Sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ, câu chuyện cuộc đời ông Bharat Jain không chỉ khó tin mà còn thách thức mọi khái niệm thông thường về đói nghèo và ăn xin.

Trong suốt những năm tháng thơ ấu, ông Bharat liên tục phải đối mặt với những khó khăn tài chính, thậm chí là gia đình không đủ điều kiện để cho ông ăn học. Từ nhỏ đến lớn, ông Bharat đã đi xin tiền khắp nơi này đến chốn nọ, khó khăn đến mức bản thân ông không đủ tiền để có một bữa ăn hay một nơi ở tử tế.

Sau đó, nhờ chăm chỉ tích luỹ và có kế hoạch rõ ràng, ông Bharat đã xây dựng đế chế của riêng mình với khối tài sản lên đến 7,5 crore Rupee (884.334 USD). Số tiền này không chỉ giúp đỡ chính bản thân ông mà còn đem lại sự an toàn về tài chính cho cả gia đình của Bharat.

Ông Bharat Jain đang có 2 căn hộ ở Mumbai với giá trị khoảng 1,4 crore Rupee (165.075 USD). (Nguồn ảnh: India.com)

Theo báo cáo của Economic Times, đến nay, ông Bharat đang sở hữu giá trị tài sản ròng lên đến 7,5 crore rupee (884.334 USD), trong đó bao gồm nhiều bất động sản và thu nhập nhiều hơn một nhân viên văn phòng bình thường tại Ấn Độ.

Nguồn thu nhập chính trong suốt 40 năm nay của ông Bharat vẫn đến từ việc ăn xin 10 – 12 giờ/ngày. Báo cáo cho biết khoản thu trung bình ông kiếm được hàng ngày từ công việc này rơi vào khoảng 2.000 – 2.500 Rupee/tháng, tuỳ thuộc vào lòng tốt của người qua đường.

Với đà thu nhập trên, ông Bharat có thể đem về 60.000 – 75.000 Rupee/tháng (707 – 884 USD), cao hơn mức lương mà nhiều người lao động thông thường, trong đó thậm chí có cả các chuyên gia Ấn Độ, được hưởng hàng tháng.

Điểm quan trọng nhất, khác với những người ăn xin ít học khác, ông Bharat sở hữu đầu óc nhanh nhạy trong kinh doanh, giúp ông tận dụng khôn ngoan số tiền mình kiếm được từ việc ăn xin.

Hiện tại, ông đang sở hữu 2 căn hộ ở Mumbai với giá trị khoảng 1,4 crore Rupee (165.075 USD), cũng là nơi sinh sống của ông cùng bố đẻ, anh trai, vợ và 2 người con, cộng thêm 2 cửa hàng tại Thane, nơi đem lại thu nhập cố định 30.000 Rupee/tháng (353,7 USD/tháng) nhờ việc cho thuê lại. Những khoản đầu tư này là trợ lực giúp ông nuôi sống gia đình, đồng thời đảm bảo tương lai ổn định cho các con.

Mặc dù đã có một cuộc sống tương đối đủ đầy, ông Bharat hiện vẫn tiếp tục hành nghề ăn xin tại những địa điểm đông đúc như Chhatrapati Shivaji Terminus và Azad Maidan ở Mumbai, trong khi 2 người con trai của ông đã hoàn thành việc học và cả gia đình ông đang điều hành một cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm.

Theo ông Bharat, ông vẫn đang nỗ lực “làm việc” với mục tiêu không để các con phải đối mặt với những khó khăn tài chính như mình đã từng.

Chính vì không được đi học từ nhỏ đến lớn, ông Bharat rất coi trọng việc học hành của các con. Hai người con trai của ông Bharat đều từng theo học tại một ngôi trường nổi tiếng, đồng thời đều đã hoàn thành xuất sắc chương trình học và hiện đang hỗ trợ công việc kinh doanh của gia đình.

Đến thời điểm bây giờ, khi cả gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định, vợ con ông Bharat thường xuyên khuyên nhủ ông từ bỏ việc ăn xin, nhưng ông Bharat vẫn giữ vững lựa chọn của bản thân cũng như “công việc” giúp ông có được ngày hôm nay: “Tôi thích ăn xin và tôi không muốn từ bỏ nó”.

Theo chia sẻ của ông Bharat, việc lựa chọn tiếp tục ăn xin không phải vì ông tham lam, mà còn vì nhiều mục đích khác, chẳng hạn như dùng tiền của người có chia cho những người không có. Ông thường xuyên đem số tiền mình xin được hàng ngày đến các ngôi chùa và quyên góp chúng cho những hoàn cảnh khó khăn hơn.

Được biết, câu chuyện thú vị của ông Bharat không phải quá hiếm ở Ấn Độ. Ngành công nghiệp ăn xin tại quốc gia này đang phát triển ngày một lớn mạnh với giá trị ước tính lên đến hàng nghìn tỷ Rupee (1 Rupee = 0,012 USD).

Theo Economic Times, Times Of India,
Cùng chuyên mục
Tin khác