Trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp: Điều kiện 'khắc nghiệt', nhiều người bị loại khỏi cuộc chơi
(VNF) - Nhiều nhà đầu tư cá nhân cho rằng, việc bổ sung tiêu chí về tần suất giao dịch khi đánh giá tính chuyên nghiệp có phần "khắc nghiệt" và không phù hợp với thực tế.
Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, đề xuất của Bộ Tài chính về việc bổ sung điều kiện đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đang trở thành một đề tài nóng trên các diễn đàn đầu tư thời gian gần đây.
Cụ thể, cá nhân cần phải đáp ứng hai điều kiện để được công nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp. Thứ nhất, họ phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 2 năm và có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất. Thứ hai, họ phải có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm (từ nhiều nguồn khác nhau) trong 2 năm gần nhất.
So với quy định hiện hành, đề xuất trên bổ sung thêm tiêu chí về tần suất giao dịch. Theo tinh thần của Dự thảo, thay đổi được đưa ra nhằm mục đích nâng cao chất lượng, tính minh bạch của thị trường thị trường chứng khoán, ngăn chặn hành vi gian lận, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, quy định buộc nhà đầu tư chuyên nghiệp phải giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
“Một năm tôi đi lệnh chưa được 10 lần, chứ nói gì đến một quý! Thật khó tin khi một người chơi chứng khoán gần 20 năm và tham gia thị trường trái phiếu từ những ngày đầu, số vốn bỏ ra cũng không phải là ít, lại bị loại khỏi cuộc chơi theo cách này”, ông Nguyễn Đức Thư (Hà Nội), một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, chia sẻ với VietnamFinance.
Là một nhà đầu tư theo trường phái giá trị, ông Thư cho hay, ông thường giữ cổ phiếu trong nhiều năm và không thực hiện giao dịch thường xuyên: “Đối với tôi, đầu tư là một quá trình cân nhắc kỹ lưỡng để sinh lời bền vững, chứ không phải một cuộc đua giao dịch để đạt chỉ tiêu. Quan trọng nhất là lựa chọn được thời điểm phù hợp để mua vào và bán ra. Quy định của Dự thảo Luật mới khiến tôi cảm thấy bị mất quyền tự do và chủ động với chính tài sản của mình”.
Ông Thư lấy ví dụ, một nhà đầu tư duy trì được tần suất giao dịch theo yêu cầu ba quý liên tục nhưng đến quý thứ tư không đảm bảo được sẽ bị tính lại tần suất giao dịch từ đầu. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu muốn mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn phải chờ thêm một năm mới có thể tiếp tục tham gia thị trường.
“Đó là một sự khắc nghiệt đối với nhà đầu tư”, ông Nguyễn Đức Thư bình luận.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Thanh Sơn (Hải Phòng) tỏ ra bức xúc: “Với tiêu chí này thì tôi e là Warren Buffett cũng phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thực ra, để bảo toàn tư cách “nhà đầu tư chuyên nghiệp”, không thiếu cách để “lách”. Nhưng tôi cho rằng, điều đó chỉ làm méo mó mục tiêu đầu tư ban đầu. Như vậy đâu phải là nâng cao tiêu chuẩn chuyên nghiệp.”
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Xuyên (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi hiểu rằng, Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước muốn bảo vệ nhà đầu tư. Nhưng quả thực, quy định này không phù hợp với thực tế. Trong điều kiện thị trường không thuận lợi, giao dịch với tần suất dày đặc có thể khiến chúng tôi phải đối mặt với mức độ rủi ro cao hơn.”
Bà Xuyên nói thêm, mất chứng nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đồng nghĩa với việc bà không thể tiếp tục tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp – một kênh đầu tư tích sản mà bà gia nhập nhiều năm nay.
“Nếu quy định mới được thông qua, cùng với tôi, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân bị gạt ra khỏi thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, bà Xuyên nói.
Không chỉ các nhà đầu tư, nhiều chuyên gia cũng đã bày tỏ lo ngại rằng việc bổ sung quy định về tần suất giao dịch sẽ làm giảm số lượng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và thu hẹp đối tượng tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ khoảng 25-30% khối lượng trái phiếu doanh nghiệp. Nếu nhóm này bị thu hẹp, thị trường có thể đối mặt với một khoảng trống lớn. Hơn nữa, điều này có thể làm giảm tính thanh khoản và sự đa dạng, khiến thị trường trở nên kém hấp dẫn và ít cạnh tranh hơn.
Theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định 65/2022/NĐ-CP, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán, bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân.
Nhà đầu tư tổ chức bao gồm: ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước được mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan; công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch.
Nhà đầu tư cá nhân là người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày được xác nhận; cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng (năm liền trước năm mua trái phiếu).
Tiếp tục cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu đảo nợ, siết điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.