Nhà đầu tư ngoại ngày càng ít ‘mặn mà’ với các đợt thoái vốn tại DNNN
Hoàng Lan -
22/03/2019 13:15 (GMT+7)
(VNF) - Chia sẻ tại Hội nghị Kinh tế và tài chính quốc tế lần thứ 8 diễn ra hôm nay (22/3), bà Lê Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán cho biết tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài tham gia những phiên đấu giá cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gần đây giảm đáng kể. Họ chỉ quan tâm đến một số thương vụ bán vốn lớn.
Bà Lê Thị Thu Hà chỉ ra 3 nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với các đợt thoái vốn nhà nước.
Thứ nhất, đó là do tỷ lệ vốn nhà nước bán ra chưa cao. Với tỷ lệ nắm giữ cổ phần hạn chế thì các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại bị loại khỏi quyền tham gia điều hành chứ chưa nói đến quyền chi phối doanh nghiệp.
Nguyên nhân thứ hai là do thời gian công bố thông tin quá ngắn, không đủ để nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu về doanh nghiệp.
“Quy định hiện nay là công bố thông tin 20 ngày trước phiên đấu giá. Các doanh nghiệp cũng chỉ căn đúng thời gian đó để công khai về hoạt động kinh doanh của mình”, bà Lê Thị Thu Hà nói.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, công khai thông tin đang là điểm yếu nhất của doanh nghiệp nhà nước. Bà Hà đưa ra con số chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp nhà nước hiện nay thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định. Hầu hết doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện đúng nghĩa vụ báo cáo với cơ quan chủ quản.
Nguyên nhân cuối cùng, theo bà Lê Thị Thu Hà, là do doanh nghiệp có vốn nhà nước không có đủ thời gian để tìm kiếm và đàm phán với nhà đầu tư chiến lược.
Tại hội nghị, bà Lê Thị Thu Hà cũng chia sẻ với các nhà đầu tư Hàn Quốc về những cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.
Theo bà Hà, những hạn chế đã đề cập ở trên đang được Việt Nam nỗ lực cải thiện, đặc biệt là hoạt động công bố thông tin.
Về dòng vốn đầu tư Hàn Quốc vào thị trường chứng khoán Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính – ông Trần Xuân Hà, đến nay đã có hơn 6.600 nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, với 6 công ty chứng khoán có vốn đầu tư của Hàn Quốc. Các công ty bảo hiểm lớn của Hàn Quốc như Hanwha Life, Mirae, Samsung Vina, Seoul Guarantee… và một số doanh nghiệp bảo hiểm khác đang hoạt động khá hiệu quả tại Việt Nam.
Hiện nay, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Tập đoàn SK đang có kế hoạch mở rộng đầu tư vào các công ty nhà nước Việt Nam để tiến vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng như viễn thông, dầu mỏ và năng lượng, Ngoài ra, các tập đoàn lớn khác như LG, Samsung, Posco, CJ và Hyosung cũng có kế hoạch đầu tư mạnh vào Việt Nam, coi Việt Nam là vùng đất cơ hội thay vì Trung Quốc.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.