Thị trường

Nhà đầu tư rút khỏi tiền ảo đổ vào vàng, giá vàng thế giới dự báo tăng mạnh

(VNF) - Hôm nay 27/5, giá vàng thế giới trụ vững ở ngưỡng trên 1.900 USD/ounce, bên cạnh giới đầu tư thì các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia cũng quan tâm đến vàng nhiều hơn.

Nhà đầu tư rút khỏi tiền ảo đổ vào vàng, giá vàng thế giới dự báo tăng mạnh

Bên cạnh giới đầu tư thì các ngân hàng trung ương cũng quan tâm đến vàng nhiều hơn.

Sau 13 giờ ngày 27/5, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 56,1 – 56,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này cũng đang ở mức 1.901,3 USD/ounce.

So với hôm qua, giá vàng trong nước hôm nay giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra. Giá vàng thế giới giảm nhẹ với mức giảm là 4 USD/ounce (gần 100.000 đồng), nhưng vẫn cố trụ trên ngưỡng 1.900 USD/ounce.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại giảm mạnh hơn, được giao dịch phổ biến quanh 52,85- 53,45 triệu đồng/lượng, giảm 350.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.

Chênh lệch giá mua - bán hôm nay được công ty SJC để ở mức 400.000 đồng/lượng, tăng 50.000 đồng so với mức trung bình cả tháng qua.

Chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tiếp tục thu hẹp. Hiện giá vàng thế giới chỉ thấp hơn giá vàng SJC khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đêm 26/5 cao hơn khoảng 25,1% (382 USD/ounce) so với đầu năm 2020.

Giá vàng thế giới trong ngày 26/5 vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce, có thời điểm lên tới 1.910 USD/ounce. Sau đó, giá vàng giảm nhẹ và đến 6 giờ ngày 27/5 giao dịch tại 1.907 USD/ounce.

Hôm nay là ngày thứ hai giá vàng thế giới đang giữ ở mức trên 1.900 USD/ounce. Các quỹ đầu tư vàng đã mua vào trong 4 phiên liên tiếp. Riêng phiên giao dịch kéo dài từ đêm 25 đến rạng sáng 26/5, một số quỹ đầu tư đã mua 1,4 tấn vàng. Các nhà phân tích tại Commerzbank (Đức) nhận định nhu cầu mua vàng từ các ngân hàng trung ương là trụ cột quan trọng hỗ trợ cho giá vàng.

Ngân hàng Commerzbank dẫn dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy trong tháng 4/2021, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã mua 43,5 tấn vàng, các ngân hàng trung ương khác cũng bổ sung dự trữ vàng bao gồm Uzbekistan mua 8,4 tấn vàng, Kazakhstan tăng số lượng nắm giữ thêm 4,4 tấn.

Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), từ tháng 1 đến tháng 3/2021, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua 95,5 tấn vàng. Báo cáo quý I/2021 của WGC cho thấy tổ chức này kỳ vọng các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng trong năm 2021 vì tin rằng tâm lý tích cực đối với vàng không thay đổi trong cộng đồng ngân hàng.

Vàng được dự báo còn tăng tiếp theo xu hướng bơm tiền của Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới. Một số dự báo cho rằng, vàng có thể lên ngưỡng 2.000 USD/ounce trong năm nay.

Theo Công ty dịch vụ tài chính Guggenheim Partners (New York), vàng đang có động lực tăng giá do nhà đầu tư rút tiền khỏi các loại tiền ảo chuyển sang vàng. Khi tiền rời khỏi tiền ảo, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm biện pháp phòng ngừa lạm phát. Vàng sẽ là nơi trú ẩn không thể tốt hơn.

Giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins Steve Hanke phối hợp với các đồng nghiệp của mình nghiên cứu về chỉ số tâm lý mới đối với vàng. Chỉ số đo lường tâm lý trên thị trường vàng là tăng hay giảm, cho biết giá có thể đi tới đâu tiếp theo. Chỉ số này sử dụng một thuật toán máy tính quét các bài báo trên phương tiện truyền thông trực tuyến và sàng lọc các từ khóa về sự tăng giá hoặc giảm giá.

Theo nghiên cứu, chỉ số mới này đang báo hiệu đợt tăng giá khủng đối với giá vàng trong năm 2021, dự kiến thị trường chuẩn bị đón một làn sóng tăng giá mới của kim loại quý.

Từ khoá: vàng, giá vàng,
Tin mới lên