Nhà đầu tư rút lui, Hà Nội chi gần 2.600 tỷ xây cầu Vĩnh Tuy mới
Sơn Hà -
05/07/2019 18:25 (GMT+7)
Hà Nội vừa quyết định chuyển từ hình thức BT sang đầu tư công đối với dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, sau khi Công ty Him Lam rút lui.
Do tất cả dự án BT phải tạm dừng chờ nghị định của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội đã thông qua chủ trương chuyển dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sang đầu tư công với tổng vốn đầu tư 2.561 tỷ đồng.
Cầu Vĩnh Tuy sẽ được mở rộng gấp đôi bằng cách xây một cầu khác có kết cấu tương tự chạy song song, cách mép cầu cũ 2m.
Cầu Vĩnh Tuy mới sẽ có chiều dài hơn 3,5km, không mất chi giải phóng mặt bằng do đã hoàn thành ở giai đoạn 1. Với mặt cắt ngang 19,25m, cầu có 4 làn xe gồm 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đi bộ.
Dự kiến vào quý 3/2020, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà thầu, thi công trong hơn 1 năm để hoàn thành vào tháng 12/2022.
Theo hợp đồng BT trước đó, Hà Nội dự kiến sử dụng quỹ đất có diện tích 440 ha trên địa bàn các phường Long Biên, Cự Khối, Bồ Đề, Thạch Bàn, quận Long Biên và xã Đông Dư, huyện Gia Lâm (khoảng 320 ha) và phân khu đô thị sông Hồng đang quy hoạch, để thanh toán cho dự án.
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã được UBND Hà Nội phê duyệt vào năm 2011. Năm 2017, Hà Nội chuyển sang đầu tư bằng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) sau đó giao Công ty Cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất dự án.
Khi dự án BT phải tạm dừng chờ Chính phủ ban hành Nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư, Công ty Him Lam cũng đã xin dừng triển khai dự án này.
Cuối 2017, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018 nhằm thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, UBND thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tạm dừng việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư.
Nguyên nhân do Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT vẫn chưa có hiệu lực thi hành.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone