Nhắm tới Mỹ, Indonesia muốn ‘thoát khỏi kiểm soát’ của Trung Quốc trong khai thác niken

Bích Hợp - 30/07/2024 14:53 (GMT+7)

(VNF) - Indonesia đang tái cấu trúc các dự án khai thác và chế biến niken để giảm đầu tư của Trung Quốc nhằm giúp ngành công nghiệp này đủ điều kiện được giảm thuế tại Mỹ, trong bối cảnh Washington tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong chuỗi cung ứng xe điện.

Lệ thuộc vào Trung Quốc

Lệ thuộc vào một khách hàng lớn sẽ không tốt cho bất kỳ doanh nghiệp nào, đây là bài học kinh nghiệm ở Indonesia, quốc gia đang phải suy nghĩ lại về cách Trung Quốc nổi lên với quyền kiểm soát hiệu quả đối với ngành khai thác và chế biến niken của mình.

Thành công khi mới bắt đầu, mối quan hệ này dường như rất phù hợp khi Indonesia cung cấp nguyên liệu thô và nhân công trong khi Trung Quốc cung cấp công nghệ và thị trường cho niken, một thành phần chính trong pin của xe điện (EV).

Khu vực nhà máy chế biến niken do PT Vale Indonesia vận hành tại Sorowako, một thị trấn khai thác mỏ ở phía đông bắc của tỉnh Nam Sulawesi, ở trung tâm đảo Sulawesi ở Indonesia(Ảnh: Reuters)

Chỉ trong vòng vài năm, phần lớn nhờ vào cơ cấu chi phí có tính cạnh tranh cao, ngành công nghiệp niken của Indonesia đã phát triển và thống lĩnh nguồn cung cấp kim loại cũng được dùng để sản xuất thép không gỉ, nhanh chóng chiếm tới 55% thị phần thế giới.

Ông Jason Sappor, chuyên gia phân tích cấp cao tại S&P Global Commodity Insights, cho biết: “Niken là nguyên liệu cần thiết cho sự phát triển của ngành xe điện, mang lại lợi ích cho môi trường và con đường xanh hóa nền kinh tế toàn cầu cũng như đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu”.

Mục tiêu tiếp theo của Indonesia là đạt được 70% thị phần vào cuối thập kỷ này nhưng sự thống lĩnh thị trường đang bắt đầu tạo ra nhiều vấn đề, bao gồm cả nhận thức rằng các nhà đầu tư Trung Quốc vào ngành niken không hoàn toàn chỉ vì lợi nhuận.

Một mục tiêu khác của các công ty Trung Quốc, và có lẽ là mục tiêu chính, là đảm bảo nguồn cung kim loại giá rẻ cho ngành sản xuất khổng lồ của Trung Quốc, nơi thống trị sản xuất xe điện toàn cầu.

Làn sóng niken từ Indonesia đã gây sức ép nặng nề lên giá kim loại này, vốn đã giảm trong 18 tháng qua tới 47% xuống còn 15.934 USD/tấn. Đây là tin tốt cho các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc nhưng lại là tin xấu cho các công ty khai thác đối thủ ở các quốc gia khác và không mấy khả quan đối với các công ty khai thác Indonesia.

Thêm vào vấn đề giá niken giảm là nhận thức ngày càng tăng rằng sự tham gia của Trung Quốc có thể khiến các nhà sản xuất niken của Indonesia không mở rộng được sang thị trường Mỹ hoặc không đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế do Mỹ đưa ra.

Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ đang tạo ra cơ hội cho các quốc gia khai thác niken khác, bao gồm Canada và Úc, nơi các mỏ đã buộc phải đóng cửa do sự cạnh tranh từ Indonesia/Trung Quốc với chi phí thấp.

Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, Indonesia có thể chỉ còn lại một khách hàng mua niken là châu Âu vì châu lục này cũng đang tìm kiếm nguồn cung cấp cho ngành công nghiệp xe điện của mình, vốn đang chịu ảnh hưởng từ làn sóng xe Trung Quốc tràn vào.

Những gì khởi đầu tốt đẹp đối với Indonesia hiện đang là một vấn đề, gây ra sự bất đồng với nước láng giềng Úc, nơi đã có nhiều mỏ đóng cửa và gây lo ngại ở Mỹ, nơi muốn tìm nguồn kim loại quan trọng từ các đồng minh thân cận, chẳng hạn như Úc và Canada, và không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào vật liệu do Trung Quốc kiểm soát.

Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể với nguồn cung niken của mình khi chỉ dựa vào một mỏ đang hoạt động ở Michigan. Mỹ đã khai thác 17.000 tấn niken vào năm 2023, trong khi Indonesia sản xuất 1,8 triệu tấn.

Công ty kim loại hàng đầu của Mỹ là Talon Metals hiện đang nỗ lực mở một mỏ niken mới ở Minnesota, nhưng con đường để đạt được sản lượng đầy đủ có thể mất hàng thập kỷ.

Vấn đề niken có những đặc điểm giống với những gì đã xảy ra với đất hiếm, một họ kim loại nhạy cảm hơn do được sử dụng cho mục đích quân sự cũng như thương mại nhưng lại nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Tìm cách khắc phục

Theo một người hiểu biết về lập trường của chính phủ, Indonesia đang thảo luận với một số nhà đầu tư tiềm năng để xây dựng các nhà máy luyện kim, trong đó các công ty Trung Quốc sẽ nắm giữ dưới 25% cổ phần.

Một giám đốc điều hành tại một nhà sản xuất niken của Indonesia cho biết năm ngoái, các quan chức chính phủ Indonesia đã hỏi một số công ty Trung Quốc liệu họ có sẵn sàng nắm giữ cổ phần thiểu số khoảng 15% trong các dự án khai thác niken hay không.

Ít nhất một công ty Trung Quốc đang phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế các khoản đầu tư mới. "Chúng tôi có công nghệ, chúng tôi có thị trường và chúng tôi chỉ nhận được một tỷ lệ phần trăm nhỏ lợi nhuận? Điều đó không có ý nghĩa gì với chúng tôi", vị giám đốc điều hành của công ty cho biết.

Những nỗ lực này diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp này đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các khách hàng tiềm năng ở Hàn Quốc và Nhật Bản trong việc tuân thủ IRA, trong khi các công ty trong chuỗi cung ứng cũng muốn đủ điều kiện theo luật mới, những người này cho biết.

Khoảng 80% sản lượng niken của Indonesia dự kiến ​​sẽ đến từ các nhà sản xuất do Trung Quốc sở hữu trong năm nay (Ảnh: Azzam Risqullah/AFP/Getty Images)

Theo IRA, vật liệu sử dụng trong xe điện (EV) hoặc pin phải đến từ các công ty có quyền sở hữu không quá 25% thuộc về "thực thể nước ngoài đáng quan tâm", bao gồm các công ty từ Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp niken của nước này phần lớn do các công ty Trung Quốc như Tsingshan Holding Group, Zhejiang Huayou Cobalt và Lygend Resources and Technology kiểm soát.

Trả lời phỏng vấn Financial Times, ông Septian Hario Seto, Thứ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, cho hay: Không chỉ là về IRA, mà còn là đa dạng hóa. Đây là một chính sách rất quan trọng vì chúng tôi không muốn bị mắc kẹt trong căng thẳng địa chính trị. Chúng tôi phải chú ý đến lợi ích quốc gia”.

Trong chuyến thăm gần đây tới Jakarta, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose W. Fernandez cho biết các cuộc đàm phán giữa hai nước về thỏa thuận khoáng sản quan trọng đang có tiến triển tích cực, mặc dù ông không đưa ra mốc thời gian hoàn thành.

Khi gặp nhau vào năm ngoái tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Indonesia Joko Widodo đã nhất trí xây dựng một "kế hoạch hành động" về các khoáng sản quan trọng như một bước đi tiền đề cho bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán dường như không đạt được nhiều tiến triển và các nhà lập pháp Mỹ đã nêu lên mối lo ngại về sự hiện diện của các công ty Trung Quốc tại Indonesia và tác hại đối với môi trường từ hoạt động khai thác và chế biến niken.

Theo Financial Times, Forbes
Nền kinh tế chậm lại, giới siêu giàu Trung Quốc đang cất giữ tài sản ở đâu?

Nền kinh tế chậm lại, giới siêu giàu Trung Quốc đang cất giữ tài sản ở đâu?

Tài chính quốc tế
(VNF) - Vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và tăng trưởng chậm lại, câu hỏi được nhiều người quan tâm là những người siêu giàu Trung Quốc đang cất giữ tài sản của mình ở đâu?
Cùng chuyên mục
Tin khác