Bạn đồng minh Trung Quốc lại ‘giáng một đòn’ vào kinh tế Nga
(VNF) - Các ngân hàng Trung Quốc đã thắt chặt các hạn chế đối với các khoản thanh toán từ Nga khi các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến sự Ukraine đang đe dọa đến thương mại giữa hai nước.
Thắt chặt "thòng lọng" tài chính quanh nước Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin thường xuyên tán thưởng sự gia tăng thương mại giữa Moscow và Bắc Kinh, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng tỏ ra lo ngại về việc vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ dẫn tới những hậu quả không thể lường trước.
Tờ báo kinh doanh Kommersant của Nga mới đây đưa tin rằng các hạn chế của các ngân hàng tại Trung Quốc đã gia tăng kể từ tháng 12/2023, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành lệnh hành pháp nhằm chặn các tổ chức Trung Quốc tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ nếu họ tham gia vào hoạt động thương mại liên quan đến ngành công nghiệp quân sự của Nga.
Tháng trước, chi nhánh tại Nga của Ngân hàng Trung Quốc đã ngừng xử lý các khoản thanh toán bằng nhân dân tệ với các ngân hàng Nga bị trừng phạt. Ngân hàng CITIC Trung Quốc và hầu hết các ngân hàng khác của Trung Quốc đều đã có động thái tương tự.
Kommersant đưa tin vào ngày 29/7 rằng các công ty Nga đang gặp nhiều trở ngại trong việc thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nội tệ Trung Quốc. Tờ báo cho biết khoảng 80% các khoản thanh toán bằng đồng nhân dân tệ đang được hoàn lại cho Nga và quá trình chuyển tiền có thể kéo dài trong vài tuần rồi bị hủy mà không có lý do.
Một nguồn tin giấu tên chia sẻ với Kommersant rằng: "Mọi người đều sẽ nhận được hoa hồng, nhưng khoản thanh toán sẽ không được thực hiện".
Trả lời phỏng vấn Kommersant, ông Alexei Sapozhnikov, đối tác quản lý của công ty tư vấn Sapozhnikov and Partners, cho hay các ngân hàng không yêu cầu bất cứ điều gì, số tiền cho giao dịch chỉ đơn giản là nằm trong các tài khoản liên kết trong tối đa 40 ngày rồi sau đó bị trả lại.
Điều này buộc các công ty Nga phải nhờ đến các bên trung gian hoặc "công ty giao dịch", không chỉ xử lý thanh toán mà còn vận chuyển hàng hóa, mặc dù điều này làm tăng chi phí giao dịch lên tới 10%, Kommersant đưa tin.
"Vấn đề chính trong thanh toán giữa các công ty Trung Quốc và Nga là tính không thể đoán trước", ông Pavel Bazhanov, một luật sư người Nga cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp Nga tại Trung Quốc và khu vực rộng lớn hơn, nói với Newsweek.
"Bất kỳ giao dịch nào cũng dựa trên giả định rằng người mua sẽ nhận được hàng hóa và người bán sẽ nhận được khoản thanh toán cho hàng hóa được cung cấp trong thời gian hợp lý", ông nói.
"Các lệnh trừng phạt làm gián đoạn hoạt động thương mại thông thường, bất kỳ doanh nghiệp Trung Quốc nào cũng không thể chắc chắn rằng khoản thanh toán từ Nga sẽ được thực hiện trong thời gian nhất định hoặc theo các điều khoản và điều kiện đã thỏa thuận trước đó", vị luật sư cho biết thêm.
Tìm các phương thức mới
Theo ông Bazhanov, vẫn có một vài cách để nhận thanh toán từ Nga bằng đồng nhân dân tệ hoặc đồng rúp. Ví dụ, một công ty Trung Quốc có thể mở tài khoản ngân hàng tại Ngân hàng VTB Thượng Hải, là ngân hàng con của Ngân hàng VTB Nga tại Trung Quốc.
Một lựa chọn khác là sử dụng các ngân hàng nông thôn Trung Quốc tương đối nhỏ gần biên giới Nga-Trung, nơi ít quan tâm đến thương mại Mỹ - Trung và chủ yếu dựa vào khách hàng trong kinh doanh xuyên biên giới.
Ngay cả khi tất cả các ngân hàng Trung Quốc ngừng xử lý mọi khoản thanh toán với Nga, các công ty Nga và Trung Quốc vẫn sẽ tìm ra cách để kinh doanh. "Nhưng kết quả là, trước sự bất ổn này, các phương thức thanh toán mới sẽ làm tăng chi phí giao dịch và khiến hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn đối với thị trường Nga", ông Bazhanov nhận định.
Ông Oleg Ushakov, nhà sáng lập công ty luật Sagrada Legal của Nga, nói với tờ Kommersant rằng vấn đề thanh toán xuyên biên giới một ngày nào đó có thể được giải quyết thông qua tài sản kỹ thuật số và tiền điện tử.
Tuy nhiên, hiện tại, do tài sản kỹ thuật số yêu cầu các bên đối tác nước ngoài phải đăng ký trên nền tảng của Nga nên những tài sản này có nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp.
Quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đã tăng vọt trong hai năm kể từ khi chiến sự tại Ukraine bủng nổ, một phần nhờ vào việc Trung Quốc tiếp cận nhiều hơn với thị trường Nga cũng như việc Nga xuất khẩu nhiều dầu khí hơn trong bối cảnh chịu các lệnh trừng phạt sâu rộng, biến nước láng giềng này thành một lối thoát dễ dàng và là huyết mạch kinh tế quan trọng.
Hai nước láng giềng đã đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD trong thương mại hai chiều vào năm ngoái, tăng 26,3% so với năm 2022. Các quan chức cấp cao của Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người đồng cấp dưới quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết quan hệ song phương đang ở mức tốt nhất từ trước đến nay, một sự gần gũi được thúc đẩy bởi các lợi ích chiến lược chung.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch ở cả hai nước vẫn phải đối mặt với những rủi ro đáng kể. Đối với các tổ chức tài chính của Trung Quốc, đặc biệt là những tổ chức có cổ phần lớn bằng USD và euro, đó là khả năng bị phương Tây trừng phạt thứ cấp. Đối với các nhà nhập khẩu Nga, đó là nhận thức rằng các khoản thanh toán của họ có thể bị từ chối bất cứ lúc nào.
EU âm thầm tăng nhập khí đốt Nga: Hà Lan ‘báo động’ sự lệ thuộc của châu Âu
- Chi tiêu cho chiến sự tăng vọt làm tổn hại nền kinh tế Nga 28/07/2024 08:45
- Sự trỗi dậy và thoái trào của ‘gã khổng lồ’ năng lượng Nga Gazprom 27/07/2024 07:30
- Bất chấp đòn giáng từ Mỹ, Trung Quốc tăng cường hợp tác năng lượng với Nga 25/07/2024 04:50
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.