Nhật Bản phát hiện biến chủng virus SARS-CoV-2 mới lai cả Delta và Alpha

Thanh Tú - 31/08/2021 17:02 (GMT+7)

(VNF) - Một nhóm chuyên gia của Đại học Y và Nha khoa Tokyo (Nhật Bản) mới đây công bố kết quả nghiên cứu liên quan tới biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, mang đột biến tương tự biến thể Delta và Alpha.

VNF
Ảnh minh họa.

Theo kết quả được nhóm nghiên cứu công bố ngày 30/8, đột biến mới được phát hiện ở một bệnh nhân đang được điều trị tại một bệnh viện thuộc trường Đại học Y và Nha khoa Tokyo hồi đầu tháng 8.

Kết quả phân tích gen cho thấy biến chủng mới chứa đột biến L452R tương tự chủng Delta thông thường. Đồng thời, nó cũng mang đột biến 501S tương đồng với đột biến N501Y trên biến chủng Alpha. Do đó, nhóm nghiên cứu tạm gọi là chủng Delta mới.

Được biết, bệnh nhân này chưa từng đi ra nước ngoài và lây nhiễm Covid-19 do tiếp xúc cộng đồng.

Theo hãng tin Jiji Press, cho đến nay, có 8 ca nhiễm biến chủng Delta mới được ghi nhận ở bên ngoài Nhật Bản, nhưng vẫn chưa rõ mức độ lây lan và độc lực của biến chủng mới.

Kể từ khi được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ vào cuối năm 2020, tới nay, biến chủng Delta đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là "biến chủng đáng lo ngại nhất” bởi nó dễ lây truyền hơn, nghiêm trọng hơn và ít bị ảnh hưởng bởi vaccine hơn.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, nhóm chuyên gia dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết những người nhiễm phải biến chủng Delta có tải lượng virus cao hơn 1.260 lần so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu, khiến nó rất dễ lây lan.

Các chuyên gia cho rằng trong khi các chủng virus trước có khả năng lây nhiễm giống như cảm lạnh thông thường, biến thể Delta có mức độ lây nhiễm còn hơn cả cúm mùa, bệnh bại liệt, đậu mùa, Ebola hay cúm gia cầm, và có mức độ lây nhiễm tương đương bệnh thủy đậu.

Do mức độ lây nhiễm cao nên biến chủng Delta đã trở thành biến chủng lây lan chính trên thế giới hiện nay. Số người nhiễm biến chủng này cũng chiếm hơn 90% số ca bệnh tại Mỹ.

Tiến sĩ Gregory Poland, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu vaccine thuộc Mayo Clonic, cho biết sẽ ngày càng có nhiều biến chủng và dần dần sẽ có một hoặc vài biến chủng học được cách thuần phục hệ đề kháng có được sau tiêm phòng và nếu điều đó xảy ra, cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu lại trở về vạch xuất phát.

Theo Tiến sĩ Preeti Malani thuộc Đại học Michigan (Mỹ), cách kiểm soát dịch bệnh hiệu quả ở thời điểm này là tiêm vaccine phòng bệnh trên diện rộng để kiểm soát tình trạng lây nhiễm, ngăn chặn virus tiếp tục biến đổi.

Xem thêm >> CDC Trung Quốc: Vũ Hán bùng dịch có thể từ thực phẩm đông lạnh nhập khẩu

Theo Japan Times
Cùng chuyên mục
Tin khác